Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc không khác gì mối quan hệ 'một gia đình'

Việt Nam và Hàn Quốc đã vượt qua khuôn khổ quan hệ đối tác để trở thành mối quan hệ đặc biệt không khác gì mối quan hệ 'một gia đình'.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam - Ảnh: VGP/Văn Cường

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam - Ảnh: VGP/Văn Cường

Nhận lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và Phu nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30/6 đến ngày 3/7/2024.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Choi Young Sam, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt, là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Việt Nam sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện tháng 12/2022, và diễn ra đúng một năm sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk-yeol.

Theo Đại sứ, thông qua chuyến thăm lần này, hai nước sẽ đẩy nhanh việc thực hiện "Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc" đã được đưa ra nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk-yeol năm ngoái.

Dự kiến, Thủ tướng hai nước sẽ trao đổi về việc mở rộng hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, bao gồm thương mại, khoáng sản quan trọng, lao động, bán dẫn, AI, chuyển đổi số, giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch, giao lưu địa phương…

Ngoài ra, hai nước cũng sẽ cùng tìm kiếm phương án tăng cường hợp tác khu vực như ASEAN, Mekong; ứng phó với các thách thức chung toàn cầu như biến đổi khí hậu nhằm đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Phía Hàn Quốc kỳ vọng, chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp tục nâng cao hợp tác chiến lược và thực chất giữa hai nước lên mức xứng tầm với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

"Chúng ta sẽ được chứng kiến mối quan hệ hai nước vốn đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất tiếp tục được phát triển 'tốt đẹp hơn'. Đại sứ quán Hàn Quốc cùng các cơ quan liên quan đang nỗ lực ở mức cao nhất để chuyến thăm đạt được kết quả tốt nhất", Đại sứ Choi Young Sam bày tỏ.

Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc: Mối quan hệ "một gia đình"

Đánh giá về quan hệ hai nước, Đại sứ Choi Young-sam cho rằng Hàn Quốc và Việt Nam là những đối tác đặc biệt nhất và không gì có thể cản trở được sự phát triển của quan hệ hai nước.

Hai nước hoàn toàn không có bất kỳ xung đột lợi ích nào; mối quan hệ song phương mang tính bổ sung cho nhau, cùng có lợi, trong đó Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với Việt Nam và Việt Nam chia sẻ nguồn nhân lực và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với Hàn Quốc.

Mối quan hệ như vậy sẽ góp phần giúp Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045, trong khi Hàn Quốc có thể hiện thực hóa được 'Tầm nhìn quốc gia quan trọng toàn cầu' của mình, để đóng góp cho tự do, hòa bình và thịnh vượng chung.

Đến nay, hai nước đã vượt qua khuôn khổ quan hệ đối tác để trở thành mối quan hệ đặc biệt không khác gì mối quan hệ "một gia đình", Đại sứ bày tỏ.

Giao lưu nhân dân hai nước đang diễn ra vô cùng sôi động do sự gần gũi về mặt địa lý và tương đồng về văn hóa. Đặc biệt hiện có khoảng 90.000 cặp gia đình Việt-Hàn.

Đề cập đến triển vọng hợp tác song phương, Đại sứ tin tưởng quan hệ hai nước sẽ vẫn tiếp tục tỏa sáng hơn nữa trên nền tảng mối quan hệ đặc biệt như hiện nay, nhất là trong những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, và công nghiệp văn hóa...

Theo Đại sứ, chuyển đổi xanh là 'chìa khóa' quan trọng vì sự phát triển bền vững của quan hệ hai nước; khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác hợp tác quan trọng nhất của Hàn Quốc trong lĩnh vực này.

Minh chứng rõ nhất cho điều này là "Thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu Việt Nam-Hàn Quốc" ký kết năm 2021. Đây là Thỏa thuận hợp tác biến đổi khí hậu đầu tiên mà Hàn Quốc ký với một nước khác.

