Quan hệ Nga - Mỹ rơi xuống mức thấp nhất

Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ xuống dốc và ngày càng trở nên xấu đi khi hai bên liên tiếp cáo buộc nhau tấn công trên nhiều mặt trận, từ các cuộc tấn công mạng, đến tấn công căn cứ quân sự Mỹ tại Afghanistan... theo Mỹ đều có 'bàn tay' của Nga.

Ăn miếng trả miếng

Những hành động “ăn miếng trả miếng” qua lại giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới không phải bây giờ mới xảy ra. Dường như tần suất trả đũa giữa Nga và Mỹ ngày càng dày đặc, bao phủ nhiều lĩnh vực hơn. Ngày 19/12, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo với Quốc hội về kế hoạch đóng cửa vĩnh viễn 2 lãnh sự quán cuối cùng của nước này tại Nga do vấn đề an toàn và an ninh. Điều này đồng nghĩa chỉ còn duy nhất Đại sứ quán Mỹ tại Moscow là cơ sở ngoại giao của Mỹ ở Nga. Hành động này sẽ có tác động không nhỏ tới những người muốn xin thị thực vào Mỹ cũng như công tác lãnh sự Mỹ ở Nga.

Quan hệ Nga - Mỹ được kỳ vọng sẽ cải thiện dưới thời ông Joe Biden.

Quan hệ Nga - Mỹ được kỳ vọng sẽ cải thiện dưới thời ông Joe Biden.

Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quyết định sẽ đóng cửa lãnh sự quán ở Vladivostok, miền viễn đông Nga và dừng hoạt động tại lãnh sự quán ở Yekaterinburg để đáp ứng với giới hạn nhân sự của phái bộ Mỹ tại Nga quy định vào năm 2017. Thời gian cụ thể để đóng cửa 2 lãnh sự quán vẫn chưa được quyết định. Vào năm 2018, Nga đã yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại St. Petersburg để đáp trả việc Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Nga tại Seattle.

Trước đó, một vụ tấn công mạng đã làm rúng động cả thế giới khi cơ quan đầu não quản lý kho vũ khí hạt nhân của Mỹ là Bộ Năng lượng và Cơ quan Quản lý an ninh hạt nhân quốc gia (NNAS) cùng 3 tiểu bang đã bị tấn công mạng. Theo hãng tin Bloomberg, Bộ An ninh nội địa, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bị tin tặc tấn công, đối tượng tình nghi duy nhất hướng về phía Nga, dù Moscow khẳng định họ không liên quan.

Trong vài năm trở lại đây, quan hệ Nga Mỹ đã “rơi tự do” xuống mức thấp kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nga Mỹ đối đầu nhiều hơn là đối thoại, từ năm 2014 Nga sáp nhập Bán đảo Crimea từ Ukraine, năm 2016 Nga “dính” cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sau đó lại bị buộc tội sử dụng vũ khí hóa học ở Syria hay vấn đề Iran... Để đáp trả, Mỹ liên tiếp ban hành các biện pháp trừng phạt từ kinh tế, thương mại, quân sự đến các quan chức Nga cũng trở thành mục tiêu trừng phạt của Mỹ...

Nga - Mỹ nguy cơ sa lầy các cuộc chiến mới

Trước những cáo buộc có “bàn tay” hacker Nga trong những vụ tấn công mạng gần đây cũng như can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, Tổng thống Nga V.Putin đã chỉ rõ, mục đích của những đối tượng muốn đổ tội cho Nga là nhằm phá hoại quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ, và quan hệ Nga - Mỹ đã trở thành “con tin” cho các vấn đề nội bộ của Mỹ.

Để tháo gỡ những khúc mắc giữa Nga và Mỹ, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, Moscow đã nhiều lần kêu gọi Mỹ từ bỏ mọi lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp, quay lại đối thoại bình đẳng và mang tính tôn trọng, tuy nhiên “Chúng tôi đã không nhận được câu trả lời nào cho các đề xuất của mình”, Đại sứ Nga nhấn mạnh. Ông A.Antonov cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm chống lại Nga không thân thiện, “sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng trong quan hệ song phương”.

Hố sâu ngăn cách giữa Nga và Mỹ được dự báo vẫn tiếp tục được nới rộng, bởi người đứng đầu chính quyền mới của Mỹ - Joe Biden có quan điểm cứng rắn với Nga nên Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách gây sức ép bằng những biện pháp trừng phạt, thâm chí 2 bên có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, điều này đã từng xảy ra và Mỹ chính là quốc gia khơi mào cuộc chạy đua vũ trang mới. Moscow buộc phải phát triển các vũ khí siêu thanh để đáp trả. Nếu so sánh với các nước trên thế giới Nga đứng thứ 6 về tài trợ quân đội, mỗi năm nước này chi khoảng 65 tỷ USD cho lực lượng vũ trang.

Người từng làm việc về các biện pháp trừng phạt Nga dưới thời Obama, ông Edward Fishman nhận định: “Chính quyền Biden sẽ có một nhiệm vụ khó khăn hơn bất kỳ chính quyền mới nào khác kể từ sau Chiến tranh Lạnh”. Dư luận mong chờ một sự thay đổi dưới bàn tay chèo lái của “vị thuyền trưởng” mới của nước Mỹ, Tổng thống đắc cử Joe Biden. Mặc dù theo đuổi lập trường cứng rắn, nhưng chính quyền mới của Mỹ nhiều khả năng vẫn để ngỏ các cơ hội hợp tác với Nga.

Trần Hải

((theo CNN, Reuters, AFP))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quan-he-nga-my-roi-xuong-muc-thap-nhat-n184465.html