Quan hệ Việt Nam - Mỹ đang ở giai đoạn tốt nhất

'Việc lãnh đạo hai nước trao đổi liên tục và ở cấp cao nhất để đàm phán thuế đối ứng cho thấy mối quan hệ Việt Nam - Mỹ đang ở giai đoạn tốt nhất, đồng thời thể hiện sự tôn trọng của Mỹ đối với Việt Nam'.

Đàm phán về Hiệp định song phương về thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận sơ bộ

Đàm phán về Hiệp định song phương về thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận sơ bộ

Đối tác đàm phán tuyệt vời và tích cực

Đó là khẳng định của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper trong buổi gặp gỡ báo chí sáng 8-7 tại Hà Nội, trước thềm lễ kỷ niệm 30 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ. Trước đó, tối 2-7, chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đăng trên mạng xã hội Truth Social thông báo rằng Mỹ và Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận thương mại sơ bộ, khép lại hơn 3 tháng đàm phán căng thẳng. Với Việt Nam, thỏa thuận này là bước đi mang tính chiến lược, được tính toán kỹ lưỡng để giảm thiểu rủi ro và duy trì ổn định thương mại.

Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Mỹ đạt gần 134,6 tỷ USD, tăng 21,5% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3%, và nhập khẩu từ Mỹ đạt 15 tỷ USD, tăng 8,8%. Xét theo các con số trên, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ trên toàn cầu, một kỳ tích với một quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế 10% từ ngày 2-4-2025 và khả năng áp thuế đối ứng lên mức 46% từ ngày 9-7-2025 đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ gây quan ngại sâu sắc cho không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà cả các doanh nghiệp Mỹ. Trong khi đó, là nền kinh tế có độ mở rất cao, kinh tế Việt Nam nhạy cảm trước thay đổi của thương mại thế giới và chính sách thuế quan của các nước, nhất là xuất khẩu có thể sụt giảm, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị ảnh hưởng và áp lực điều hành vĩ mô gia tăng.

Làm sao thúc đẩy tiến trình xây dựng Hiệp định thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ nhằm hướng tới một mối quan hệ kinh tế - thương mại cân bằng, bền vững đã trở thành yêu cầu cấp bách. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã chủ động, bình tĩnh, đánh giá kỹ tình hình và điều chỉnh linh hoạt. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đàm phán thương mại đối ứng với Mỹ. Sau 4 vòng đàm phán ở cả cấp kỹ thuật và cấp bộ trưởng, hai bên đã đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ.

Để có được kết quả đó là sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam, từ đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đến các bộ, ngành, các cán bộ trực tiếp tham gia đàm phán. Nhìn nhận về vấn đề này, Đại sứ Mỹ Marc Knapper chia sẻ: “Nhà lãnh đạo Việt Nam là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên điện đàm với Tổng thống Donald Trump để thảo luận vấn đề thuế quan. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và trước đó là Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và đoàn đàm phán Việt Nam cũng đã đến Mỹ từ rất sớm. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã có cuộc điện đàm thứ 2 thảo luận tháo gỡ vấn đề thuế quan với Tổng thống Donald Trump... Điều đó cho thấy Việt Nam đã vào cuộc rất nhanh và là một đối tác đàm phán rất tuyệt vời và tích cực”.

Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, những cuộc đàm phán ở cấp cao nhất của hai quốc gia cho thấy quan hệ Việt Nam - Mỹ đang ở giai đoạn tốt nhất và sự tôn trọng của Mỹ dành cho Việt Nam với mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, tiếp tục mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Biến cơ hội thành hiện thực thế nào?

