Quan hệ Mỹ-Trung nhìn từ Cổ Lĩnh
Ngày 20/11, chúng tôi đến thăm khu du lịch Cổ Lĩnh (thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc), không chỉ ấn tượng bởi muôn hoa đua nở như đang mùa xuân mà còn bởi câu chuyện liên quan Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và quan hệ Mỹ-Trung.
Ngay lối vào khu du lịch Cổ Lĩnh (Kuliang/Kuling, ngọn núi hình cái trống) là vườn hoa nhỏ muôn hồng ngàn tía khoe sắc dưới nắng thu dìu dịu, trong không khí ngọt lành. Sát cạnh vườn hoa là cây “vua” liễu sam 1.300 tuổi (loài cây được nhập trồng ở Đà Lạt, Lâm Đồng và Ba Vì, Hà Nội); và cách đó không xa là cây “tình yêu”, còn gọi là cây “vợ” liễu sam 1.200 tuổi, vì dáng cây giống người phụ nữ vòng tay ôm chồng. Cô Hàn Doanh (Hàn Ying) ở Cổ Lĩnh nói rằng, nơi đây rất thích hợp cho lứa đôi như ở Đà Lạt.
Chung sống hòa hợp
Trong vườn có tượng 4 đứa trẻ người Trung Quốc và người nước ngoài (Tây phương) đang vui vẻ chơi đùa. Đi sâu vào trong khu du lịch, xem video, xem ảnh trong ngôi nhà “Câu lạc bộ Cổ Lĩnh”, và ngắm hai cây hoa mộc thơm ngọt trồng hai bên phiến đá ghi “Tình hữu nghị nhân dân Trung-Mỹ” bên hông ngôi nhà, du khách mới hiểu rõ tại sao hình ảnh người nước ngoài, quan hệ Trung-Mỹ xuất hiện đậm nét nơi đây.
Trong bài phát biểu khai mạc cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại bang California hôm 15/11, ông Tập Cận Bình nói: “Miễn là tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và theo đuổi hợp tác cùng có lợi, hai nước sẽ hoàn toàn có khả năng vượt lên trên những khác biệt... Hành tinh Trái đất đủ lớn để hai nước thành công và thành công của nước này là cơ hội cho nước kia”. Sau đó, hai bên đã nhất trí nối lại liên lạc quân sự, thúc đẩy hợp tác trí tuệ nhân tạo, giao lưu nhân dân..., Tân Hoa Xã đưa tin.
Thành quả bước đầu đó phần nào có sự đóng góp của Cổ Lĩnh- địa danh trở nên nổi tiếng hơn nhờ tâm huyết và tầm nhìn xa của ông Tập Cận Bình.
Vun đắp nhân duyên
“Cổ Lĩnh, Cổ Lĩnh…” - ông Milton Gardner liên tục thốt ra từ đó trong những giờ cuối đời. Vợ ông, bà Elizabeth Gardner, biết đó là nơi chồng mình đã trải qua thời thơ ấu ở Trung Quốc, nhưng bà không chắc về địa điểm chính xác.
Nhiều năm sau, vào mùa hè năm 1992, bà Elizabeth cuối cùng cũng có thể thực hiện tâm nguyện cuối cùng của chồng, đi từ Mỹ đến Cổ Lĩnh, với sự giúp đỡ của Bí thư Thành ủy Phúc Châu lúc bấy giờ- ông Tập Cận Bình.
Ông Tập biết về câu chuyện của cặp vợ chồng người Mỹ trên tờ Nhân dân Nhật báo vào tháng 4/1992. Khi còn bé xíu, Gardner cùng bố mẹ đến Trung Quốc vào năm 1901 và trải qua khoảng 10 năm tuổi thơ ở ngoại ô Phúc Châu. Những năm tháng đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến Gardner; ông sưu tầm, lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật cổ của Trung Quốc.
