Quan hệ Việt-Mỹ: Thành quả hôm nay là hàng thập kỷ nỗ lực, dũng cảm, quyết tâm và thiện chí

Chính những nỗ lực bền bỉ đã xây dựng nên nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước. Tôi lạc quan rằng, hai nước vẫn có thể tiếp tục đối mặt và vượt qua thách thức trong thời gian tới, ông Daniel Kritenbrink - nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam chia sẻ.

VIDEO cuộc tọa đàm trực tuyến:

Kính thưa quý độc giả!

Năm 2025 là năm đánh dấu cột mốc đặc biệt trong quan hệ Việt - Mỹ: kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ.

Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và liên tục dưới thời Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ nhất, tạo nên nhiều bước tiến lớn trong hợp tác song phương. Ông Trump đã 2 lần đến thăm Việt Nam - điều chưa từng có với một Tổng thống Mỹ đương nhiệm.

Năm 2024, ông Trump trở lại nắm quyền Tổng thống nhiệm kỳ 2 đúng vào thời điểm quan hệ Việt – Mỹ trở nên vững chắc hơn so với nhiệm kỳ thứ nhất, nhất là sau khi hai nước đã nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, mở ra một giai đoạn mới hợp tác sâu rộng, thực chất và hiệu quả hơn nữa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Gần đây nhất, trong cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 11/11/2024, hai bên đều thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.

Quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ, hiệu quả ra sao dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump? Báo VietNamNet tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quan hệ Việt – Mỹ dưới thời Tổng thống Trump”.

Đại sứ Phạm Quang Vinh và nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - ông Daniel Kritenbrink. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đại sứ Phạm Quang Vinh và nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - ông Daniel Kritenbrink. Ảnh: Lê Anh Dũng

Xin trân trọng giới thiệu khách mời tham dự tọa đàm:

Đại sứ Phạm Quang Vinh, người có hơn 40 năm kinh nghiệm ngoại giao, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Hoa Kỳ vào 2014.

Ông từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách quan hệ Việt Nam với Nam Á, Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương, đồng thời là Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam.

Nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink: Ông có 30 năm kinh nghiệm trong chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt tại Bộ Ngoại giao. Ông là nhà ngoại giao chuyên nghiệp với nhiều năm làm việc tại châu Á, đặc biệt tại Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam, người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), trong đó Việt Nam là thành viên.

Những ưu tiên mới của Việt Nam và Mỹ

Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, là chuyên gia cao cấp với những bình luận và phân tích sắc sảo, khách quan về quan hệ Việt - Mỹ, ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về mối quan hệ hai nước dưới thời ông Trump hiện nay?

Tôi rất vui mừng hôm nay gặp lại nguyên Đại sứ Daniel Kritenbrink - một người bạn mà năm nay cũng là tròn 10 năm chúng tôi gặp gỡ nhau, cùng nỗ lực vì quan hệ Việt – Mỹ với nhiều dấu mốc khác nhau.

Trở lại câu chuyện Việt - Mỹ, bức tranh chung là hai nước sự gắn kết, lợi ích đan xen và chia sẻ với nhau từ những quan hệ về chính trị, đến kinh tế, thương mại, rồi hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực. Quan hệ Việt – Mỹ đã trải qua những thời kỳ khác nhau trong 30 năm qua, được nâng lên thành Đối tác Toàn diện năm 2013 rồi Đối tác Chiến lược Toàn diện vào 2023. Điều này chứng tỏ sức sống và sự phát triển của quan hệ hai nước.

Tổng thống Donald Trump đã nhậm chức được 2 tháng. Ông Trump có những điều chỉnh trong quan hệ với các quốc gia và với thế giới. Cá nhân tôi suy nghĩ rằng, Việt - Mỹ tiếp tục bổ sung và cùng hưởng lợi khi thúc đẩy quan hệ ngày càng phát triển.

