Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ phát triển vượt bậc trong 50 năm qua
Trong 50 năm qua, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đã phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ, kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch, ngoại giao nhân dân.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ (7/1/1972-7/1/2022), phóng viên TTXVN tại New Delhi đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu về tiềm năng và tương lai của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
- Xin Đại sứ đánh giá quan hệ Việt Nam-Ấn Độ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Trong 50 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương đã có những bước tiến phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Ấn Độ đã trở thành một trong ba đối tác hàng đầu của Việt Nam với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện.
Nếu nhìn vào hai đối tác khác cũng nằm trong danh sách đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam là Nga và Trung Quốc, có thể thấy rằng quan hệ ngoại giao của chúng ta với hai nước này lâu hơn, song quan hệ ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Ấn Độ lại lâu hơn.
Điều này chứng tỏ Ấn Độ là nước có mối quan hệ ngoại giao phát triển mạnh mẽ nhất đối với Việt Nam trong thời gian qua.
Khoảng thời gian 50 năm này trên thực tế không thể hiện hết được chiều sâu của mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ. Chúng ta tự hào rằng quan hệ hai nước đã phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ, kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch, ngoại giao nhân dân và mong muốn thúc đẩy quan hệ này hơn nữa.
- Đại sứ có thể chia sẻ những hoạt động Việt Nam và Ấn Độ dự kiến tổ chức để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Để chuẩn bị cho việc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hai bên đã bắt đầu bằng một loạt hoạt động cụ thể.
Trong ngày 6/1, Phó Chủ tịch nước Việt Nam và Phó Tổng thống Ấn Độ sẽ trao đổi thông điệp chúc mừng lẫn nhau. Lãnh đạo hai nước sẽ gửi điện mừng.
Hai bên sẽ tiến hành các cuộc thăm cấp cao với những dấu mốc như việc ký hiệp định tín dụng Việt Nam vay 500 triệu USD của Ấn Độ để thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng.
Chúng ta sẽ cố gắng đạt được dấu ấn về kim ngạch thương mại 15 tỷ USD. Chúng ta cố gắng đón được một làn sóng đầu tư mới của Ấn Độ vào Việt Nam với những dự án lớn, trong đó có dự án khai thác dầu khí, dự án công viên biệt dược, dự án sản xuất các dụng cụ y tế.
Chúng ta cũng có hàng loạt đầu mục cụ thể để thúc đẩy quan hệ song phương như làm từ điển chung về mối quan hệ hai nước, hay đưa vào chương trình giảng dạy về lịch sử của nước kia. Đây là dấu hiệu về sự nồng ấm của quan hệ hai nước.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cố gắng thúc đẩy hợp tác trên những lĩnh vực mới, trong đó có việc học tập kinh nghiệm để xây dựng quốc gia số, thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong sản xuất dược phẩm cũng như vaccine hoặc chúng ta sẽ giúp Ấn Độ đào tạo các thế hệ bác sĩ của Ấn Độ.
Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, hai nước quyết định tổ chức khánh thành tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại New Delhi và tượng anh hùng dân tộc Mahatma Gandhi tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Xin Đại sứ đánh giá triển vọng quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian tới? Hai nước có những điểm mạnh nào có thể bổ sung cho nhau trong quá trình này?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Tương lai hợp tác của hai nước rất tươi sáng bởi nhiều lý do. Thứ nhất là chúng ta có một nền tảng mối quan hệ rất vững chắc, đó là sự hợp tác, quan hệ bạn bè truyền thống lâu đời, chúng ta nhận được sự quan tâm của lãnh đạo hai nước và nhân dân hai nước đang tiếp tục nỗ lực xây dựng mối quan hệ đó.
Bên cạnh đó, chúng ta là một nền kinh tế đang nổi và hai bên có nền kinh tế bổ sung cho nhau, do đó, chúng ta có thể cùng nhau hợp tác để phát triển. Ngoài ra, chúng ta có thể học hỏi ở nhau do Ấn Độ đang đi đầu trong rất nhiều lĩnh vực mà Việt Nam cần học hỏi như công nghệ số, khoa học công nghệ, năng lượng vũ trụ hoặc hạt nhân.
Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình về quản lý xã hội, xóa đói giảm nghèo và một loạt chính sách xã hội khác. Đó có thể là những bài học cần thiết cho Ấn Độ sau này.
- Xin Đại sứ nhận định hai nước cần làm gì trong thời gian tới để đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu và thực chất hơn?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Hai nước đều có lợi ích là tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và cùng phát triển. Ấn Độ kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và Việt Nam có mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.
Vì vậy, hai nước cần phải phối hợp chặt chẽ hơn trên trường quốc tế, ủng hộ lẫn nhau để bảo vệ lợi ích của nhau, đặc biệt là lợi ích quốc gia, liên quan đến chủ quyền an ninh lãnh thổ.
Hai nước đã hợp tác rất tốt trên nhiều diễn đàn, đặc biệt là tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi cả hai nước là thành viên không thường trực.
Chúng ta cũng có nhiều quan điểm tương đồng về các vấn đề khu vực và thế giới, do đó, chúng ta cùng phải đấu tranh để bảo vệ một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Bên cạnh đó, hai nước cần cố gắng tạo điều kiện tận dụng nguồn lực của nhau để phục vụ phát triển. Kim ngạch thương mại hai chiều đang phát triển rất nhanh nhưng đầu tư giữa hai nước còn hạn chế.
Do đó, chúng ta phải thúc đẩy đầu tư để tạo ra một làn sóng đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam cũng như làn sóng đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ, đặc biệt trong hai lĩnh vực dược phẩm và khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Ngoài ra, chúng ta cần tiếp tục giao lưu trao đổi đoàn ở tất cả các cấp và giao lưu nhân dân.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện chính sách đối ngoại toàn diện, trong đó có đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Ấn Độ là quốc gia rất phù hợp để chúng ta triển khai đường lối đối ngoại toàn diện đó.
Vì vậy, tất cả các bộ ngành, các tổ chức xã hội và Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như các đảng phái chính trị của Ấn Độ đều cần tăng cường hợp tác.
Có như vậy chúng ta mới tạo ra được nền tảng của sự đan xen về lợi ích địa chiến lược, đan xen về lợi ích kinh tế và đan xen về tình cảm giữa dân tộc hai nước chúng ta.
- Xin cảm ơn Đại sứ!./.