Gardner trở lại California vào năm 1911 và sau này trở thành giáo sư Vật lý tại Đại học California. Ông khao khát được trở lại quê hương thời thơ ấu của mình ở Trung Quốc nhưng không thể thực hiện được.
Sau khi chồng qua đời, Elizabeth đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Trung Quốc để tìm kiếm nơi ở nhỏ bé mà chồng bà vô cùng yêu mến, nhưng những nỗ lực của bà đều vô ích vì bà có rất ít manh mối về địa điểm chính xác, một phần do cách phát âm Cổ Lĩnh của người Phúc Kiến hơi khác biệt.
Cuối cùng, một sinh viên Trung Quốc, người viết câu chuyện trên Nhân dân Nhật báo, đã căn cứ dấu bưu điện trên bưu thiếp giúp bà xác định nơi này là Cổ Lĩnh, một khu nghỉ dưỡng mùa hè nổi tiếng với người nước ngoài ở Phúc Châu cách đây một thế kỷ.
Khi biết tin, ông Tập rất cảm động và ngay lập tức sắp xếp liên lạc với Elizabeth và mời bà đến Cổ Lĩnh. Ông gặp bà vào buổi tối bà đến Phúc Châu; tặng nhau những chiếc bình Trung Quốc. “Điều khiến tôi cảm động là sự gắn bó và khao khát của chồng bà đối với Phúc Châu và Cổ Lĩnh trong những năm cuối đời”, ông Tập nói. Ngày hôm sau, với sự sắp xếp của ông Tập, bà Elizabeth đến thăm Cổ Lĩnh. Bà đã nhìn thấy phong cảnh núi non và những biệt thự nước ngoài mà người chồng quá cố nhắc đến rất nhiều và gặp gỡ những người bạn thời thơ ấu của ông.
Hai thập kỷ sau, ông Tập chia sẻ câu chuyện này tại một bữa tiệc chào mừng khi ông tới Mỹ với tư cách Phó chủ tịch Trung Quốc. “Tôi tin rằng có rất nhiều câu chuyện cảm động như thế này giữa người dân Trung Quốc và Mỹ”, ông nói, đồng thời kêu gọi đẩy mạnh giao lưu nhân dân.
Tại Mỹ, con cháu của các gia đình người Mỹ từng sống ở Cổ Lĩnh thành lập nhóm “Những người bạn Cổ Lĩnh” để nối dài tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và Mỹ.
Cuối tháng 6/2023, các thành viên của nhóm đã tham dự “Diễn đàn Hữu nghị nhân dân Trung Quốc-Mỹ năm 2023” tại Phúc Châu. Ông Tập, hiện là Chủ tịch Trung Quốc, đã gửi thư chúc mừng. Theo ông, tình hữu nghị là chìa khóa của mối quan hệ giữa các quốc gia, bất chấp những khác biệt về thể chế, văn hóa và ngôn ngữ.
Phúc Kiến muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Việt Nam
Giới chức và doanh nhân tỉnh Phúc Kiến ngày 20/11 bày tỏ mong muốn tăng cường giao lưu và hợp tác hữu nghị với Việt Nam, nhất là các lĩnh vực thế mạnh hoặc có nhu cầu cao như điện tử, hóa dầu, đường sắt tốc độ cao, dệt may, năng lượng mới... "Phúc Kiến là khu vực lõi của Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21... Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng các sáng kiến, chính sách ưu đãi ở Phúc Kiến liên quan Con đường Tơ lụa trên biển, thí điểm khu thương mại tự do...", bà Hoàng Thiệu Dung (Huang Shaorong), Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Phúc Kiến, cho biết.
Trong khi đó, ông Chu Vĩnh Tiến (Zhu Yongjin), Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cảng tỉnh Phúc Kiến, nói tập đoàn muốn mở rộng hoạt động với các cảng ở Việt Nam, ngoài Vũng Áng, Dung Quất, Hải Phòng, Sài Gòn... đang hợp tác tốt đẹp, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng trưởng ổn định.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quan-he-my-trung-nhin-tu-co-linh-post1588318.tpo