Việc hai đoàn đàm phán của Việt Nam và Mỹ thống nhất được Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng là kết quả quan trọng trong đàm phán, tạo niềm tin, kỳ vọng, đồng thời mở ra cơ hội cho doanh nghiệp của hai nước. Theo Đại sứ Marc Knapper, Việt Nam và Mỹ đang đứng trước những cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Theo ông Marc Knapper, Việt Nam có đủ năng lực và điều kiện để vươn lên trở thành điểm đến toàn cầu về sản xuất công nghệ cao. Việc tận dụng đẩy mạnh hợp tác về công nghệ không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà cũng mang lại lợi ích cho Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ đầu tư rất nhiều vào Việt Nam và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư sang Mỹ. Điều đó cho thấy doanh nghiệp hai nước đang nhìn thấy rất nhiều cơ hội tiềm năng rộng mở.

Trong lĩnh vực giáo dục, chính phủ Mỹ đang hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các trường đại học Mỹ như Đại học bang Arizona phối hợp với các trường đại học tại Việt Nam nhằm xây dựng các chương trình đào tạo trong lĩnh vực công nghệ cao, như chương trình học về bán dẫn và các ngành kỹ thuật cao tương tự như ở Mỹ. Ở cấp độ cá nhân và khu vực tư nhân, nhiều trường đại học Mỹ cũng rất quan tâm hợp tác với Việt Nam. Mục tiêu là giúp Việt Nam đóng vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu về công nghệ cao, trở thành trung tâm sản xuất chip bán dẫn quy mô khu vực và toàn cầu, nơi tinh thần đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp của người Việt được phát huy trọn vẹn.

Tuy nhiên, để biến những cơ hội trên thành hiện thực, chúng ta còn phải làm nhiều việc. Trước hết, thỏa thuận thương mại sơ bộ còn cần phải được cụ thể hóa thành chính sách chính thức. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cần phải có thêm dữ liệu và thời gian cụ thể để đánh giá đúng tác động thực sự của thỏa thuận này. Từ đó mà xem xét lợi thế so sánh của mình, nhất là trong tương quan với các quốc gia cạnh tranh cùng ngành để triển khai vào thực tế. Chẳng hạn như cần biết rõ chi tiết mức thuế áp cho từng nhóm hàng, vì trong một ngành như thủy sản, thuế suất có thể rất khác biệt giữa các loại mặt hàng.

Tiếp đó là thúc đẩy công nghiệp phụ trợ vì chỉ khi phát triển được công nghiệp phụ trợ, chúng ta mới tự chủ được trong sản xuất. Đây được xem là giai đoạn quan trọng để tăng cường nội lực sản xuất, giảm sự phụ thuộc và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai. Nhà nước cần có chính sách thúc đẩy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào bên ngoài. Nếu thời điểm này tận dụng cơ hội để tăng đầu tư vào chuỗi cung ứng và logistics nội địa, Việt Nam không chỉ giảm thiểu rủi ro từ thuế quan mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu khác trong dài hạn.

Một trong những điểm mấu chốt nữa là mức thuế đối với hàng bị coi là “trung chuyển”. Mỹ thường yêu cầu sản phẩm phải có tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa từ 35-45% mới được công nhận là có xuất xứ hợp lệ. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không chứng minh được tỷ lệ này, sản phẩm có thể bị xem là “trung chuyển” và phải chịu mức thuế cao hơn. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần rà soát lại toàn bộ chuỗi cung ứng, đầu tư mạnh hơn vào khâu nội địa hóa, minh bạch hóa quy trình sản xuất và đặc biệt là lưu trữ đầy đủ hồ sơ, từ giấy chứng nhận xuất xứ (CO), hợp đồng, hóa đơn đến vận đơn.

Còn nhiều thách thức nhưng nói về triển vọng của Việt Nam, ông Bruno Jaspaert Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc tổ hợp Khu công nghiệp Deep C, nhận xét: “Sau 7 năm từ khi phụ trách thị trường Việt Nam, tôi nhận ra không quốc gia nào sánh bằng Việt Nam về khả năng chống chịu và phục hồi. Thuế quan chỉ là một gờ giảm tốc trên con đường Việt Nam tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển”.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/quan-he-viet-nam-my-dang-o-giai-doan-tot-nhat-post617108.antd