Quan hệ Việt Nam và Israel phát triển tốt đẹp, còn nhiều tiềm năng
Nhân kỷ niệm 30 năm Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ chính thức (12/7/1993 – 12/7/2023), phóng viên TTXVN tại Tel Aviv đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam tại Nhà nước Israel, ông Lý Đức Trung, về thành quả của quan hệ song phương trong những thập niên qua và triển vọng hợp tác thời gian tới.
Xin Đại sứ cho biết những nét chính trong quá trình thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel trong 30 năm qua? Đâu là những điểm đặc biệt, đặc thù trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước?
Quan hệ chính trị ngoại giao chính thức giữa các quốc gia được xây dựng trên nền tảng những mối dây liên hệ xuyên suốt chiều dài lịch sử của các dân tộc và do nhân dân các dân tộc đó qua nhiều thế hệ liên tục vun đắp. Quan hệ giữa Việt Nam và Israel cũng được ươm mầm trên mảnh đất đó. Có những câu chuyện xoay quanh quá trình hình thành và phát triển quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với người Do Thái nói chung và Israel nói riêng một phần được liên hệ với những người Do Thái Pháp đã đến Việt Nam làm ăn, buôn bán và tham quan vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Nền móng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Israel đã được xây dựng từ năm 1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng đầu tiên của Israel David Ben Gurion đã gặp gỡ tại Paris (Pháp).
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều thanh niên Israel cũng đã hòa chung phong trào phản chiến, kêu gọi chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngay sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy giao thương với các nước, đã có nhiều người Israel đến thăm và tìm hiểu cơ hội kinh doanh ngay từ những năm cuối thập niên 80 và đầu 90 khi hai nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao. Vào ngày 12/7/1993, Việt Nam và Israel đã ký văn kiện chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trên chặng đường 30 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Israel đã trải qua những mốc phát triển quan trọng.
Năm 1993, Israel đặt Đại sứ quán tại Hà Nội và năm 2009, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Tel Aviv. Điều này không chỉ đơn thuần đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ chính trị mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực khác.
Về chính trị, các hoạt động trao đổi đoàn các cấp giữa hai nước đã được triển khai sôi động và tích cực từ năm 1996 đến nay. Việt Nam đã đón nhiều lãnh đạo Israel đến thăm, bao gồm chuyến thăm của các Tổng thống Shimon Peres (năm 2011) và Reuven Rivlin (năm 2017) cùng nhiều bộ trưởng và lãnh đạo cấp cao khác. Về phía Việt Nam, lãnh đạo Đảng và chính phủ cũng đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới Israel, bao gồm các chuyến thăm của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (11/1999), Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng (4/2008), Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp (6/2011), Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh (5/2012), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát (5/2012), Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân (10/2014), Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ (6/2015), Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân (11/2015), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (12/2015), Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (7/2017), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân (5/2018), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính (7/2019) và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng (năm 2022). Hai bên cũng đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm Israel của lãnh đạo cấp cao Việt Nam vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong suốt chặng đường 30 năm phát triển, hai bên đã ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, có Hiệp định khung hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp và thương mại (năm 1996), Nghị định thư hợp tác tài chính giữa Israel và Việt Nam (năm 2007), Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao (năm 2009), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và chống trốn thuế đối với thuế thu nhập và tài sản, Bản ghi nhớ giữa hai Bộ Khoa học và Công nghệ về hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ (năm 2009), Nghị định thư thành lập Ủy ban liên chính phủ (năm 2013), Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (năm 2015), Hiệp định vận chuyển hàng không (năm 2020)... và đang hướng tới ký kết Hiệp định Thương mại Tự do song phương (VIFTA). Ủy ban liên chính phủ Việt Nam và Israel đã tổ chức hai kỳ họp vào năm 2014 và 2017. Dự kiến kỳ họp lần thứ ba sẽ được tổ chức trong năm nay. Tham vấn chính trị giữa hai nước cũng đã khởi động lại vào năm 2022 sau 10 năm tạm thời ngắt quãng.
Về kinh tế, Israel hiện đứng thứ 3 trong danh sách thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực Tây Á và là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam. Trong năm 2018, trao đổi thương mại hai nước đạt 1,2 tỷ USD, và đến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD.
Trong năm 2022, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Israel có những động lực phát triển mới khi Tập đoàn CT Group khai trương Văn phòng đại diện tại Tel Aviv để kết nối, thúc đẩy hợp tác với thị trường đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của Israel. Tập đoàn Vingroup cũng đầu tư khoảng 40 triệu USD vào các dự án phát triển pin sạc nhanh cho ô tô điện và công nghệ ô tô tự lái cũng như chính thức chỉ định đại lý phân phối ô tô VinFast tại thị trường Israel.
Năm 2023 có ý nghĩa trọng đại khi sau 7 năm, trải qua 12 vòng, Việt Nam và Israel đã chính thức kết thúc đàm phán và chuẩn bị ký kết VIFTA – FTA đầu tiên của Việt Nam với khu vực Trung Đông đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là một dấu mốc quan trọng góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo đột phá cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Đây cũng điều kiện để hai bên gia tăng kim ngạch thương mại song phương trong năm 2023 lên khoảng 10-15% và hướng tới mục tiêu 3 tỷ USD ngay trong thời gian tiếp theo.
Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp thông minh, giao lưu nhân dân cũng diễn ra hết sức sôi động, góp phần tích cực vào việc củng cố, phát triển trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, mang tới cơ hội học tập và tăng tần suất đi lại du lịch cho nhân dân hai nước. Trong chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel cũng đã thúc đẩy thành công việc thành lập Hội Hữu nghị Israel - Việt Nam và khai trương Không gian Văn hóa và Du lịch Việt Nam tại thành phố Netanya, Israel.