Điểm thứ hai, chắc chắn cũng như nhiệm kỳ 1 của ông Donald Trump, chính quyền mới của Mỹ cũng đặt ra những ưu tiên mới và Việt Nam cũng đang bước sang một kỷ nguyên mới với những ưu tiên mới. Hai bên phải chia sẻ và trao đổi với nhau để làm sao tìm ra lợi ích song trùng nhất.

Đại sứ Phạm Quang Vinh. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đại sứ Phạm Quang Vinh. Ảnh: Lê Anh Dũng

Điểm thứ ba, chính quyền của ông Donald Trump và nước Mỹ nói chung đều phải coi trọng quan hệ với châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực phát triển rất năng động mà nước Mỹ có lợi ích. Nên chắc chắn nước Mỹ sẽ tiếp tục có hợp tác nhiều mặt, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư với khu vực mà ở đó Việt Nam là một đối tác rất quan trọng của nước Mỹ.

Đương nhiên những điều chỉnh chính sách ưu tiên của ông Trump mà chúng ta chứng kiến trong 2 tháng qua có câu chuyện là lấy lại công bằng và bình đẳng cũng như lợi ích cho nước Mỹ. Khi có điểm khác biệt thì phải đối thoại, tìm hiểu lẫn nhau và tìm ra được mẫu số chung.

Việt Nam cần đối mặt với những thách thức một cách khéo léo

Thưa nguyên Đại sứ Daniel Kritenbrink, ông đánh giá như thế nào về tác động từ các chính sách của ông Donald Trump đối với Việt Nam?

Tôi rất vinh dự và vui mừng khi được trở lại đây và tham dự buổi tọa đàm của báo VietNamNet hôm nay. Đặc biệt, tôi rất vinh dự khi được đồng hành cùng Đại sứ Phạm Quang Vinh - một người bạn lâu năm và đồng thời là một người có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc phát triển mối quan hệ Việt – Mỹ nhiều năm qua.

Tương tự như Đại sứ Vinh, tôi rất lạc quan về quan hệ song phương giữa hai nước. Tôi cho rằng động lực thúc đẩy quan hệ hai nước đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ và đang ngày càng mạnh mẽ. Độ tin cậy giữa hai quốc gia đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Lợi ích chung giữa hai bên lớn hơn bao giờ hết, và mối quan hệ không chỉ giữa hai nước mà còn giữa hai dân tộc cũng ngày càng bền chặt. Điều đó mang lại cho tôi sự lạc quan rằng đà phát triển tích cực này sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Với cương vị là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, cá nhân tôi thấy rằng hai nước đã đạt được những bước tiến lớn trong việc xây dựng quan hệ đối tác. Mối quan hệ này đã tiếp tục được củng cố dưới thời Tổng thống Biden, và vì vậy, tôi lạc quan rằng hai nước sẽ tiếp tục phát triển hợp tác trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Trump.

Nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - ông Daniel Kritenbrink. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - ông Daniel Kritenbrink. Ảnh: Lê Anh Dũng

Như Đại sứ Vinh đã đề cập, tôi tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và đó là điều tốt đẹp cho quan hệ hai nước.

Dĩ nhiên, một trong những lĩnh vực cần được thận trọng chú ý là quan hệ kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Tổng thống Trump muốn sử dụng thuế quan để thúc đẩy các lợi ích kinh tế của Mỹ, và như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam sẽ cần phải đối mặt với những thách thức này một cách vô cùng khéo léo.

Trong thời gian này, Việt Nam đang tìm cách phát triển kinh tế và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Mỹ. Vậy nên, tôi nghĩ rằng Việt Nam đang tích cực tìm hướng hợp tác và phát triển mối quan hệ với chính quyền Trump. Đây là những yếu tố then chốt trong thời gian tới.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi cũng rất chia sẻ với ý kiến của ông Daniel Kritenbrink, đó là kỳ vọng về quan hệ hai nước tiếp tục phát triển vì lợi ích của cả hai bên và chúng ta có rất nhiều cơ hội mới chứ không chỉ là những cơ hội vốn có lâu nay.

