Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ
Việt Nam mong muốn sẽ có thêm nhiều dự án hợp tác, đầu tư của Hàn Quốc, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Ngày 30-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc đối thoại với Đại sứ Hàn Quốc và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Tại đây Thủ tướng đã lắng nghe và ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc về những khó khăn, vướng mắc cũng như những đề xuất sáng kiến, giải pháp cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hàn Quốc hiện là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, hiện đang đầu tư ở 19/21 ngành kinh tế và 59/63 tỉnh, thành phố với 9.383 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 79,8 tỉ USD.
Hàn Quốc - đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có lịch sử hào hùng đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước; có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đa dạng, có nhiều nét tương đồng với nền văn hóa Hàn Quốc.
Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 370 tỉ USD, là nền kinh tế lớn thứ tư Đông Nam Á; thu nhập bình quân đầu người hơn 3.700 USD; quy mô thương mại đạt 670 tỉ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tuy nhiên, Việt Nam xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ. Nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hiện nay là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Về quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, Thủ tướng nêu rõ sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác đã không ngừng được củng cố và phát triển thực chất, toàn diện, vượt bậc trên cả bình diện song phương và đa phương, trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau, tạo không gian hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ). Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam như Samsung, LG, Hyosung, Hanwha, Hyundai, CJ, Lotte...
Thủ tướng nhấn mạnh Hàn Quốc là nền kinh tế lớn, đang cải cách mạnh mẽ để vươn lên, tích cực phát huy vai trò toàn cầu, có ảnh hưởng quan trọng ở châu Á, là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực. Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển nhanh, năng động, với gần 100 triệu dân, có vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN và Đông Á; đầu tư vào Việt Nam cũng là tiếp cận với thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 600 triệu dân.
Hai nước đang trong quá trình phê chuẩn Hiệp định RCEP và cùng hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch thương mại hai chiều ở mức 100 tỉ USD vào năm 2023 và 150 tỉ USD vào năm 2030.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tiếp tục hợp tác, chân thành, tin cậy, hiệu quả giữa hai bên, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm," lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Sớm đưa Việt Nam thành trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam mong muốn sẽ có thêm nhiều dự án hợp tác, đầu tư của Hàn Quốc thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (như công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng...); có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị (tăng nhanh hơn nữa tỉ lệ nội địa hóa và nâng cao phần giá trị gia tăng của Việt Nam, bảo đảm hài hòa hơn nữa lợi ích của hai bên trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam); thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
"Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường sự liên kết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về thương mại, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tăng cường hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA); giải quyết vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, hải sản, trái cây vào thị trường Hàn Quốc. Đẩy mạnh hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc về phát triển năng lượng. Việt Nam khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thực hiện cam kết COP 26…
Về phát triển công nghiệp, trọng tâm ưu tiên của Việt Nam là phát triển công nghiệp với hàm lượng công nghệ cao, ưu tiên các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo, tạo bước đột phá trong hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây cũng là lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn Hàn Quốc tiếp tục hợp tác, đầu tư nhiều hơn nữa tại Việt Nam.
Một số vấn đề các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc nêu đã được giải đáp, xử lý trong buổi đối thoại. Những vấn đề khác, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương Việt Nam tiếp thu, nghiên cứu, sớm đưa ra biện pháp xử lý cụ thể.
33 kiến nghị của Hàn Quốc với Việt Nam
Tại cuộc làm việc, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Đại sứ Hàn Quốc khẳng định cuộc đối thoại tháng 9-2021 của Thủ tướng đã tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh ở thời điểm đó và đến nay, các doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực. Đơn cử như tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, tiêm vaccine cho người lao động, mở lại các rạp chiếu phim… 25/29 kiến nghị tại cuộc đối thoại đã được giải quyết.
“Cùng với việc thực hiện thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng, các chuyên gia kinh tế nổi tiếng đánh giá Việt Nam sẽ dễ dàng đạt mức tăng trưởng ít nhất 6% trong năm nay, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và tỉ giá, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, ngay cả khi kinh tế thế giới bất ổn, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, đây là điều vô cùng ấn tượng”- Đại sứ phát biểu.
Đại sứ cho rằng những thành tựu này có được là nhờ tình hình đất nước ổn định và sự điều hành, chỉ đạo hiệu quả của Chính phủ Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ Hàn Quốc đánh giá cao điều này.
Cùng với đà phục hồi của kinh tế Việt Nam, thương mại và đầu tư hai nước đang gia tăng rõ rệt và nếu giữ nguyên tốc độ phục hồi, tăng trưởng này, kim ngạch thương mại hai chiều có thể đạt 100 tỉ USD vào năm nay, sớm hơn mốc thời gian đã đặt ra là năm 2023.
Tại cuộc làm việc, Đại sứ Hàn Quốc và các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục nêu 33 kiến nghị gửi các bộ, ngành, cơ quan, địa phương của Việt Nam.
Các kiến nghị tập trung vào các vấn đề như ưu đãi thuế; quy hoạch điện, cơ chế thí điểm mua, bán điện trực tiếp; cơ chế khuyến khích đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo và chiến lược, giải pháp để xây dựng và phát triển ngành xe điện; các biện pháp ứng phó với dịch bệnh thời gian tới; thủ tục liên quan giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; thủ tục cấp phép lao động nước ngoài, đào tạo nhân lực, tuyển dụng nhân sự; thủ tục nhập khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn đã qua sử dụng; việc phân phối bán các bản ghi âm, ghi hình tại Việt Nam; thủ tục đánh giá tác động môi trường; tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… và các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai một số dự án cụ thể.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quan-he-viet-nam-han-quoc-loi-ich-hai-hoa-rui-ro-chia-se-post691606.html