Quan hệ Trung Quốc - Australia gia tăng căng thẳng

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 30/11 yêu cầu Trung Quốc xin lỗi về vụ người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Triệu Lập Kiên đăng hình một bức ảnh giả mang tính chất bạo lực. Diễn biến mới trên có nguy cơ làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia sau khi hai nước có những biện pháp trừng phạt kinh tế thời gian qua.

Thủ tướng Scott Morrison đã lên tiếng phản ứng gay gắt với một hình ảnh người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng lên Twitter, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh phải gỡ bỏ ngay hình ảnh đó. Trước đó, ông Triệu Lập Kiên đăng lên Twitter bức ảnh cho thấy một binh sĩ Australia đe dọa sát hại một đứa trẻ đang ôm một con cừu cùng với lời bình luận bằng tiếng Anh: “Bị sốc bởi việc các binh sĩ Australia sát hại dân thường và tù nhân Afghanistan. Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động này và kêu gọi Australia phải chịu trách nhiệm”. Thủ tướng Scott Morrison cho rằng, bức ảnh này là “rất thái quá” và “công kích sâu sắc mọi người dân Australia”. Ông Morrison cũng cho biết đã yêu cầu Twitter gỡ bỏ bức ảnh song mạng xã hội này chưa có phản hồi.

 Ngày 27/11, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với rượu vang nhập khẩu từ Australia

Ngày 27/11, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với rượu vang nhập khẩu từ Australia

Vụ việc trên có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia sau những tranh cãi chính sách và các biện pháp trừng phạt kinh tế thời gian qua. Theo Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia kể từ năm 2016, với khoảng 32,6% hàng hóa xuất khẩu của Australia có điểm đến là Trung Quốc. Thịt bò, thịt cừu, len, rượu vang và lúa mạch là 5 sản phẩm của Australia giúp nước này thu được hơn 1 tỷ USD mỗi năm từ việc xuất khẩu sang Trung Quốc.

Năm 2019, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia với kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2019 đạt 235 tỷ AUD (170 tỷ USD). Tuy nhiên, căng thẳng thương mại song phương đã leo thang trong thời gian gần đây. Trung Quốc đã có nhiều động thái nhằm vào các nhà xuất khẩu của Australia, bao gồm áp đặt thuế chống bán phá giá và trợ cấp nhà nước lên tới 80,5% đối với lúa mạch Australia, đình chỉ nhập thịt bò từ 5 nhà máy chế biến hàng đầu Australia và bắt đầu hai cuộc điều tra chống bán phá giá với rượu vang của đối tác.

Ngày 12/11, Trung Quốc đã đình chỉ một số hoạt động nhập khẩu gỗ từ Australia, cụ thể là từ bang Victoria sau khi phát hiện có sâu bệnh trong loại gỗ này. Mới đây nhất, ngày 27/11, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với rượu vang nhập khẩu từ Australia. Theo đó, các nhà nhập khẩu rượu vang Australia sẽ phải chịu mức thuế từ 107,1% đến 212,1% từ ngày 28/11.

Theo lý giải của cơ quan này, đây là biện pháp tạm thời nhằm đáp trả việc "gây tổn thất đáng kể cho ngành sản xuất rượu vang trong nước". Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud ngay lập tức bày tỏ "cực kỳ thất vọng" và bác bỏ các cáo buộc rằng, các nhà sản xuất rượu vang nước này bán phá giá ở Trung Quốc; đồng thời cho biết, Australia sẽ phản ứng mạnh mẽ trước quyết định này của Bắc Kinh, trong đó để ngỏ khả năng có biện pháp đáp trả thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Để hỗ trợ nhà sản xuất trong nước bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt thương mại của Trung Quốc, Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố, Chính phủ Australia đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua việc đàm phán các thỏa thuận thương mại mới với Anh và Liên minh châu Âu (EU) để mở rộng cơ hội thương mại cho các doanh nghiệp và người sản xuất trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/quan-he-trung-quoc-australia-gia-tang-cang-thang-83445.html