Lâu nay ta dựa trên thương mại truyền thống và bây giờ chúng ta đang phát triển hợp tác công nghệ, hợp tác về đất hiếm và manh nha có cả hợp tác liên quan đến an ninh, quốc phòng… Những lĩnh vực này tiếp tục mang lại lợi ích cho cả hai bên. Chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra rất nhiều lĩnh vực hai bên có thể hợp tác.

Tuy nhiên, ông Daniel Kritenbrink cũng đã chia sẻ về những thách thức trong quan hệ hai nước. Chúng ta đã chứng kiến những câu chuyện liên quan đến thuế quan để tạo ra lợi ích mới cho nước Mỹ như là đối với châu Âu, Trung Quốc, Canada, Mexico... Chúng ta cũng phải chủ động ứng phó, phải đối thoại với nhau và cùng chia sẻ lợi ích để làm sao bên nào cũng có lợi.

Liên quan đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chúng ta chưa nhìn thấy một chính sách tổng thể về mặt chiến lược đối ngoại cũng như an ninh quốc gia của nước Mỹ với khu vực này như ở nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Song tôi cho rằng, một mặt ông Trump thúc đẩy các lợi ích nước Mỹ nhưng mặt khác vẫn gắn kết với khu vực này và để làm điều đó, ông Trump cần những đồng minh và đối tác.

"Nếu nhìn bức tranh rộng lớn hơn có thể thấy còn nhiều mặt khác có thể hợp tác như hàng không vũ trụ, năng lượng hạt nhân, đường cáp biển cho viễn thông", Đại sứ Phạm Quang Vinh nói. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Nếu nhìn bức tranh rộng lớn hơn có thể thấy còn nhiều mặt khác có thể hợp tác như hàng không vũ trụ, năng lượng hạt nhân, đường cáp biển cho viễn thông", Đại sứ Phạm Quang Vinh nói. Ảnh: Lê Anh Dũng

Sự nhất quán trong thông điệp từ các nhà lãnh đạo Việt Nam

Đại sứ Phạm Quang Vinh có chia sẻ gì về các cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Mỹ thông qua thương mại cũng như ngoại giao kinh tế?

Tôi muốn nói đến chủ trương và thông điệp của Việt Nam. Thông điệp lớn nhất là chúng ta rất coi trọng quan hệ với Mỹ trên tất cả lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại với tư cách là hai nước có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Điểm thứ hai là với những ưu tiên mới của nước Mỹ, thông điệp của chúng ta liên quan đến kinh tế thương mại là Việt Nam mong muốn cùng với Mỹ có hợp tác nhiều mặt, chiều sâu, cân bằng và hài hòa lợi ích với nhau, cùng có lợi.

Nhìn vào chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Công thương có mấy điểm. Một là, chúng ta sẽ rà soát lại xem khả năng Việt Nam có thể mua thêm hàng hóa của Mỹ, có những hợp đồng nào để bảo đảm hai bên cùng có lợi. Hai là rà soát lại các chính sách, điểm nghẽn trong quan hệ giữa hai nước để cùng nhau tìm cách tháo gỡ. Điểm thứ ba là tìm ra những lĩnh vực hợp tác mới chẳng hạn như hợp tác đầu tư trong những lĩnh vực công nghiệp chiến lược của Việt Nam, trong đó có chất bán dẫn, chip, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Cá nhân tôi suy nghĩ rằng nếu nhìn bức tranh rộng lớn hơn có thể thấy còn nhiều mặt khác có thể hợp tác như hàng không vũ trụ, năng lượng hạt nhân, đường cáp biển cho viễn thông… Đây là những câu chuyện, thông điệp lớn cho thấy chúng ta muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ mọi mặt để cùng phát triển với Mỹ. Chúng ta cùng trao đổi, tháo gỡ rào cản hành chính, rào cản liên quan đến đến luật pháp và đồng thời tìm ra những cơ hội để hai bên có những hợp đồng tốt hơn.

