Quan hệ Tokyo – Seoul rạn nứt, doanh nghiệp Nhật Bản tìm cách 'né đòn'
Việc Tokyo và Seoul duy trì thế 'đối đầu' trong hợp tác thương mại đã khiến các doanh nghiệp Nhật Bản cảm nhận rõ rệt hơn 'sức nóng' tỏa ra từ những người tiêu dùng Hàn Quốc.
Hơn 23.000 cửa hàng bán lẻ tại Hàn Quốc đã tẩy chay các sản phẩm có xuất xứ Nhật Bản. (Nguồn: Nikkei)
Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc liên quan đến việc kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu sản xuất chip của Tokyo đã khiến cho làn sóng tẩy chay hàng Nhật của Seoul gia tăng, làm giảm đáng kể doanh số và ảnh hưởng tới các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp đến từ đất nước mặt trời mọc.
Chiến dịch tẩy chay
Truyền thông Hàn Quốc dẫn lời một quan chức cấp cao ngành Công nghiệp cho biết, tính đến ngày 16/7, hơn 23.000 cửa hàng bán lẻ tại xứ sở kim chi đã tham gia vào cuộc tẩy chay nước láng giềng Đông Bắc Á.
Mặc dù chuỗi siêu thị hàng đầu Hàn Quốc E-mart không tham gia vào chiến dịch tẩy chay, song doanh số bán bia, nước sốt và gia vị sản xuất từ Nhật Bản đã giảm 30% trong khoảng thời gian từ ngày 1-15/7, so với cùng kỳ tháng 6/2019.
Các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia một cuộc tuần hành kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản hồi đầu tháng 7/2019 tại Seoul. (Nguồn: AP)
Trong bối cảnh doanh số bán bia rượu và nước giải khát có xuất xứ Nhật Bản đang giảm mạnh, ba tập đoàn sản xuất bia và nước ngọt lớn của Tokyo là Asahi Group Holdings, Kirin Holdings và Sapporo Holdings đã tạm dừng quảng cáo trên truyền hình. Nghiêm trọng hơn, một giám đốc điều hành tại nhà máy sản xuất bia còn cảnh báo, nếu doanh thu tại Hàn Quốc tiếp tục sụt giảm, "chúng tôi có thể buộc phải giảm số lượng lô hàng bán ra tại thị trường hơn 50 triệu dân này".
Chiến dịch tẩy chay của người dân Hàn Quốc được cho là cũng tấn công Fast Retailing, nhà điều hành chuỗi cửa hàng quần áo Uniqlo sở hữu hơn 180 cửa hàng tại xứ sở kim chi. Tập đoàn này đã đưa ra lời xin lỗi trong một cuộc họp báo mới đây, sau khi Giám đốc tài chính Takeshi Okazaki tuyên bố rằng "chúng tôi không nghĩ rằng các hiệu ứng ‘tẩy chay’ này sẽ kéo dài trong tương lai".
Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác của Nhật Bản được cho là đã chọn rút lui khỏi tình thế đối đầu này. Tập đoàn công nghệ Sony đã hủy sự kiện công bố mẫu tai nghe không dây mới tại Hàn Quốc, trong khi các phương tiện truyền thông đưa tin rằng, Nissan Motor thì tạm ngưng sự kiện lái thử chiếc xe Altima mui trần trong tháng 7/2019.
Du lịch ế khách
Bên cạnh đó, tác động của chiến dịch tẩy chay được đánh giá là đang lan rộng đến lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Gần đây, công ty du lịch JTB của Nhật Bản cho biết, lượng khách Hàn Quốc đặt phòng nghỉ dưỡng tại các khách sạn của xứ sở hoa anh đào đã giảm 10% so với tuần trước đó. Ngoài ra, số lượng tour du lịch Nhật Bản bán cho một công ty du lịch lớn của Hàn Quốc cũng giảm hơn 50% so với cùng kì năm ngoái.
"Tôi cho rằng khách du lịch Hàn Quốc hủy tour đến Nhật Bản không phải vì chi phí đắt đỏ, nhưng có vẻ như người tiêu dùng Seoul đang cố tránh xa Tokyo", một người trong ngành du lịch cho hay.
Sự “hạ nhiệt” của ngành du lịch đã khiến cho các hãng hàng không giảm dần tần suất các chuyến bay giữa hai nước. Theo đó, hãng hàng không giá rẻ của Hàn Quốc T'way Air đang tạm ngừng cung cấp các chuyến bay trên bốn tuyến từ Hàn Quốc tới Nhật Bản cho đến tháng 10. Về phần mình, Eastar Jet cũng đang có kế hoạch ngừng khai thác các chuyến bay từ Busan tới Sapporo và từ Busan tới Osaka, bắt đầu từ tháng 9/2019.
Người biểu tình Hàn Quốc tập trung trước cửa Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul vào ngày 20/7. (Nguồn: Kyodo News)
Việc các hãng hàng không giá rẻ ngừng cung cấp dịch vụ bay nhiều khả năng sẽ làm xáo trộn kế hoạch thu hút 40 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2020 của Chính phủ Nhật Bản. Theo dữ liệu của Tổ chức Du lịch Quốc gia nước này, khoảng 7,54 triệu du khách Hàn Quốc đã đến thăm xứ sở sakura vào năm 2018, chiếm khoảng 25% lượng du khách nước ngoài và đánh dấu mức tăng trưởng 5,6% kể từ năm 2017.
Thật khó để nói xem chiến dịch tẩy chay hàng hóa Nhật Bản sẽ kéo dài trong bao lâu. Mặc dù chiến dịch xa lánh tương tự năm 2013 cũng không kéo dài lâu, song giới phân tích cho rằng, chiến dịch tẩy chay lần này có thể trở nên “thầm lặng” hơn nếu Tokyo leo thang cuộc đụng độ bằng cách đưa Seoul ra khỏi danh sách trắng các đối tác thương mại đáng tin cậy vào tháng tới.
Nếu việc tẩy chay gây phẫn nộ dư luận ở cả hai quốc gia, "các doanh nghiệp ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ là chủ thể phải chịu hậu quả", Eom Chi-sung, quan chức tại Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc cho biết. "Cả hai nước cần phải giữ bình tĩnh để đảm bảo rằng các vấn đề chính trị sẽ không ảnh hưởng đến hai nền kinh tế hàng đầu châu Á này", Eom cho biết thêm.