Tàu ngầm hạt nhân Vanguard sở hữu loại vũ khí khiến mọi đối thủ e ngại

Điểm 'đáng gờm' nhất của tàu ngầm lớp Vanguard là tích hợp tên lửa đạn đạo Trident II có khả năng gây thương vong khủng khiếp ở những vùng lãnh thổ xa xôi rộng lớn.

Các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Vanguard của Hải quân Hoàng gia Anh, được ra mắt cách đây hơn 30 năm, vẫn là trụ cột trong khả năng răn đe hạt nhân của “xứ sở sương mù”.

Hơn 30 năm trước, lớp tàu ngầm này được giới thiệu như một phần của chương trình hạt nhân Trident của Vương quốc Anh. 4 tàu trong lớp này – gọi là Vanguard, Victorious, Vigilant và Vengeance – được “trang bị tận răng” với tên lửa “Đinh ba” Trident II cực kỳ “lợi hại”.

Bộ Quốc phòng Anh đã thiết kế các bản vẽ hướng dẫn cho lớp Vanguard vào đầu những năm 1980, và Vickers Shipbuilding and Engineering có trụ sở tại Barrow-in-Furness (hiện tại là BAE Systems Maritime-Submarines) là đơn vị đảm nhận công việc chế tạo các tàu ngầm.

Các tàu ngầm Vanguard vẫn là tàu ngầm lớn nhất do Anh sản xuất, mỗi chiếc có lượng giãn nước gần 16.000 tấn khi lặn. Chiếc dẫn đầu lớp, gọi là HMS Vanguard, được đưa vào hoạt động vào năm 1993, tiếp theo là HMS Victorious vào năm 1995, HMS Vigilant vào năm 1996 và HMS Vengeance vào năm 1999.

Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) HMS Vanguard của Hải quân Hoàng gia Anh rời căn cứ Devonport sau hơn 7 năm tái trang bị. Ảnh: Breaking Defense

Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) HMS Vanguard của Hải quân Hoàng gia Anh rời căn cứ Devonport sau hơn 7 năm tái trang bị. Ảnh: Breaking Defense

Tàu ngầm HMS Vigilant mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Vanguard. Ảnh: The Telegraph

Tàu ngầm HMS Vigilant mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Vanguard. Ảnh: The Telegraph

Vì mỗi chiếc trong loạt tàu này đều chạy bằng động cơ đẩy hạt nhân nên chúng có thể di chuyển lâu hơn mà không cần tiếp nhiên liệu hơn so với các tàu không chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trên thực tế, lớp tàu ngầm này có thể hoạt động liên tục 60 ngày, với thủy thủ đoàn gồm ít nhất 132 thành viên.

Kích thước lớn hơn của các tàu ngầm lớp Vanguard là cần thiết để có thể mang tên lửa UGM-133A Trident II, hay còn gọi là Trident D5, một loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) do gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Mỹ Lockheed Martin phát triển.

Việc tích hợp tên lửa Trident II cũng là điểm “đáng gờm” nhất của mỗi tàu ngầm thuộc lớp này. Với tầm bắn khoảng 7.500 dặm (12.070 km), loại tên lửa SLBM này có khả năng gây thương vong khủng khiếp ở những vùng lãnh thổ xa xôi rộng lớn.

Mỗi chiếc “Đinh ba” có thể mang theo tối đa 8 đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV), tất cả đều có thể mang đầu đạn hạt nhân 100 hoặc 475 kiloton. Để so sánh, 2 quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Thế chiến II có sức công phá 15 và 20 kiloton. Trident II là tên lửa đẩy nhiên liệu rắn 3 tầng có tốc độ siêu âm.

Theo Naval Technology, “độ chính xác của cuộc tấn công vào mục tiêu được tính bằng giá trị Vòng tròn xác suất bằng nhau (CEP), là bán kính của vòng tròn trong đó một nửa số lần tấn công sẽ có tác động. Hệ thống dẫn đường Mark 6 trên Trident II là hệ thống dẫn đường quán tính được hỗ trợ bằng kính ngắm sao, mang lại CEP là 120 m”.

Một tên lửa đạn đạo Trident II (D5) không vũ trang được khai hỏa từ tàu ngầm hạt nhân HMS Vigilant lớp Vanguard trong cuộc tập trận ở Đại Tây Dương. Ảnh: The Guardian

Một tên lửa đạn đạo Trident II (D5) không vũ trang được khai hỏa từ tàu ngầm hạt nhân HMS Vigilant lớp Vanguard trong cuộc tập trận ở Đại Tây Dương. Ảnh: The Guardian

Ngoài Trident II, tàu ngầm lớp Vanguard còn được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533 mm và ngư lôi hạng nặng Spearfish lặn sâu. Những vũ khí đáng gờm này có thể di chuyển với tốc độ hơn 90 dặm/giờ (145 km/h). Ngư lôi có thể tấn công mục tiêu bằng lượng thuốc nổ nặng 660 pound (xấp xỉ 300 kg), mang lại cho tàu khả năng chống ngầm (ASW) và tác chiến chống mặt nước (ASuW).

Về cảm biến, mỗi tàu ngầm Vanguard đều được trang bị hệ thống sonar tổng hợp Thales Underwater Systems Type 2054. Hệ thống được nâng cấp bao gồm xử lý kiến trúc mở sử dụng công nghệ thương mại có sẵn dựa trên mô hình được Hải quân Mỹ sử dụng trong hơn 2thập kỷ. “Sonar hàng đầu thế giới” này được cho là nhạy cảm đến mức nó có thể phát hiện các tàu khác ở cách xa hơn 50 dặm (80 km).

Vào đầu những năm 2000, HMS Vanguard được triệu hồi để bắt đầu quá trình tái trang bị kéo dài 2 năm, bao gồm lõi lò phản ứng mới. Các tàu “chị em” của Vanguard cũng lần lượt được tái trang bị sau đó.

Bất chấp những đợt đại tu được thực hiện trong những năm qua, các tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard của Hải quân Hoàng gia Anh dự kiến sẽ “nghỉ hưu” vào những năm 2030, khi đó chúng sẽ được thay thế bằng các tàu lớp Dreadnought sắp ra mắt.

Minh Đức (Theo National Interest)

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tau-ngam-hat-nhan-vanguard-so-huu-loai-vu-khi-khien-moi-doi-thu-e-ngai-a671818.html