Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ lại tăng nhiệt

Quốc hội Mỹ vừa thông qua nghị quyết bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp dụng từ năm 1987 đối với Cyprus. Động thái này vấp phải phản ứng dữ dội của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh quan hệ giữa hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) vốn đang xấu đi nghiêm trọng.

QDND - Theo AFP, ngày 18-12, Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo rằng, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí kéo dài hàng thập kỷ đối với Cyprus sẽ là một sự leo thang nguy hiểm. Lời cảnh báo trên được Ankara đưa ra tại thời điểm quan hệ giữa hai đồng minh trong NATO đang lao dốc. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ, quyết định của Mỹ sẽ không mang lại kết quả gì ngoại trừ việc gây cản trở cho những nỗ lực hướng tới sự hòa giải trên đảo Cyprus. Bộ trên tuyên bố sẽ phản ứng trước "những sáng kiến chống lại Thổ Nhĩ Kỳ".

 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo chung hồi tháng 11 tại Washington (Mỹ). Ảnh: Getty Images

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo chung hồi tháng 11 tại Washington (Mỹ). Ảnh: Getty Images

Trước đó, ngày 17-12, Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp dụng từ năm 1987 đối với Cyprus để tránh chạy đua vũ trang và khuyến khích giải quyết xung đột. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Robert Menendez và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio, những người thúc đẩy nghị quyết trên cho biết, họ muốn thúc đẩy hợp tác giữa Cyprus, Hy Lạp và Israel. Theo nội dung nghị quyết, Mỹ vẫn sẽ hạn chế việc Cyprus-thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sở hữu một số công nghệ nhạy cảm. Nghị quyết này là một nội dung trong dự luật chi tiêu quốc phòng được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 17-12, sau khi đã được thông qua tại Hạ viện. Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ký ban hành nghị quyết này.

Đảo Cyprus bị chia cắt từ năm 1974 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng miền Bắc đảo Cyprus sau cuộc đảo chính của cộng đồng người gốc Hy Lạp. Cho tới nay, cộng đồng quốc tế chỉ công nhận Cộng hòa (CH) Cyprus của người gốc Hy Lạp, trong khi "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus" của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ không được quốc tế công nhận. Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Cyprus năm 1987, nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp chiếm đa số trên đảo Cyprus và cộng đồng thiểu số người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, tiếp bước Hạ viện, Thượng viện Mỹ ngày 12-12 đã nhất trí thông qua một nghị quyết công nhận vụ thảm sát dưới thời Đế chế Ottoman đối với người Armenia là tội diệt chủng. Những tranh cãi lịch sử xung quanh vụ thảm sát người Armenia thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất vẫn phủ bóng đen lên quan hệ giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ. Armenia cho rằng, có khoảng 1,5 triệu công dân đã bị giết hại trong cuộc chiến tranh này. Trong khi đó, Ankara vẫn luôn bác bỏ cáo buộc về việc thảm sát, cầm tù và trục xuất người Armenia từ năm 1915 và sau đó leo thang thành vụ diệt chủng dưới thời Đế chế Ottoman ngày 24-4-1915. Phản ứng trước động thái của Mỹ, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố khẳng định hành động của Mỹ không có tác dụng nào khác ngoài việc gây phương hại đến quan hệ giữa Washington và Ankara.

Trong lịch sử, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ gần gũi thân thiết, nhưng vài năm trở lại đây, hai nước liên tiếp đối đầu nhau bằng các biện pháp trừng phạt, trả đũa kinh tế, đe dọa và thách thức. Hai bên đang tồn tại nhiều bất đồng, từ việc Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd ở Syria vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố cho đến việc Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Yếu tố chính trị khiến quan hệ hai nước trở lên “lung lay” chính là quyết tâm theo đuổi đến cùng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với thương vụ S-400, bất chấp Mỹ phản đối gay gắt. Việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng mua sắm thiết bị quân sự từ Nga cho thấy, Ankara đang có xu hướng xích lại gần Moscow. Điều đó khiến Mỹ không cảm thấy dễ chịu khi Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên có lực lượng vũ trang lớn thứ hai của NATO.

Dù liên tiếp công khai chỉ trích nhau nhưng trên thực tế hai bên vẫn cần có nhau. Với vị trí địa lý là cửa ngõ Á-Âu, Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng với Mỹ và NATO. Điều đó đã được chứng minh khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi Ankara là một đồng minh tuyệt vời trong NATO khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thăm Washington hồi tháng 11 vừa qua. Về phần mình, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng cho rằng, người đồng cấp Mỹ đã có nỗ lực chân thành để giải quyết những tranh cãi giữa hai bên. Tuy nhiên, sau những tuyên bố lạc quan ấy, Ankara và Washington vẫn chưa thể tháo gỡ “nút thắt” cho hàng loạt vấn đề trong một sớm, một chiều.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/quan-he-tho-nhi-ky-my-lai-tang-nhiet-605629