Quan hệ Pháp - Đức khởi sắc nhưng vẫn còn khác biệt kéo dài
Ngày 22/4, theo tờ Politico, quan hệ Pháp - Đức đang bước vào giai đoạn khởi sắc khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz thể hiện nhiều điểm đồng thuận.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz trong cuộc gặp tại Berlin ngày 26/2/2025. Ảnh: Politico.EU/TTXVN
Dự kiến, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Merz sau khi đắc cử sẽ là tới Paris vào ngày 7/5 - một động thái được đánh giá là tín hiệu tái khẳng định vai trò đầu tàu của quan hệ Pháp - Đức trong liên minh châu Âu.
Một nhà ngoại giao Pháp nhận định rằng Tổng thống Macron cuối cùng đã tìm được một đối tác đối thoại thực sự tại Berlin. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng giai đoạn khởi đầu tích cực này sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ nhất trí giữa hai bên trong các vấn đề chính sách then chốt.
Hợp tác quốc phòng
Việc ông Merz quyết định từ bỏ giới hạn nghiêm ngặt về nợ công và tăng cường đầu tư vào quốc phòng đã được Paris đánh giá tích cực. Tổng thống Emmanuel Macron từ lâu kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng tại châu Âu và sự chuyển hướng của Berlin được xem là bước tiến thuận lợi cho các nỗ lực thúc đẩy hợp tác chiến lược trong khu vực.
Trong bối cảnh các tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về NATO cũng như lập trường thiếu rõ ràng đối với Ukraine, việc hai nước đầu tàu châu Âu xích lại gần nhau trong chiến lược an ninh được xem là động lực tích cực cho tiến trình hội nhập quốc phòng châu Âu.
Pháp và Đức đang hợp tác trong một số chương trình quân sự trọng điểm như dự án máy bay chiến đấu thế hệ mới SCAF và xe tăng chủ lực thế hệ mới, dù vẫn còn tồn tại khác biệt về kỹ thuật và quan điểm triển khai.
Một điểm gây quan ngại từ phía Pháp là việc chính phủ tiền nhiệm của Đức dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz ưu tiên mua sắm các hệ thống phòng không từ Mỹ và Israel thay vì lựa chọn các giải pháp do châu Âu tự phát triển.
Quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Trước đây, Berlin luôn có xu hướng gắn bó chặt chẽ với Washington, khiến các sáng kiến về “tự chủ chiến lược châu Âu” của ông Macron gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự trở lại của ông Trump cùng những phát ngôn gây tranh cãi đã làm thay đổi cục diện.
Ngay trong đêm đắc cử, ông Merz - người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương - đã kêu gọi châu Âu “độc lập hơn khỏi Mỹ” - một bước chuyển lớn được Pháp đánh giá cao.
Hai nhà lãnh đạo được cho là đang phối hợp thúc đẩy cải cách các quy định cạnh tranh nhằm tạo điều kiện hình thành các tập đoàn hàng đầu châu Âu trong các lĩnh vực như công nghệ và viễn thông.
Năng lượng - từ đối đầu sang dung hòa
Năng lượng từng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong quan hệ song phương. Pháp từ lâu đã thúc đẩy EU công nhận điện hạt nhân là nguồn năng lượng xanh, trong khi Đức lo ngại điều này sẽ làm giảm sức hút của các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió.
Tuy nhiên, ông Merz không đặt năng lượng tái tạo lên hàng đầu, tạo điều kiện để hai bên dễ dàng tìm tiếng nói chung hơn. Một số vấn đề vẫn tồn tại, như việc Paris trì hoãn triển khai dự án đường ống dẫn hydro xanh H2Med từ Tây Ban Nha qua Pháp sang Đức - điều khiến Berlin tỏ ra quan ngại.
Theo giới chức Đức, H2Med là dự án thiết yếu cho tất cả các nước trung chuyển và hy vọng hai bên sớm đạt được thỏa thuận cân bằng.