Quan hệ Mỹ - Trung ra sao dưới thời ông Biden?

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục dưới thời ông Joe Biden dù dễ dự đoán hơn và có những lời lẽ bình tĩnh hơn, giới chuyên gia nhận định.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục dưới thời ông Joe Biden dù dễ dự đoán hơn và có những lời lẽ bình tĩnh hơn, giới chuyên gia nhận định.

Quan hệ Mỹ - Trung xấu đi dưới thời Thổng thống Donald Trump. Ảnh: CNN

Quan hệ Mỹ - Trung xấu đi dưới thời Thổng thống Donald Trump. Ảnh: CNN

Sau nhiều năm phàn nàn về sự mất cân bằng cán cân thương mại đối với Trung Quốc, nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump đã có những chính sách cương quyết và bất ngờ. Đặc biệt, Mỹ đã đánh thuế lên hàng hóa trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc và áp đặt lệnh trừng phạt lên gã khổng lồ viễn thông Huawei.

Hồi tháng 1-2020, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ký một thỏa thuận thương mại giai đoạn một nhằm giảm bớt căng thẳng đã tồn tại trong 2 năm vừa qua. Trung Quốc đã nhượng bộ bằng cách thỏa thuận sẽ mua hàng hóa của Mỹ. Vấn đề thuế quan vẫn là câu hỏi lớn khi các cuộc đàm phán cho giai đoạn 2 vẫn chưa được bắt đầu. Dưới thời ông Trump, doanh nghiệp của cả hai nền kinh tế đã chịu tổn thất nặng nề sau khi Trung Quốc đáp trả các biện pháp thuế quan của Mỹ. Hiện, chính quyền ông Biden vẫn chưa đưa ra một lập trường rõ ràng nào về vấn đề này.

Còn nhiều cạnh tranh

Nhận định về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau chiến thắng của ứng cử viên Dân chủ Joe Biden, ông Greg Gilligan, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, cho rằng: “Những vấn đề còn tồn tại trong mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ không thay đổi theo sự thay đổi của chính quyền”. “Áp lực đang đè lên cả hai bên trong việc duy trì thái độ diều hâu, đơn giản là vì chính trị trong nước không cho phép khuất phục quan điểm cứng rắn này trước người khác”, ông Gilligan nhận xét, ám chỉ đến lập trường cứng rắn hơn của hai nước nhằm vào nhau.

Scott Kennedy, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng: “Quá trình chuyển giao quyền lực còn kéo dài và một đại dịch cần được kiểm soát. Có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến tiếp tục đình chiến thương mại, nhưng còn quá sớm để biết liệu thuế quan có được dỡ bỏ, cũng như những hành động chống Huawei và các công ty khác có được hủy bỏ hay không”. Mặc dù trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị tổng thống đắc cử, ông Biden không đề cập đến Trung Quốc nhưng lại nhấn mạnh trong chính sách đối ngoại khi tranh cử của mình “an ninh kinh tế là an ninh quốc gia”. “Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc”, ông Biden viết trong một bài báo đăng trên tạp chí Foreign Affaire có tiêu đề “Tại sao Mỹ phải dẫn đầu một lần nữa: Cứu vãn chính sách đối ngoại của Mỹ hậu thời Trump” hồi đầu năm nay. “Nếu Trung Quốc vẫn làm theo cách của họ, họ sẽ tiếp tục cướp công nghệ và các tài sản trí tuệ của Mỹ và các công ty Mỹ. Nước này cũng sẽ tiếp tục trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, tạo lợi thế không công bằng nhằm thúc đẩy công nghệ và công nghiệp trong tương lai”, ông Biden viết trong bài báo.

Ông nói thêm: “Cách hiệu quả nhất để đối mặt với thách thức này là xây dựng một mặt trận thống nhất với các đồng minh và đối tác của Mỹ”.

Cơ hội hợp tác

Ngay khi ông Biden nhận đủ phiếu đại cử tri để đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, người dân ở cả Mỹ và Trung Quốc đều hy vọng một chính sách đối ngoại dễ đoán hơn và mang lại nhiều cơ hội hợp tác hơn.

Kênh truyền hình CNBC dẫn lời ông Xu Hongcai, Phó Giám đốc Ủy ban Chính sách kinh tế tại Hiệp hội Khoa học chính sách Trung Quốc nhận định: “Biden, Obama đều là người hiểu những điều cơ bản để tổ chức một cuộc đối thoại”. Ông Xu cũng cho rằng, Trung Quốc có thể giúp Mỹ phát triển cơ sở hạ tầng và cùng hợp tác trong thương mại quốc tế. Ông cũng tuyên bố rằng Bắc Kinh đang tái cấu trúc các công ty nhà nước, một trong những vấn đề quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Theo giáo sư Huang Jing, trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực, Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, Mỹ và Bắc Kinh có thể sẽ tìm được nhiều điểm chung trong việc duy trì ổn định tài chính toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với rủi ro khủng hoảng, suy thoái gây ra bởi đại dịch chưa từng có. Bởi vì Trung Quốc không chỉ là quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới mà còn là nước nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ lớn thứ hai thế giới. Một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ là thảm họa với cả Trung Quốc - nước giao thương thương mại lớn nhất thế giới và với cả Mỹ bởi ổn định tài chính là điều tối quan trọng cho sự thịnh vượng của nền kinh tế quốc gia này. Giáo sư Huang cũng nhận định Bắc Kinh và Washington có thể sẽ cùng xây dựng một cơ chế xử lý khủng hoảng thích hợp - điều gần như không tồn tại hiện nay- để giải quyết những vấn đề nhạy cảm nhằm ngăn chặn những căng thẳng leo thang dẫn tới xung đột nguy hiểm.

Hiện, Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng chính thức về tin tức đắc cử của ông Joe Biden. Năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện chúc mừng ông Donald Trump chỉ 1 ngày sau khi có kết quả.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_234337_quan-he-my-trung-ra-sao-duoi-thoi-ong-biden-.aspx