Rất hay là ngay vào thời điểm đầu năm, đoàn doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) quy mô lớn vừa thăm và làm việc tại Việt Nam. Tôi cho rằng, các tập đoàn và doanh nghiệp Mỹ một mặt tiếp tục coi trọng kinh tế Việt Nam và hợp tác với Việt Nam. Thứ hai, cùng với những định hướng phát triển mới của Việt Nam, doanh nghiệp Mỹ nhận thấy nhiều cơ hội để hợp tác, trong đó có chuyển đổi về công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh…

Họ cũng nhận thấy một số khó khăn, thách thức đặt ra trong quan hệ Việt – Mỹ với chính sách mới của ông Trump. Theo đó, một mặt họ vừa tư vấn cho Việt Nam nên làm những bước đi thế nào cho phù hợp với lợi ích cả của cả hai nước. Đồng thời, họ cũng lắng nghe thông điệp, chủ trương, chính sách của Việt Nam trong nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ làm ăn ở Việt Nam và cho thương mại chung của hai nước.

Nguyên Đại sứ Daniel Kritenbrink sẽ nói rõ hơn vì có mặt trong đoàn.

Ông Daniel Kritenbrink: Tôi có vinh dự tham gia phái đoàn của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đến Việt Nam mà Đại sứ Vinh vừa nhắc đến. Tôi xin chia sẻ một số điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc.

Trước hết, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN chưa bao giờ tổ chức một phái đoàn nào lớn như vậy tới bất kì một quốc gia nào trên thế giới. Đây là điều đáng chú ý. Chính vì vậy, tôi rất lạc quan về tương lai của Việt Nam, bởi rõ ràng cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đều nhìn thấy tiềm năng phát triển lớn tại thị trường này.

Điều thứ hai khiến tôi ấn tượng là sự nhất quán trong thông điệp từ các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo từ các bộ, ban ngành đã dành thời gian tiếp đón phái đoàn. Tôi đặc biệt ấn tượng với thông điệp mà chúng tôi nhận được rằng: Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam sẽ tập trung vào phát triển kinh tế, mở rộng kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược như công nghệ cao, năng lượng, y tế…

Tôi tin rằng các doanh nghiệp Mỹ có khả năng cung cấp giải pháp hàng đầu trong tất cả những lĩnh vực thiết yếu này cho Việt Nam. Đây chính là điểm giao thoa giữa lợi ích của Mỹ và Việt Nam, khiến tôi càng tin tưởng vào tương lai của Việt Nam và quan hệ đối tác giữa hai nước.

Như Đại sứ Vinh đã đề cập, tất nhiên vẫn có những thách thức. Điều này xảy ra ở bất kỳ thị trường nào. Tuy nhiên, việc lãnh đạo Việt Nam sẵn sàng tiếp xúc trực tiếp và lắng nghe những quan ngại từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ là điều rất đáng ghi nhận. Từ trước tới nay, Việt Nam cũng đã rất tích cực lắng nghe và giải đáp những quan ngại của doanh nghiệp Mỹ. Vì vậy, tôi tin rằng trong những năm tới, kinh tế và thương mại sẽ tiếp tục là một điểm nhấn quan trọng trong quan hệ song phương Việt-Mỹ.

"Điểm nổi bật nhất trong 30 năm qua của mối quan hệ đối tác và tình hữu nghị đặc biệt giữa Mỹ và Việt Nam là chúng ta đã xây dựng được độ tin cậy chưa từng có. Đó chính là nền tảng cho quan hệ đối tác giữa hai nước và cũng là lý do chúng ta đã có thể nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện", nguyên Đại sứ Daniel Kritenbrink đánh giá. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Điểm nổi bật nhất trong 30 năm qua của mối quan hệ đối tác và tình hữu nghị đặc biệt giữa Mỹ và Việt Nam là chúng ta đã xây dựng được độ tin cậy chưa từng có. Đó chính là nền tảng cho quan hệ đối tác giữa hai nước và cũng là lý do chúng ta đã có thể nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện", nguyên Đại sứ Daniel Kritenbrink đánh giá. Ảnh: Lê Anh Dũng

Mỹ và Việt Nam đã xây dựng được độ tin cậy chưa từng có

Vậy còn những tồn tại và hướng giải quyết ra sao để quan hệ Việt – Mỹ phát triển sâu rộng, bền vững hơn, thưa ông?

