Quan hệ Việt - Hàn: Bắt đầu tăng tốc chiến lược
Chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk-yeol đến Việt Nam, điểm công du đầu tiên của ông ở Đông Nam Á, cho thấy vị thế quan trọng của Việt Nam trong chính sách và chiến lược của Hàn Quốc.
Ngày 22-6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và phu nhân đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (VN) kéo dài đến ngày 24-6, theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Yoon Suk-yeol đến VN, cũng là điểm công du đầu tiên của ông ở Đông Nam Á, kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 5-2022. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12-2022 và có nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (22-12-1992 _ 22-12-2022).
Tại thượng đỉnh G7 mở rộng ở Hiroshima (Nhật) hồi tháng 5, Tổng thống Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Phạm Minh Chính thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ song phương, sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tổng thống Yoon Suk-yeol ghi nhận tầm quan trọng của VN đối với Hàn Quốc trong việc cải thiện quan hệ với các nước ASEAN, sự hỗ trợ và hợp tác của VN đối với Sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc - ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục liên lạc và phối hợp chặt chẽ với VN để triển khai sáng kiến.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV, về ý nghĩa chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk-yeol và tiềm năng hợp tác song phương Việt - Hàn sau khi hai bên nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Tăng tốc quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”
. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk-yeol, đặc biệt sau khi VN và Hàn Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và sau khi Seoul công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?
+ TS Huỳnh Tâm Sáng: Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Yoon Suk-yeol đến VN phản ánh tầm quan trọng đặc biệt của VN trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Theo dự kiến, Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ gặp các lãnh đạo cấp cao của VN, bao gồm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Điều này cho thấy mức độ coi trọng của phía VN đối với chuyến thăm và kỳ vọng làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã được hai nước thiết lập vào năm ngoái.
. Trong tuyên bố chung nâng cấp quan hệ giữa VN và Hàn Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm ngoái, Tổng thống Yoon Suk-yeol bày tỏ kỳ vọng rằng hai nước sẽ tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải cũng như lĩnh vực quốc phòng và an ninh nói chung. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng giữa VN và Hàn Quốc trong thời gian tới?
+ Tôi cho rằng đây là lĩnh vực rất hứa hẹn. VN và Hàn Quốc đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, quốc phòng và công nghiệp quốc phòng. Từ năm 2012, hai nước đã tổ chức đối thoại quốc phòng song phương thường niên nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hành động chung nhằm giải quyết các thách thức an ninh chung như an ninh hàng hải và hàng không, cũng như các mối đe dọa hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Seoul và Hà Nội cũng cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, sản xuất vũ khí, giáo dục và đào tạo quốc phòng.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã giúp VN tăng cường năng lực hải quân bằng cách chuyển giao hai tàu hộ tống lớp Pohang đã qua sử dụng cho hải quân nhân dân VN. Các tàu khu trục của hải quân Hàn Quốc cũng đã ba lần ghé cảng Đà Nẵng vào các năm 2017, 2018 và 2019, đồng thời tham gia diễn tập liên lạc với hải quân VN. Các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cũng là những lĩnh vực hợp tác an ninh song phương đáng chú ý.
Hàn Quốc hiện đứng thứ ba trong số năm nhà cung cấp vũ khí lớn hàng đầu của VN (sau Nga và Israel). Trong bối cảnh VN đang đa dạng hóa nguồn cung vũ khí thì Hàn Quốc có cơ hội trở thành đối tác cung cấp vũ khí đáng tin cậy của VN.
“Ngoại giao kinh tế”
. Ông có thể chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới?
+ Triển vọng của quan hệ Việt - Hàn trong thời gian tới là khá tích cực. Điều này được tạo động lực phần lớn là nhờ vào nền tảng của hợp tác kinh tế trong tổng thể quan hệ. Quan trọng không kém là mối quan hệ này được lãnh đạo hai nước đầu tư và vun vén trên tinh thần của sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và lợi ích song trùng. Chính quyết tâm chính trị là cơ sở tạo “cú hích” cho các kế hoạch hợp tác lâu dài và có chiều sâu.
Đáng chú ý, hợp tác kinh tế Việt - Hàn nhiều khả năng sẽ được thắt chặt với nhiều kế hoạch tham vọng. Bởi lẽ tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol là một phái đoàn doanh nghiệp gồm hơn 200 thành viên - phái đoàn lớn nhất từ trước đến nay kể từ khi ông công du nước ngoài với tư cách tổng thống Hàn Quốc. Đáng chú ý, chủ tịch của Samsung, SK, Hyundai, LG, Lotte… cùng nhiều công ty lớn khác của Hàn Quốc cũng tham dự để tìm kiếm cơ hội thúc đẩy đầu tư tại VN. Tầm vóc của phái đoàn Hàn Quốc cho thấy Tổng thống Yoon Suk-yeol, thông qua các chuyến ngoại giao cấp cao, đang triển khai “ngoại giao bán hàng” (sales diplomacy) như là yếu tố cốt lõi trong các chuyến công du nước ngoài. Và VN đang là ưu tiên trong nền “ngoại giao bán hàng”, hay rộng hơn là “ngoại giao kinh tế” (economic diplomacy) của Hàn Quốc.
. Chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ giúp thắt chặt hơn quan hệ song phương Việt - Hàn, tuy nhiên hợp tác hai nước trên các diễn đàn đa phương với mục đích đóng góp cho hòa bình và an ninh trong khu vực thì thế nào, thưa ông?
+ Trên bình diện đa phương, Hàn Quốc và VN có lợi ích chung trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thịnh vượng và dựa trên luật lệ. Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ trong các thể chế đa phương, nổi bật là Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Diễn đàn Doanh nghiệp Mekong - Hàn Quốc.
Tựu trung, Hàn Quốc và VN có điểm chung quan trọng là ưu tiên can dự đa phương trong các thể chế khu vực cùng với củng cố quan hệ song phương thông qua các diễn đàn đa phương.
. Xin cảm ơn ông.•
Giao lưu nhân dân - điểm sáng trong quan hệ Việt - Hàn
Trong quan hệ Việt - Hàn, giao lưu nhân dân là một trong những trụ cột quan trọng, là cầu nối vững chắc. TS Huỳnh Tâm Sáng đánh giá giao lưu nhân dân là điểm sáng trong quan hệ hai nước, giúp làm phong phú và “mềm hóa” quan hệ song phương.
Cộng đồng đông đảo với hơn 200.000 người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại VN và hơn 230.000 người VN đang sinh sống tại xứ sở kim chi giúp thắt chặt quan hệ hai nước. Các gia đình đa văn hóa Hàn - Việt giữ vai trò là những “sứ giả ngoại giao công chúng” mang hai quốc gia lại gần nhau hơn.
Làn sóng hallyu, được đặc trưng bởi ưu thế và sự quảng bá văn hóa đại chúng Hàn Quốc, đang ngày càng phổ biến ở VN, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc hiện diện và có chỗ đứng rõ rệt trong lòng người dân VN, vì chúng vừa bám rễ vào các giá trị Nho giáo (như trật tự thứ bậc, bổn phận hiếu thảo, ưu tiên gia đình…) vừa bao hàm lối sống hiện đại (như ưu tiên cho mức sống chất lượng, đề cao môi trường làm việc năng động, đòi hỏi sự tự chủ hơn trong đời sống cá nhân).
Nguồn PLO: https://plo.vn/quan-he-viet-han-bat-dau-tang-toc-chien-luoc-post739053.html