Quan hệ ngoại giao giữa các nước có còn áp dụng hình thức cử Đại biện?
Công ước Vienna 1961 xếp Đại biện là cấp thứ ba trong những người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao, nhưng trong thực tế các nước ít áp dụng hình thức này?
Đại biện đứng đầu Đại biện quán và được bổ nhiệm bên cạnh Bộ trưởng Ngoại giao. Đây là hình thức thấp nhất trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia. Hình thức này được áp dụng khi quan hệ ngoại giao hai nước chưa có đầy đủ những yếu tố chính trị hoặc chưa có những điều kiện thuận lợi để hai bên nâng quan hệ lên hàng Đại sứ quán.
Từ 1954–1972, quan hệ ngoại giao giữa Anh và Trung Quốc chỉ ở hàng Đại biện, thời gian này Trung Quốc đề nghị Anh xem xét lại lập trường về vấn đề Đài Loan. Năm 1972, hai bên ký Thông cáo nâng quan hệ ngoại giao lên hàng Đại sứ quán, trong đó có điểm Chính phủ Anh coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và rút Cơ quan đại diện của Anh ở Đài Loan, công nhận Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc.
Hình thức Đại biện quán cũng áp dụng trong trường hợp quan hệ giữa hai nước có vấn đề ngoại giao căng thẳng, xấu đi, hai bên tuyên bố hoặc tự hạ thấp quan hệ ngoại giao từ Đại sứ quán xuống Đại biện quán. Năm 1980, quan hệ Trung Quốc – Hà Lan từ cấp Đại sứ quán hạ xuống Đại biện quán một thời gian do việc Chính phủ Hà Lan cho phép xưởng đóng tàu của Hà Lan bán cho Đài Loan 2 tàu ngầm trị giá 500 triệu USD.
Cũng có trường hợp Đại biện quán là hình thức mở đầu để chuẩn bị nâng lên Đại sứ quán. Năm 1964, Đại biện Cộng hòa Arab Thống nhất đến Hà Nội lập Cơ quan đại diện ngoại giao, năm 1965, hai bên ký nâng quan hệ ngoại giao lên hàng Đại sứ quán, năm 1966, Đại sứ đầu tiên của Cộng hòa Arab Thống nhất đến trình Thư ủy nhiệm.
Thực tế, trong quan hệ ngoại giao hiện nay các nước ít áp dụng hình thức này. Thông thường mỗi khi hai nước thấy có đầy đủ điền kiện thì tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ, thành lập Đại sứ quán thường trú hoặc trong trường hợp điều kiện chưa cho phép, tiến hành cử Đại sứ không thường trú. Trường hợp hai nước có sự bất đồng, nhưng chưa đến mức cắt giảm quan hệ ngoại giao một cách chính thức thì một hoặc hai bên lặng lẽ rút Đại sứ của mình về nước và cử Đại biện lâm thời.