Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế ổn định, tích cực
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Từ đầu năm 2023 đến nay, quan hệ giữa hai nước duy trì xu thế phát triển hòa bình, ổn định và ngày càng tốt đẹp, đặc biệt giao lưu và tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên.
Qua các chuyến thăm và tiếp xúc lãnh đạo cấp cao, hai Đảng, hai nước đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, tạo định hướng chiến lược, nền tảng lâu dài cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Đặc biệt chuyến thăm Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 được đánh giá là chuyến thăm lịch sử, đã tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong giai đoạn mới.
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2022 được đánh giá là sự kiện chính trị đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc, trở thành động lực mạnh mẽ cho quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên cao nhất mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc - sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và nhân dân Trung Quốc. Điều này thể hiện sự coi trọng lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nhà nước.
Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước luôn đề cao và khẳng định những điểm tương đồng, nhất trí về điều kiện, mục tiêu phát triển, tính chất đặc thù của mối quan hệ, khẳng định rõ định vị của mỗi bên về nhau, qua đó góp phần tăng cường sự tin cậy chiến lược.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định: "Trung Quốc – Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, là hai nước láng giếng có chung đường biên giới, là hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có quan hệ hữu nghị truyền thống và có quan hệ gắn bó lợi ích ngày càng lớn. Do đó hai nước đều coi trọng quan hệ với nhau, xác định quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, quan hệ Trung Quốc – Việt Nam là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. 15 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ lên Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả, bền vững, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Hai bên thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp tạo nên những dấu ấn, dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước".
Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng tốt, tăng gấp 9 lần từ 20 tỷ USD năm 2008 lên 180 tỷ USD năm 2022.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực đầu tư, qua 15 năm, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần từ mức lũy kế 2 tỷ USD vào năm 2008 lên 25 tỷ USD hiện nay. Riêng năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ tư trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Hợp tác địa phương giữa hai nước, nhất là các tỉnh/khu biên giới, cũng đang ngày càng phát huy hiệu quả thực chất, góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó, quan hệ kinh tế - thương mại giữa các địa phương đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại hai nước.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, gần 60 tỉnh, thành của Việt Nam có quan hệ hợp tác, hữu nghị với các địa phương của Trung Quốc và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương đã duy trì và tổ chức nhiều cơ chế, chương trình hợp tác định kì với các đối tác Trung Quốc. Hai bên cũng tích cực hợp tác và đạt được kết quả quan trọng trong việc duy trì đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương hai biên giới. Hai bên cũng hết sức duy trì đàm phán, tăng cường hợp tác, kiếm soát bất đồng, quản lý khác biệt để duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông.
Sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2022, chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12/12 tới đây được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo ra những động lực mới để các ngành, các cấp, các đoàn thể, các địa phương và nhân dân hai nước tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ sẵn có. Qua đó tạo nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ giữa hai nước trong nhiều năm tới.
"Hy vọng trong chuyến thăm lần này, các nhà lãnh đạo của hai Đảng, hai nước tiếp tục làm sâu sắc hơn khuôn khổ quan hệ giữa hai nước, xây dựng một tương lai lâu dài cho quan hệ hai nước theo hướng bên vững hơn, hiệu quả hơn, thực chất hơn. Qua đó, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Dự kiến là sẽ có một khối lượng lớn các văn kiện sẽ được ký kết trên các lĩnh vực. Qua đó tạo điều kiện cho các địa phương, người dân, doanh nghiệp, các cơ quan của hai bên tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả hơn" - Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chia sẻ.
Trung Quốc là nước đầu tiên mà Việt Nam xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Và Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ quan hệ này. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, hướng tới tương lai hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới./.