Quan hệ tình cảm với người đã có vợ sẽ bị xử lý thế nào?
Theo luật sư, nếu đủ căn cứ xác minh cặp đôi ngoại tình chung sống với nhau như vợ chồng, những người này có thể bị xử phạt hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Tối 20/3, mạng xã hội xôn xao với hình ảnh một nữ ca sĩ trẻ ôm thắm thiết và bị nghi có quan hệ tình cảm với đại gia hơn hàng chục tuổi. Người đàn ông sau đó khẳng định họ chỉ là anh em họ của nhau, còn nữ ca sĩ đã khóa fanpage.
Theo dõi sự việc, nhiều người đặt câu hỏi nếu thông tin nữ ca sĩ cặp kè với đại gia là thật, cô có thể bị xử lý như thế nào? Ngược lại, nếu thông tin trên là bịa đặt, người đăng tin có bị xử lý?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) nhận định trong trường hợp việc 2 người có quan hệ tình cảm là thật, việc xử lý họ là điều không đơn giản.
Trích dẫn Điều 48, Nghị định 67/2015/NĐ-CP của Chính phủ, luật sư cho biết người đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu đồng.
Trường hợp hành vi thuộc các tình tiết như làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn tới ly hôn; đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong 2 bên tự sát, hoặc đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng nhưng vẫn duy trì mối quan hệ thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015.
Tùy vào tình tiết định khung mà người bị kết tội sẽ phải nhận mức án thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến một năm và nặng nhất là phạt tù đến 3 năm.
"Trường hợp này, nếu xác định họ chỉ ôm hôn, có quan hệ tình cảm chứ không chung sống như vợ chồng, hoặc chỉ qua lại chứ không ở chung thì khó có căn cứ xử phạt hoặc xử lý hình sự với những người này", Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa nhận định.
Trường hợp thông tin đăng tải trên mạng xã hội là sai sự thật, ông Giáp đánh giá đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội cũng như uy tín, danh dự của cá nhân. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống hoặc Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Dưới góc độ hành chính, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Nếu hành vi này được chứng minh nhằm thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, gây dư luận xấu hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015.
Cùng theo dõi sự việc, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị) cho rằng hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trong trường hợp này (nếu có) sẽ có dấu hiệu của tội Vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015.
"Hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác sẽ bị xử lý về tội danh này. Trường hợp này, nếu cơ quan chức năng xác minh và xác định người thực hiện hành vi biết rõ chuyện ngoại tình là không có thật nhưng vẫn cố tình đăng tải thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng tới danh dự cá nhân, họ có thể bị xử lý hình sự", luật sư Lực phân tích.
Với tình tiết định khung sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, người vi phạm có thể đối diện mức án tối đa 3 năm tù.