Nguyên Đại sứ Daniel Kritenbrink: Tôi cho rằng việc tồn tại một số khác biệt trong quan hệ song phương là điều hoàn toàn tự nhiên và bình thường.

Điểm nổi bật nhất trong 30 năm qua của mối quan hệ đối tác và tình hữu nghị đặc biệt giữa Mỹ và Việt Nam là chúng ta đã xây dựng được độ tin cậy chưa từng có. Đó chính là nền tảng cho quan hệ đối tác giữa hai nước và cũng là lý do chúng ta đã có thể nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tôi tin rằng chính nền tảng vững chắc này sẽ giúp hai bên tiếp tục đối mặt và vượt qua sự bất đồng trong quan điểm hai nước trong tương lai.

Trong vài năm tới, tôi cho rằng sự khác biệt lớn nhất sẽ tập trung trong lĩnh vực thương mại. Như Đại sứ Vinh và tôi đã đề cập, việc đối mặt chính sách thương mại của chính quyền Trump, cũng như các loại thuế quan mà Mỹ đang áp đặt trên toàn cầu và có thể là Việt Nam, sẽ là thách thức quan trọng nhất cần phải được giải quyết.

Từ những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, tôi tin rằng hai bên nên tiếp tục duy trì đối thoại thường xuyên, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Tôi cho là các đối tác Việt Nam đã đề ra một lộ trình cụ thể, bao gồm việc gia tăng mua hàng từ Mỹ, cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác.

Dĩ nhiên, vẫn còn những thách thức khác cần được giải quyết, bao gồm một số vấn đề liên quan đến nhập cư và các vấn đề mang tính lịch sử. Tuy nhiên, tôi tin tưởng và lạc quan rằng với nền tảng tin cậy lẫn nhau, hai bên sẽ có thể cùng nhau giải quyết tốt những vấn đề này trong thời gian tới.

Năm 2025 đánh dấu cột mốc kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam và tôi nghĩ, điều quan trọng là phải nhìn lại quá khứ và niềm tin mà hai nước đã xây dựng từ đó tới bây giờ.

Tôi muốn kể một chuyện ngắn liên quan tới điều này. Khi tôi được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam vào năm 2017, tôi đã gặp tiền bối của tôi, Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, ông Pete Peterson. Trong lần gặp đó, tôi nói với Đại sứ Peterson rằng tôi nghĩ những gì Mỹ và Việt Nam đã cùng nhau trải qua và đạt được là một “phép màu”. Nhưng ông ấy đã nói: “Không! Đây không phải là phép màu.” Bởi vì từ "phép màu" ngụ ý rằng để có được mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam như bây giờ là một sự tình cờ, một hành động của thượng đế hay một sự kiện xảy ra theo tự nhiên.

Ông ấy chỉ ra rằng quan hệ đối tác và tình hữu nghị mà hai nước có ngày hôm nay là thành quả của hàng thập kỷ nỗ lực, lòng dũng cảm, sự quyết tâm và thiện chí. Chính những nỗ lực bền bỉ đó đã xây dựng nên nền tảng vững chắc này mà không cần nhờ tới một phép màu nào hết. Đó là lý do khiến tôi lạc quan rằng hai nước vẫn có thể tiếp tục đối mặt và vượt qua những thách thức trong thời gian sắp tới.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Việc hai nước thúc đẩy quan hệ trong suốt 30 năm qua là dựa trên hiểu biết và lòng tin. Đây là nền tảng rất lớn. Khác biệt có thể có nhiều nhưng có lẽ dưới thời chính quyền Donald Trump thì đó là câu chuyện về kinh tế, thương mại như chúng ta chia sẻ với nhau trong cuộc trao đổi này.

