Quan hệ Mỹ-Trung trên bờ vực vì COVID-19
Đại dịch COVID-19 được cảnh báo sẽ đẩy quan hệ Mỹ-Trung trượt dài xuống hố sâu căng thẳng mà có thể phải mất hàng thế hệ sau mới có thể hàn gắn.
Trung Quốc và Mỹ đến nay là hai trong số rất nhiều nước thiệt hại nặng nề vì tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, thay vì cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh trong vai trò là hai cường quốc hàng đầu, quan hệ hai nước này lại bước vào giai đoạn căng thẳng mới mà có thể sẽ phải mất cả thế hệ sau mới hàn gắn được, theo đài CNN.
Không dừng ở công kích qua lại
Trung Quốc thời gian gần đây liên tục bị chỉ trích về vấn đề minh bạch thông tin trong cách xử lý đại dịch COVID-19, đặc biệt là giai đoạn khi dịch mới bùng phát.
Hồi tháng 3-2020, khi dịch bắt đầu lan rộng trên toàn cầu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lúc đó đã có phát biểu khẳng định virus SARS-CoV-2 có thể do quân đội Mỹ mang đến Vũ Hán.
Đáp trả, Tổng thống Donald Trump gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”, đồng thời chỉ đích danh Bắc Kinh là nước làm lây lan dịch tại các thành phố lớn của Mỹ. Dù chủ nhân Nhà Trắng sau đó có ngưng sử dụng cách gọi này nhưng căng thẳng hai bên vẫn không được giảng hòa.
Đến đầu tuần trước, Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng tuyên bố có bằng chứng chứng minh virus gây dịch COVID-19 xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nhưng không tiết lộ thêm chi tiết. Bắc Kinh chỉ trích đây là chiêu trò nhằm củng cố chiến dịch tranh cử của ông Trump trong mắt các cử tri thuộc đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, CNN cho rằng mâu thuẫn giữa hai nước nhiều khả năng đã vượt qua những lời lẽ công kích qua lại trên các phương tiện truyền thông khi Washington đang có dấu hiệu chuẩn bị kế hoạch trừng phạt Trung Quốc, chủ yếu sử dụng các đòn đánh vào kinh tế. Mỹ cũng đang kêu gọi các đồng minh phương Tây cùng tham gia chiến dịch gây sức ép với Bắc Kinh.
Theo GS Shi Yinhong thuộc ĐH Renmin (Trung Quốc), quan hệ Mỹ-Trung hiện nay có thể đã “xuống mức thấp nhất kể từ năm 1972” khi cựu Tổng thống Richard Nixon có chuyến thăm lịch sử tới Bắc Kinh để bình thường hóa quan hệ hai nước.
CNN cho rằng nhận định của ông Yinhong rất đáng lưu ý nếu nhìn vào số lượng các cuộc khủng hoảng quy mô lớn mà hai bên phải trải qua trong khoảng 50 năm trở lại đây.
Đơn cử, về phía Trung Quốc, hồi năm 1999 đã xảy ra một vụ đánh bom đại sứ quán nước này ở Serbia. Trong khi đó, Mỹ ghi nhận vụ va chạm giữa máy bay do thám Mỹ và chiến đấu cơ của Trung Quốc vào năm 2001. Cả hai nước đều thiệt hại nặng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
“Kể từ đầu năm 2018, quan hệ Mỹ-Trung đã bước vào thế đối đầu và cạnh tranh toàn diện. Đến khi COVID-19 bùng phát, mối quan hệ này tiếp tục chịu tổn thất lớn”, ông Shi Yinhong chia sẻ.
Không chỉ quan hệ song phương căng thẳng, quan điểm của người dân hai nước khi đánh giá lẫn nhau cũng đang dần trở nên ít thiện cảm hơn.
Một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy 66% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc - tỉ lệ cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát thường niên về vấn đề này được thực hiện vào năm 2005. Chỉ 1/4 số người khảo sát thể hiện thái độ tích cực với Trung Quốc.
Trong khi đó, người dân Trung Quốc lại cho rằng sở dĩ dịch bệnh bùng phát mạnh là bởi chính phủ các quốc gia khác chủ quan, không đưa ra phản ứng phù hợp. Khi số ca nhiễm mới bắt đầu giảm ở Trung Quốc nhưng vẫn tăng ở các nước khác, truyền thông Trung Quốc cho đăng những thông điệp ca ngợi thành công của nước này trong công tác phòng, ngừa dịch bệnh và chỉ trích sự thất bại của các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ.
Vết sẹo của một thế hệ
CNN cho rằng việc Bắc Kinh đang ngày càng quyết liệt hơn trong chính sách đối ngoại là nhằm mục tiêu mở rộng ảnh hưởng trên thế giới và bảo vệ các lợi ích quốc gia “cốt lõi” theo đúng tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, cách làm này đang gây ra phản ứng ngược khi Trung Quốc có thể đang đứng trước một làn sóng phản ứng dữ dội vượt xa cả phản ứng của Mỹ.
Trước hết, hàng loạt quốc gia đã yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra. Tại châu Âu, Trung Quốc bị cáo buộc lan truyền thông tin sai lệch. Còn ở châu Phi, Trung Quốc bị chỉ trích phân biệt đối xử với các công dân gốc Phi khi ứng phó dịch bệnh.
Theo GS Shi Yinhong, nếu không được giải quyết, việc liên tục bị phương Tây và Mỹ buộc phải chịu trách nhiệm về đại dịch sẽ là một thách thức ngoại giao nghiêm trọng cho Bắc Kinh. “Dưới góc nhìn của giới lãnh đạo Trung Quốc, điều này liên quan chặt chẽ đến uy tín và tiềm năng ổn định của nước này”, ông Shi nói.
Dù Trung Quốc thời gian có cố gắng bảo vệ hình ảnh qua việc viện trợ khẩu trang, bộ xét nghiệm cùng nhiều trang thiết bị y tế khác cho những quốc gia bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề, song các nhà quan sát vẫn tỏ ý nghi ngờ về dụng ý thực sự của cái gọi là "ngoại giao khẩu trang" này của Bắc Kinh.
“Ngay cả khi COVID-19 đã qua đi, những hậu quả nêu trên của nó vẫn còn đó. Ký ức về đại dịch và sự tàn phá của nó lớn đến mức tôi sợ rằng những vết sẹo sẽ còn mãi trong trái tim của một thế hệ”, chuyên gia Shi Yinhong nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chuyen-gia/quan-he-mytrung-tren-bo-vuc-vi-covid19-911903.html