Quan hệ Mỹ-Trung sau cuộc họp tại Alaska: Thực tại ảm đạm, tương lai mịt mờ

Việc không có bài bình luận chính thức nào về cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc trên chương trình Thời sự của CCTV hay Nhân dân Nhật báo hàm ý rằng, cuộc họp tại Alaska đã không diễn ra chính xác như Trung Quốc mong đợi.

Quan hệ Mỹ-Trung sẽ đi về đâu sau cuộc đối thoại tại Alaska vẫn là một ẩn số. (Nguồn: Reuters)

Quan hệ Mỹ-Trung sẽ đi về đâu sau cuộc đối thoại tại Alaska vẫn là một ẩn số. (Nguồn: Reuters)

Thực tại ảm đạm của quan hệ Mỹ-Trung

Trước cuộc chạm trán đầu tiên với Trung Quốc, Nhà Trắng đã củng cố quan hệ với các nước đồng minh và tạo ra một mặt trận thống nhất.

Ông Joe Biden, người từng là Phó Tổng thống của thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, có lẽ đã học được từ những sai lầm trong quá khứ của người Mỹ.

Cùng với chính quyền của ông Joe Biden, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Trong động thái nhằm đáp trả, Trung Quốc cũng không chịu nhượng bộ, thể hiện thái độ sẵn sàng chống lại các liên minh do Mỹ dẫn đầu bằng cách tăng cường quan hệ với các quốc gia thân thiện, đặc biệt là Nga và Triều Tiên.

Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã trao đổi thông điệp ngày 22/3 và khẳng định quan hệ giữa hai nước cần được phát triển hơn nữa.

Tại cuộc họp ở Alaska, ông Dương Khiết Trì - nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc, đã tỏ rõ sự cứng rắn.

Ông Dương đã đề cập năm 2035 tới 2 lần trong tuyên bố khai mạc dài hơn 16 phút, nhấn mạnh mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là "hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa cơ bản", theo đó, Bắc Kinh sẽ thay thế Washington trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới trong 14 năm tới.

Những nhận xét gay gắt của nhà ngoại giao Dương Khiết Trì ở Alaska đã phản ánh tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình - nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc.

"Mỹ không có đủ tư cách để nói rằng họ muốn nói chuyện với Trung Quốc từ một vị thế cường quốc", ông Dương đưa ra những lời nói rất cứng rắn.

Bắc Kinh đang thức tỉnh trước một thực tế u ám rằng, quan hệ Mỹ-Trung giờ đây thậm chí còn khó khăn hơn so với thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Trong khi ông Trump tập trung vào thương mại và kinh tế, chính quyền của Tổng thống Biden đã bổ sung thêm nhân quyền và an ninh vào mặt trận cạnh tranh giữa hai nước.

Giới phân tích cho rằng, chính quyền của ông Joe Biden xác định mối quan hệ Mỹ-Trung là "cạnh tranh chiến lược", bởi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng cụm từ "sự trỗi dậy của phương Đông, sự suy tàn của phương Tây" trong một bài phát biểu riêng gần đây.

Triển vọng cấp cao khó đạt được

Kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã nỗ lực hết sức để sớm hiện thực hóa cuộc gặp trực tiếp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với nhà lãnh đạo mới của Washington.

Trung Quốc muốn đảm bảo cuộc gặp trực tiếp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden diễn ra càng sớm càng tốt.

Nếu các điều kiện được đáp ứng, ông Tập Cận Bình sẵn sàng tới Mỹ để tham gia các cuộc đàm phán như vậy. Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc được cho là có lý do cấp bách để "sốt sắng".

Vào đầu tháng 7 tới, Trung Quốc sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu lúc đó ông Tập không thể sắp xếp một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ, việc đó nói lên điều gì về tình trạng của mối quan hệ song phương quan trọng nhất đối với Trung Quốc?

Hơn nữa, động thái này phản ánh về cách xử lý chính sách đối ngoại của ông Tập. Một nguồn tin cho biết, “khoảng tháng 6 sẽ là thời điểm tốt nhất để hai nhà lãnh đạo gặp mặt", sau khi xem xét tình hình triển khai vaccine Covid-19 ở Mỹ - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới cho đến nay.

Cũng liên quan đến lễ kỷ niệm đặc biệt này, một thông báo quan trọng được Bắc Kinh đưa ra vào sáng ngày 23/3, cho thấy một cái nhìn thoáng qua về suy nghĩ của giới lãnh đạo quốc gia đông dân này.

"Sẽ không có cuộc duyệt binh trong lễ hội kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc", Thiếu tướng Li Jun, trợ lý Cục trưởng Cục Công tác Chính trị của Quân ủy Trung ương Trung Quốc cho biết.

Hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu nước này phô trương sức mạnh quân sự bằng một cuộc duyệt binh lớn trong khi đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành khắp thế giới.

Giới quan sát nhận định, động thái như vậy có thể "châm ngòi lửa" cho làn sóng tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 của cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, quyết định không tổ chức lễ duyệt binh cũng có thể là một phần trong nỗ lực xây dựng lại quan hệ với Mỹ.

Tương lai đối thoại mịt mờ

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế về biến đổi khí hậu vào cuối tháng 4 sắp tới.

Phía Trung Quốc cho biết, trong cuộc đối thoại tại Alaska, 2 nước đã nhất trí thành lập một nhóm công tác về vấn đề biến đổi khí hậu, mặc dù Mỹ sau đó đã phản bác lại tuyên bố này.

Nếu Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ tổ chức hội đàm trực tuyến, đây có thể là bước khởi đầu cho chuyến công du Mỹ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, với việc Mỹ và Trung Quốc đang ở trong một cuộc đối đầu gay gắt và có cả sự tham gia của Liên minh châu Âu (EU) và Nga, việc nhanh chóng tìm ra điểm chung giữa cả hai phe sẽ rất khó khăn.

Chuyến công du Mỹ dự kiến của ông Tập vào tháng 6 tới nhiều khả năng sẽ thất bại, trừ khi Trung Quốc đưa ra những nhượng bộ bất ngờ.

(theo Nikkei Asia)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-my-trung-sau-cuoc-hop-tai-alaska-thuc-tai-am-dam-tuong-lai-mit-mo-140279.html