Việt Nam đang có một lộ trình và cách tiếp cận rất đúng để thúc đẩy đối thoại, thúc đẩy hài hòa lợi ích. Việt Nam cũng sẵn sàng có những điều chỉnh, cải cách trong nước bởi đây cũng chính là lợi ích của Việt Nam trong quá trình bước vào kỷ nguyên mới, vươn lên mức cao hơn trong phát triển kinh tế. Chúng ta đang tích cực tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu quả, hiệu lực của các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời chúng ta cũng giảm bớt và giảm thiểu đến tối đa những điểm nghẽn về hành chính, điểm cần tháo gỡ về mặt luật pháp, về kinh tế.

Việc này song trùng vào lúc chúng ta cùng nhìn lại những yêu cầu đặt ra cho mối quan hệ Việt – Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump nhiệm kỳ 2.

Tôi rất muốn giới thiệu về vai trò mới của nguyên Đại sứ Daniel Kritenbrink. Ông chắc chắn sẽ tiếp tục là người bạn của Việt Nam và thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ thời gian tới. Đó là việc ông Daniel tham gia vào Tập đoàn Á Châu (Asia group). Đây là tập đoàn tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp Mỹ và các doanh nghiệp lớn có liên quan trong làm ăn với khu vực mà một trong những trọng điểm là Việt Nam. Tập đoàn này đã kết nối được rất nhiều các doanh nghiệp và tập đoàn lớn của Mỹ làm với Việt Nam cũng như với các nước trong khu vực.

Với cương vị mới trong Hội đồng quản trị của Tập đoàn Á Châu, tôi tin rằng ông Daniel sẽ đóng vai trò tích cực hơn nữa trong thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các đối tác khác trong khu vực.

Nguyên Đại sứ Daniel Kritenbrink: Bạn cũng đã hỏi về The Asia Group, và tôi rất vinh dự được chia sẻ thêm. Những thách thức thương mại trong kỷ nguyên mới này lớn hơn bao giờ hết, đòi hỏi các công ty phải suy nghĩ thật kỹ lưỡng về chiến lược của mình. Nhưng bên cạnh những thách thức, cũng có vô số cơ hội. Chúng tôi xem mình là đối tác đáng tin cậy của các doanh nghiệp tại cả châu Á và Mỹ, hỗ trợ họ định vị và thành công trong thời đại mới.

Chúng tôi có nhiều khách hàng là doanh nghiệp Mỹ muốn mở rộng hoạt động tại châu Á, cũng như nhiều doanh nghiệp châu Á cần sự hỗ trợ khi thâm nhập thị trường Mỹ. Đáng chú ý hơn, một số khách hàng châu Á còn tìm đến chúng tôi để giúp họ mở rộng sang các thị trường châu Á khác.

Tôi rất vinh dự được làm việc cùng Đại sứ Phạm Quang Vinh, người có chuyên môn sâu rộng và phối hợp chặt chẽ với văn phòng của chúng tôi tại Hà Nội. Ông giúp chúng tôi điều hướng những thách thức và tận dụng cơ hội tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp đưa ra những kế hoạch phù hợp cho thị trường Việt Nam.

Kính thưa quý vị,

Thành quả đạt được trong 30 năm qua đang tạo ra những xung lực mới để hai nước Việt – Mỹ hiện thực hóa những nội dung hợp tác sâu rộng và tầm vóc đã được nêu trong Tuyên bố chung của hai bên vào tháng 9/2023.

Phần lớn các chuyên gia, học giả đều bày tỏ tin tưởng rằng, trong những năm tới, quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.

Xin cảm ơn hai khách mời đã đưa ra những đánh giá, phân tích rất hữu ích trong cuộc tọa đàm hôm nay.

Kính chào quý vị và hẹn gặp lại!

Thái An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quan-he-viet-my-thanh-qua-hom-nay-la-hang-thap-ky-no-luc-quyet-tam-thien-chi-2386600.html