Quan hệ Nga - Trung tốt đẹp nhất trong lịch sử nhưng khó hình thành liên minh
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đầu tuần này đã đến Nga để thảo luận chiến lược khi hai nước nỗ lực tăng cường quan hệ trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ không ngừng gia tăng.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đến Nga hôm 24/5 để đồng chủ trì cuộc tham vấn an ninh chiến lược Nga – Trung Quốc lần thứ 16 cùng với Đại tướng Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Liên bang Nga.
Ông Dương Khiết Trì, người được cho là trợ lý chính sách đối ngoại đáng tin cậy nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ đến thăm Slovenia và Croatia trong chuyến đi 4 ngày, bắt đầu từ hôm 24/5.
Chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì diễn ra không lâu sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng dự buổi ra mắt trực tuyến của một dự án năng lượng hạt nhân ngày 19/5. Tại sự kiện, Tổng thống Putin nói rằng quan hệ Nga - Trung đã đạt đến “mức tốt đẹp nhất trong lịch sử”. Trong khi đó, mối quan hệ của Trung Quốc và Nga với Mỹ lại đang suy yếu.
Về phần mình, ông Tập Cận Bình cho biết, hai nước đã “ủng hộ lẫn nhau, hợp tác chặt chẽ và hiệu quả” khi đối mặt với đại dịch Covid-19 và những “thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ qua”.
Cả Bắc Kinh và Moscow đều cáo buộc Washington tập hợp lực lượng, tạo thế đối đầu bằng cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác thông qua các liên minh không chính thức như nhóm Bộ tứ kim cương. Nga và Trung Quốc cam kết cùng hợp tác để chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo ra một “vành đai nhiễu loạn địa chính trị”.
Kể từ đầu năm nay, Trung Quốc và Nga đã có nhiều động thái thúc đẩy tăng cường quan hệ song phương. Vào tháng 3 vừa qua, hai nước đã thiết lập một “nền tảng đối thoại an ninh khu vực”, mặc dù vậy, có rất ít thông tin chi tiết về kế hoạch này.
Moscow và Bắc Kinh cũng có quan điểm tương đồng về các cuộc xung đột gần đây trên khắp thế giới, bao gồm cả việc ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn đặt được giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine ở Dải Gaza hôm 21/5.
Zhang Xin, Phó Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Sư phạm Hoa Đông nhận định, một trong những nội dung tại cuộc gặp giữa ông Dương Khiết Trì và ông Patrushev có thể là về cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken hôm 19/5 vừa qua.
Theo Phó Giáo sư Zhang, Trung Quốc cũng muốn thảo luận về sự phát triển hợp tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, bao gồm một nỗ lực chung để xây dựng trạm vũ trụ Mặt Trăng và hợp tác ở Bắc Cực.
“Trung Quốc và Nga đã thúc đẩy các cuộc đàm phán rất thường xuyên và được thể chế hóa trong lĩnh vực này, không nhất thiết cứ phải hiểu những chủ đề này là tập trung vào Mỹ. Tuy nhiên, sẽ có những thông điệp gián tiếp đáp trả Mỹ, hoặc thậm chí là nhằm vào các nước G7. Đó sẽ hoàn toàn là một động thái hợp lý”, ông Zhang nói.
Đầu tháng này, các ngoại trưởng nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã chỉ trích Nga có những hành động “xấu xa” còn Trung Quốc có những hành vi “bắt nạt”. Các ngoại trưởng G7 cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine, ủng hộ Đài Loan (Trung Quốc) tham gia các diễn đàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Đại hội đồng Y tế thế giới.
Nga-Trung không xây dựng liên minh chính thức
Phó Giáo sư Zhang cho rằng, Trung Quốc và Nga có thể sử dụng các cuộc đàm phán như một cơ hội để công bố chiến lược hợp tác mới, nhưng mối quan hệ này sẽ không trở thành một liên minh chính thức.
“Hiện không có bằng chứng nào cho thấy cách tiếp cận này đã thay đổi, mặc dù các mối quan hệ an ninh tiếp tục được củng cố. Đây là hình thức quan hệ song phương mới mà Trung Quốc đang theo đuổi – một mối quan hệ an ninh cực kỳ bền chặt mà không cần tuyên bố là đồng minh”, ông Zhang nói.
Temur Umarov, chuyên gia về Trung Quốc và Trung Á tại Trung tâm Carnegie Moscow cho biết ông không mong đợi bất kỳ sự hợp tác đột phá nào từ cuộc gặp, nhưng hai nước sẽ hướng tới mục tiêu xây dựng lòng tin giữa giới tinh hoa chính trị mạnh mẽ hơn.
Umarov nhận định: “Trung Quốc và Nga đang tập trung vào việc thay đổi môi trường quốc tế khi cho rằng trật tự toàn cầu hiện tại mà chúng ta đang sống bị các nước phương Tây làm sai lệch. Mối quan hệ bền chặt hơn giữa Nga và Trung Quốc khiến họ cảm thấy cần phải thay đổi trật tự toàn cầu và rất có thể chúng ta sẽ nghe ý kiến của họ về chủ đề này như một kết quả của cuộc họp lần này”.
Tuy nhiên, dù mối quan hệ đó có mạnh mẽ đến đâu thì Nga và Trung Quốc vẫn sẽ luôn có những hạn chế trong một số vấn đề an ninh quan trọng nhất định. “Ví dụ, Nga không muốn bị lôi kéo vào tranh chấp ở Biển Đông với các nước Đông Nam Á… và Trung Quốc cũng không muốn bình luận về vấn đề Ukraine”, ông Umarov nói.
Chuyên gia về quan hệ Trung - Nga tại Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga Danil Bochkov cũng cho rằng hai nước không muốn bị phương Tây coi là đang hình thành một mặt trận thống nhất.
“Moscow và Bắc Kinh không muốn làm tổn hại thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng với phương Tây bằng cách thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau. Hợp tác chuyên sâu có thể được thúc đẩy mà không cần phải có quy định về mặt pháp lý thì tại sao Trung Quốc và Nga cần phải làm phức tạp thêm mối quan hệ bằng bất kỳ ràng buộc pháp lý nào?”, ông Bochkov chia sẻ quan điểm./.