Quan hệ Việt Nam-Pháp ngày càng gắn bó và được củng cố

Ngày 20/4, tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp được tổ chức ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Paris, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và đại diện chính quyền Pháp khẳng định quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng gắn bó và được củng cố trên nhiều lĩnh vực.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Khải Hoàn)

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Khải Hoàn)

Tham dự lễ kỷ niệm do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức, có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng; Đại sứ - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức UNESCO Lê Thị Hồng Vân; đại diện chính quyền Pháp, các phái đoàn ngoại giao, các tổ chức hợp tác với Việt Nam, Hội đoàn Pháp-Việt và cộng đồng người Việt.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, năm 2023 là dấu mốc đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.

Cách đây tròn 50 năm, sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, Pháp là nước đầu tiên ở Tây Âu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong những năm sau đó, Pháp không ngừng sát cánh cùng Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước và trong quá trình hội nhập quốc tế. Vào những năm 80, khi Việt Nam bị bao vây và cấm vận, Pháp là nước phương Tây duy nhất duy trì quan hệ với Việt Nam thông qua hợp tác khoa học-kỹ thuật cũng như giao lưu văn hóa.

Công cuộc Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng năm 1986 đã đưa đất nước tới những bước phát triển vượt bậc. Cũng từ đó, với chính sách ngoại giao rộng mở và với sự hỗ trợ to lớn từ các đối tác trong đó có Pháp, Việt Nam đã trở thành một nhân tố quan trọng trong khu vực và quốc tế. Năm 1993, chuyến thăm của Tổng thống François Mitterrand, nguyên thủ quốc gia Pháp và phương Tây đầu tiên đến Việt Nam kể từ năm 1975, đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Kể từ đó đến nay, Pháp luôn là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu và trên thế giới. Quan hệ với Pháp chiếm vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. 20 năm sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp François Mitterrand, một dấu mốc quan trọng khác trong quan hệ Pháp-Việt lại được ghi nhận khi hai nước ký kết quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển không ngừng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Pháp, cùng nhau xây dựng nhiều cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực rộng lớn và đa dạng như giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, tư pháp và quản trị, văn hóa cũng như giao lưu nhân dân. Ngày nay, tất cả các khía cạnh hợp tác song phương này không ngừng được đầu tư, đổi mới và triển khai để hiện thực hóa các dự án cụ thể, phù hợp, đáp ứng kỳ vọng của mỗi nước.

Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam và Pháp luôn lựa chọn tăng cường hợp tác và đối thoại.

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, những bước phát triển của mối quan hệ gắn bó Việt Nam và Pháp trong 50 năm qua là động lực để hai nước sẵn sàng hướng tới tương lai lâu dài vì lợi ích của mỗi nước. Việt Nam và Pháp cần tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế ở tất cả các cấp. Hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời cùng đóng góp tích cực vào việc thiết lập môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy đối thoại và chủ nghĩa đa phương trên thế giới cũng như ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Benoît Guideé: Các hoạt động giao lưu, kỷ niệm là những minh chứng cho sự phong phú và đa dạng của quan hệ giữa hai nước. (Ảnh: Khải Hoàn)

Ông Benoît Guideé: Các hoạt động giao lưu, kỷ niệm là những minh chứng cho sự phong phú và đa dạng của quan hệ giữa hai nước. (Ảnh: Khải Hoàn)

Thay mặt chính quyền Pháp, ông Benoît Guideé, Tổng Vụ trưởng Vụ Á - Úc (Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp), nhắc lại những kỷ niệm gắn bó trong suốt 5 năm sống và làm việc tại Việt Nam, được chứng kiến những bước phát triển của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Ông bày tỏ: Việt Nam có vị trí vô cùng đặc biệt trong tâm trí của tôi và của những người Pháp khác.

Theo ông Benoît Guideé, qua nhiều những thăng trầm trong lịch sử, hai nước đã kết nối và xây dựng tình hữu nghị và hợp tác gắn bó. Những năm vừa qua, hai nước đã xây dựng mối quan hệ chính trị bền vững, được đánh dấu bởi sự tin tưởng lẫn nhau. Chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3/2018 và tiếp sau đó là chuyến thăm của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe vào tháng 11 cùng năm đó cho thấy mong muốn và quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương. Trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành, tinh thần sẻ chia giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp càng tỏa sáng.

Ông Benoît Guideé nhấn mạnh, đó là một nền tảng vững chắc để Pháp và Việt Nam cùng nhau hướng tới tương lai tươi sáng. Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược Pháp và Việt Nam là một cơ hội tốt để cùng thể hiện quyết tâm thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới. Những hoạt động kỷ niệm sự kiện trọng đại này diễn ra ở nhiều cấp và nhiều địa phương tại mỗi nước là những minh chứng cụ thể cho sự phong phú và đa dạng của quan hệ Pháp-Việt Nam.

Dàn hợp xướng thiếu nhi của Nhạc viện Versailles mở đầu chương trình nghệ thuật "Việt-Pháp: khúc ca xuân". (Ảnh: Khải Hoàn)

Dàn hợp xướng thiếu nhi của Nhạc viện Versailles mở đầu chương trình nghệ thuật "Việt-Pháp: khúc ca xuân". (Ảnh: Khải Hoàn)

Tiếp đó là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Việt-Pháp: khúc ca xuân" với những tiết mục biểu diễn đặc sắc của các nghệ sĩ đến từ hai nước. Màn hợp xướng bằng lời Việt và Pháp nồng ấm của các cháu thiếu nhi thuộc trường nhạc Versailles tôn vinh 50 mùa xuân của tình hữu nghị và sự giao thoa của hai dân tộc.

Tiết mục múa nón quai thao cùng tà áo dài thướt tha của các nghệ sĩ từ Việt Nam. (Ảnh: Khải Hoàn).

Tiết mục múa nón quai thao cùng tà áo dài thướt tha của các nghệ sĩ từ Việt Nam. (Ảnh: Khải Hoàn).

Còn các tiết mục biểu diễn do các nghệ sĩ của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và Nhà hát Múa rối Việt Nam giới thiệu những nét tinh hoa trong kho tàng văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam.

Biểu diễn nhạc cụ dân tộc. (Ảnh: Minh Duy).

Biểu diễn nhạc cụ dân tộc. (Ảnh: Minh Duy).

Ca sĩ nhí Xuân An biểu diễn bài hát "Xin chào Việt Nam" mời gọi bạn bè Pháp và quốc tế tới thăm đất nước hình chữ S tươi đẹp và mến khách. (Ảnh: Khải Hoàn).

Ca sĩ nhí Xuân An biểu diễn bài hát "Xin chào Việt Nam" mời gọi bạn bè Pháp và quốc tế tới thăm đất nước hình chữ S tươi đẹp và mến khách. (Ảnh: Khải Hoàn).

Trình diễn "Cô Đôi Thượng ngàn" để giới thiệu Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. (Ảnh: Khải Hoàn).

Trình diễn "Cô Đôi Thượng ngàn" để giới thiệu Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. (Ảnh: Khải Hoàn).

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quan-he-viet-nam-phap-ngay-cang-gan-bo-va-duoc-cung-co-post748877.html