Quan hệ Trung Quốc - Nga thời dịch bệnh: Lý trí vẫn át tình cảm
Nga và Trung Quốc không thể không nhận thấy rằng Mỹ và các nước thành viên EU và Nato ở châu Âu hiện đều đang bị chìm nổi thê thảm trong dịch bệnh.
Cả Trung Quốc lẫn Nga hiện đang phải gồng mình ứng phó với dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Trung Quốc đã qua được đợt sóng dữ đầu tiên của dịch bệnh này và giờ phải đối phó làn sóng thứ hai. Nước Nga sau thời kỳ đầu ít bị dịch bệnh ảnh hưởng thì nay đang bị dịch bệnh hoành hành dữ dội và ở trước nguy cơ không còn có thể kiểm soát được tình hình. Hai nước láng giềng của nhau này hiện không phải chỉ có một kẻ thù chung phải đối phó là dịch bệnh mà còn có lợi ích chung với việc thúc đẩy cuộc chơi địa chính trị thế giới. Nhưng cũng chính dịch bệnh này đã để lại vị đắng khó tiêu tan đối với Trung Quốc trong mối quan hệ song phương vốn được cả hai bên để cao với tầm chiến lược và tán dương là tốt đẹp và tin cậy chưa từng thấy trong lịch sử.
Sự đề cao và tán dương này không hề sai và quá mức. Cặp quan hệ song phương này tốt đẹp nhất, gắn kết tin cậy nhất và ổn định bền vững nhất trong số các cặp quan hệ song phương giữa các đối tác lớn với nhau kể từ nhiều năm nay. Trong mối quan hệ hợp tác song phương, Trung Quốc và Nga không hẳn luôn thật sự bình đẳng nhưng chưa khi nào bên này lại quan trọng đối với bên kia như hiện tại, đến mức sẽ không sai gì nếu như cho rằng Trung Quốc và Nga là đồng minh và đối tác chiến lược của nhau mà không cần phải thành lập liên minh chiến lược với nhau.
Cũng chính vì thế mà có thể dễ dàng hiểu được tâm trạng hậm hực và bực bội của Trung Quốc về việc Nga thuộc diện những quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa biên giới với Trung Quốc và cấm người Trung Quốc nhập cảnh vào Nga ngay sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc. Vào thời điểm ấy, Nga chưa phát hiện ra người Trung Quốc nào ở Nga bị nhiễm dịch bệnh. Nga làm việc này với Trung Quốc trong khi không cấm người dân từ các ổ dịch khác ở châu Âu và trên thế giới nhập cảnh vào Nga. Phía Trung Quốc cũng đã còn phải qua con đường ngoại giao chính thức yêu cầu Nga có biện pháp ngăn chặn tình trạng thù địch, kỳ thị và bài xích người Trung Quốc ở Nga. Phía Trung Quốc chắc cho rằng đã là đồng minh và đối tác chiến lược của nhau như thế thì không nên làm mất thể diện của nhau như thế, ấy là còn chưa kể đến việc Nga trên thực tế phải dựa cậy vào Trung Quốc về kinh tế, thương mại và vốn đầu tư như thế nào.
Những hành xử như vậy của Nga chắc chắn Trung Quốc không dễ quên và bỏ qua. Nhưng ở thời buổi dịch dã như hiện tại thì Trung Quốc cũng biết là phải có sự thông cảm nhất định với Nga. Hơn nữa, Nga cũng đã nhanh chóng hậu thuẫn mạnh mẽ và hiệu quả Trung Quốc trong cuộc chiến tranh dư luận và tâm lý với Mỹ về nguyên nhân, nguồn gốc của dịch bệnh, về diễn biến của dịch bệnh và về cách thức Trung Quốc ứng phó dịch bệnh. Mỹ dùng thuyết âm mưu cáo buộc và đổ trách nhiệm cho Trung Quốc thì Trung Quốc cũng công cụ hóa thuyết âm mưu đấu lại. Mỹ dùng nhiễu thông tin để bôi bác Trung Quốc thì Nga cũng sử dụng nhiễu thông tin để vô hiệu hóa những cáo buộc của Mỹ đối với Trung Quốc.
Nga và Trung Quốc không thể không nhận thấy rằng Mỹ và các nước thành viên EU và Nato ở châu Âu hiện đều đang bị chìm nổi thê thảm trong dịch bệnh. Không phải Trung Quốc nữa mà chính Mỹ và châu Âu nay mới là những tâm điểm của diễn biến dịch bệnh. Dịch bệnh hiện tại buộc Mỹ và EU phải bận rộn với chính mình và không có tâm trạng cũng như tiềm lực đâu mà làm những chuyện to tát khác. Dịch bệnh này đã làm lộ diện những điểm yếu chết người mang tính hệ thống và bản chất trong thể chế chính trị và tổ chức xã hội ở Mỹ và các nước thành viên EU, Nato. Nói theo cách khác, dịch bệnh đang làm Mỹ, EU và Nato suy yếu đi. Và đấy là cơ hội cho Trung Quốc và Nga chơi cuộc chơi địa chính trị thế giới riêng, dùng ngoại giao cứu trợ nhân đạo thời dịch bệnh để phân hóa nội bộ EU và Nato.
Bên cạnh đó còn có chuyện người Trung Quốc ở Nga trở về Trung Quốc để tránh dịch bệnh lây lan ở Nga khiến Trung Quốc phải dàn trải phòng tuyến đối phó dịch bệnh dài suốt mấy ngàn kilomet biên giới chung với Nga. Trung Quốc cần sự hợp tác của Nga để làm việc này. Hai bên cần hỗ trợ lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm chống dịch bệnh cho nhau.
Vì thế, cho dù vị đắng nói trên không dễ tiêu tan và chưa tiêu tan, Trung Quốc vẫn phải thúc đẩy quan hệ với Nga. Về cơ bản, dịch bệnh tác động tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai nước láng giềng của nhau này.