Trong lĩnh vực hợp tác về môi trường, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ nguồn vốn ODA cho Việt Nam để sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn lĩnh vực môi trường, xây dựng cơ sở tái chế rác thải, hệ thống quản lý chất lượng không khí, quản lý lũ, xây dựng hạ tầng xe điện…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng tích cực đầu tư vào các lĩnh vực môi trường tại Việt Nam, đơn cử là nhà máy đốt rác phát điện trong khu công nghiệp Bắc Ninh (bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2023). Đây là dự án đầu tư liên doanh giữa Công ty TNHH Chosun Refractories ENG và Công ty TNHH Môi trường Ngôi sao xanh (tổng vốn đầu tư 25 triệu USD).

Ngày 20/6 vừa qua, hai nước đã tổ chức cuộc họp lần thứ nhất của Nhóm công tác chung hợp tác về biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu đã được ký kết.

Thông qua cuộc họp này, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ mở rộng hợp tác, bao gồm các dự án giảm khí thải nhà kính và thực hiện các nỗ lực nhiều mặt nhằm giảm lượng khí thải carbon.

Bên cạnh đó, hai nước sẽ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng không carbon như hydro xanh và tiếp tục tăng cường hợp tác trong các ngành công nghiệp xanh tương lai như tái chế chất thải và chuyển đổi thành năng lượng, và quản lý nước thông minh.

Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác phát triển công nghiệp văn hóa

Theo Đại sứ Choi Young Sam, có rất nhiều điều mà Hàn Quốc và Việt Nam có thể học hỏi lẫn nhau về mặt văn hóa.

"Việt Nam là nước có nội dung văn hóa phong phú không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới", Đại sứ chia sẻ đồng thời khẳng định Hàn Quốc sẵn sàng đóng góp và cùng hợp tác nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

Hiện hai nước đang hợp tác thông qua những dự án như 'Dự án giao lưu điện ảnh Việt Nam-Hàn Quốc, 'Dự án sản xuất chung chương trình truyền hình', đồng thời đang thảo luận về dự án đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực truyền hình sử dụng vốn ODA của Hàn Quốc, Đại sứ cho biết.

Đại sứ cho rằng có nhiều điều Hàn Quốc có thể học được từ Việt Nam, tiêu biểu nhất là ẩm thực. Gần đây, các món ăn Hàn Quốc như gimbap, thịt ba chỉ nướng, tteokbokki đã trở nên phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, nhưng Đại sứ cho rằng món toàn cầu hóa thành công trước chính là món Phở của Việt Nam. Việt Nam đã chinh phục được khẩu vị của người dân trên toàn thế giới, và Hàn Quốc nhất định sẽ học hỏi từ Việt Nam bí quyết để thương hiệu hóa ẩm thực nước mình một cách thành công.

Đại sứ cũng đánh giá cao cách người Việt Nam kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa "áo dài" như một bộ trang phục thường ngày, như một phần của cuộc sống thường nhật.

Việt Nam không an phận, nhiệt huyết hướng đến tương lai

Chia sẻ cảm nhận về Việt Nam trong một năm vừa qua, Đại sứ cho biết, đây là khoảng thời gian để ông nhận ra những điểm chung giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng như nhận được nhiều tình cảm yêu mến của người dân Việt Nam.

Đại sứ cũng cho biết, mỗi ngày ông đều được chứng kiến những tiềm năng và tiềm lực đáng kinh ngạc của Việt Nam một cách gần gũi hơn bất kỳ ai. Việt Nam bảo tồn truyền thống nhưng cũng không ngại thay đổi, tự hào về lịch sử nhưng không an phận ở quá khứ.

Tất cả mọi người dân đều như vậy, không phân biệt thế hệ. Đặc biệt khi thấy hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam đầy nhiệt huyết tiến về phía trước với mục tiêu tương lai, Đại sứ thấy được niềm hy vọng của Việt Nam mỗi ngày./.

Thùy Dung

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/quan-he-viet-nam-han-quoc-khong-khac-gi-moi-quan-he-mot-gia-dinh-102240628122534552.htm