Quan hệ ngày càng căng thẳng, Hàn Quốc và Nhật Bản rầm rộ tập trận nhắm vào nhau
Quan hệ căng thẳng gia tăng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm tình hình ở Đông Bắc Á xấu đi. Hai nước cùng lúc tổ chức tập trận quân sự lớn vào ngày Chủ nhật 25/8. Trong đó, cuộc tập trận của Hàn Quốc tại hòn đảo tranh chấp Dokdo (Nhật gọi là Takeshima) quy mô lớn gấp đôi so với những năm trước. Khu trục hạm Aegis và lực lượng đặc biệt được huy động tham gia để thể hiện quyết tâm bảo vệ lãnh thổ. Nhật Bản thì tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật toàn diện đầu tiên trong thời đại Lệnh Hòa, mô phỏng ngăn chặn kẻ thù xâm chiếm đảo ở xa.
Ngày 25/8, Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc “Diễn tập phòng ngự lãnh thổ Đông Hải” (East Sea territory defence training) (Nhật gọi là Biển Nhật Bản) trong hai ngày liên tiếp với sự tham gia của các lực lượng Hải quân, Không quân, Lục quân, Thủy quân lục chiến và Cảnh sát biển. 10 tàu chiến và 10 máy bay quân sự, bao gồm tàu khu trục Sejong King lớp Aegis. Lực lượng đặc nhiệm lục quân, Trung đoàn cơ động thứ 7 tinh nhuệ nhất của hải quân và máy bay chiến đấu F-15K của không quân.
Lính Hàn Quốc diễn tập dùng trực thăng đổ bộ lên đảo. Ảnh: Đông Phương
Cuộc tập trận này được gọi là “Diễn tập phòng thủ đảo Dokdo” được tổ chức lần đầu tiên từ năm 1986. Nó được tiến hành mỗi năm hai lần vào mùa Đông và mùa Hè, nhưng năm nay lần đầu tiên sử dụng cái tên mới để thể hiện việc bảo vệ các hòn đảo phía đông bao gồm Ulleungdo. Đây là lần đầu tiên tàu khu trục Sejung King 7.600 tấn được huy động tham gia tập trận ở Dokdo, sử dụng như một tàu sân bay chở quân đổ bộ lên Dokdo.
Tàu khu trục Sejong King lớp Aegis lần đầu tiên được Hàn Quốc sử dụng tham gia diễn tập tại Dokdo, Ảnh: Đông Phương
Nhà Xanh – Phủ tổng thống nhấn mạnh cuộc tập trận không chỉ nhằm vào Nhật Bản, mà đến tất cả các thế lực đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Hàn Quốc. Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố lấy làm tiếc trước động thái này và yêu cầu Hàn Quốc ngừng cuộc tập trận. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phản bác lại, nói rằng từ góc độ lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế, Dokdo là lãnh thổ vốn có của đất nước họ và sẽ kiên quyết đáp trả yêu sách không chính đáng của Nhật Bản đối với hòn đảo.
Các nhà phân tích cho rằng, các máy bay quân sự Trung Quốc và Nga đã nhiều lần đột nhập vào khu vực nhận dạng phòng không của Hàn Quốc trong những năm gần đây. Việc Hàn Quốc mở rộng quy mô cuộc tập trận lần này cũng là nhằm vào cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga tại khu vực Bán đảo Triều Tiên.
Binh sĩ Hàn Quốc tham gia tập trận. Ảnh: Đông Phương
Cuộc tập trận của Hàn Quốc ban đầu định tổ chức vào tháng 6 nhưng đã bị hoãn lại do xem xét nó có thể ảnh hưởng đến quan hệ Hàn - Nhật. Khi Nhật Bản áp dụng trả thù kinh tế vào tháng 7, phía Hàn Quốc đã lên kế hoạch tập trận vào dịp trước và sau ngày 15/8, nhưng lịch trình của cuộc tập trận đã thay đổi một lần nữa do các yếu tố như thời tiết và cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Mỹ. Theo phân tích, chính phủ Hàn Quốc và quân đội luôn duy trì lập trường “mơ hồ chiến lược”. Tuy nhiên, do Nhật Bản đã không điều chỉnh ý định sẵn sàng trả đũa kinh tế Hàn Quốc, nên lập trường của Hàn Quốc đã thay đổi. Chỉ 3 ngày sau khi quyết định bãi bỏ “Hiệp định bảo vệ tình báo quân sự Hàn Quốc - Nhật Bản” (GSOMIA), Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận.
Xe tăng quân đội Nhật bắn đạn thật trong cuộc diễn tập. Ảnh: Đông Phương
Ở phía nước láng giềng, Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản cùng ngày 25/8 đã tổ chức “Cuộc diễn tập hỏa lực toàn diện Fuji” ở tỉnh Shizuoka; huy động 2.400 binh sĩ, 80 xe tăng và xe bọc thép, 60 khẩu pháo, 20 máy bay quân sự và sử dụng tới 35 tấn bom đạn, quy mô lớn nhất trong nước. Cuộc tập trận mô phỏng kẻ thù xâm chiếm các hòn đảo phía tây nam, thể hiện các trung đoàn cơ động nghênh chiến kẻ địch trên đảo rồi ba đơn vị liên hợp sử dụng xe tăng và máy bay tiến công đẩy lui quân địch. Ngoài ra, cuộc tập trận năm nay đưa thêm vào khoa mục sử dụng chiến tranh điện tử để phá vỡ hệ thống chỉ huy của kẻ thù.
Quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã trở nên tồi tệ về vấn đề bồi thường cho công nhân bị cưỡng ép lao động trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Phía Nhật Bản đi trước trong việc thực hiện các biện pháp hạn chế thương mại, làm dấy lên tình cảm chống Nhật ở Hàn Quốc. Sau khi hai nước loại nhau ra khỏi “danh sách trắng” (tối huệ quốc thương mại), đến lượt Hàn Quốc không gia hạn Hiệp định bảo vệ tình báo quân sự GSOMIA – một thỏa thuận về chia sẻ tin tức tình báo giữa hai nước sẽ hết hạn vào tháng 11 tới.
(Theo Đông Phương, RTI)