Có thể nói, nhìn lại chặng đường 30 năm phát triển quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước Việt Nam và Israel, với sự tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, hai nước đã đạt được những thành tựu hợp tác hết sức đáng tự hào về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư..., đưa Việt Nam và Israel trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau tại các khu vực Đông Nam Á và Trung Đông.
Israel và Việt Nam, tuy cách xa về địa lý, nhưng quan hệ song phương có những điểm đặc biệt, đặc thù đã giúp gây dựng nền móng cho quan hệ 30 năm qua và tiếp tục tạo động lực cho sự phát triển của quan hệ trong 30 năm tới.
Về kinh tế, mặc dù thị trường khiêm tốn, với quy mô dân số xấp xỉ 10 triệu người nhưng hoạt động kinh tế và ngoại thương của Israel khá phát triển. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 55.000 USD; kim ngạch ngoại thương đạt 173 tỷ USD. Ngoài ra, với vòng quay tiêu dùng ở thị trường Israel nhanh, thể hiện ở trị giá nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh hằng năm, các doanh nghiệp của Việt Nam có thể tranh thủ khai thác cơ hội xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao sang thị trường Israel, nhất là sau khi VIFTA được chính thức ký kết sẽ mở cửa thị trường và giảm thuế cho hàng xuất khẩu của ta.
Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao – nông nghiệp thông minh cũng là một trong những điển hình về mô hình hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Israel. Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu và những yêu cầu ngày càng cao của các thị trường tiêu thụ nông sản trên thế giới về số lượng, hình thức, chất lượng, chủng loại nông sản như hiện nay, các địa phương của Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ với Israel để tìm giải pháp mới trong nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra năng suất cao, cải thiện giống cây trồng, cải thiện chất lượng bảo quản sau thu hoạch, qua đó nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thế giới.
Ngoài nông nghiệp công nghệ cao, hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số quốc gia, trong khi Israel có thế mạnh về công nghệ, nghiên cứu phát triển và các mô hình khởi nghiệp. Do đó hai bên có thể “khớp nối” để đẩy mạnh hợp tác chuyển giao, nghiên cứu và trao đổi các giải pháp phù hợp. Israel cũng có nhu cầu lớn về lực lượng lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, xây dựng và dịch vụ nhà hàng – khách sạn, trong khi Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công hợp lý và ngày càng được đào tạo bài bản. Trong thời gian tới, quá trình đàm phán hiệp định lao động sẽ được hai bên nỗ lực tháo gỡ vướng mắc và sẽ tiếp tục mở ra hợp tác lao động trong những lĩnh vực khác.
Quan hệ giữa Việt Nam và Israel hiện có những thuận lợi và thách thức như thế nào? Đại sứ quán có những dự định, kế hoạch gì để góp phần thúc đẩy mối quan hệ này?
Mặc dù Israel và Việt Nam có bề dày lịch sử, hai nền văn hóa và ở hai khu vực địa lý cách biệt, nhưng như cựu Đại sứ Israel tại Việt Nam Amkian Levy từng nhận định, hai nước lại chia sẻ những giá trị về gia đình, về tình bạn và về ý chí mạnh mẽ để hiểu biết lẫn nhau, cùng cam kết mang lại sự thịnh vượng cho người dân. Đây là những thuận lợi căn bản để hai nước tiếp tục cùng tiến về phía trước.
Với những lợi thế có thể bổ sung cho nhau, quan hệ Israel và Việt Nam có nhiều tiềm năng để nâng cao hiệu quả hợp tác trong tương lai. Cần khẳng định lại cơ sở về cơ cấu kinh tế hai nước mang tính bổ trợ lẫn nhau một cách tích cực, hàng hóa không cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung cho nhau giúp cả hai bên đều có thể thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh sang thị trường của nhau. Kể từ tháng 9/2022, Israel đã áp dụng các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) về an toàn thực phẩm, loại bỏ hầu hết các quy định tiêu chuẩn riêng vốn khắt khe hơn tiêu chuẩn EU đối với hàng hóa tiêu dùng. Trong khi đó, từ năm 2020, hàng hóa của Việt Nam vào EU đã đáp ứng các tiêu chuẩn của khối theo hiệu lực của Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA). Vì vậy, hàng hóa của Việt Nam đã vào được châu Âu sẽ có nhiều thuận lợi tại Israel, khi VIFTA có hiệu lực.
Như vậy, việc VIFTA chính thức được ký kết và có hiệu lực trong thời gian tới được kỳ vọng tạo ra những động lực mới thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch và các lĩnh vực khác; qua đó đưa quan hệ hợp tác song phương bước sang một giai đoạn mới với phạm vi và quy mô rộng lớn hơn, cũng như hiệu quả hơn và cả thực chất hơn, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Giai đoạn tiếp theo, khi các luồng di chuyển hàng hóa gia tăng nhanh, người tiêu dùng hai nước biết đến hàng hóa của nhau nhiều hơn, doanh nghiệp hai nước sẽ tăng đầu tư vào các lĩnh vực theo thế mạnh, nhu cầu và khả năng tiếp nhận của nhau, cũng sẽ làm gia tăng giao lưu về con người. Theo đó, quá trình này lại góp phần tăng trưởng về du lịch, dịch chuyển về lực lượng lao động giữa hai nước và kéo theo vận tải cả hàng hóa và hành khách bằng đường hàng không cũng tăng trưởng, trở thành chất xúc tác cho các đường bay thẳng giữa Israel và Việt Nam, hy vọng sẽ được chính thức triển khai trong tương lai gần.
Về giao lưu nhân dân, lưu lượng khách Israel tiềm năng đến Việt Nam là rất lớn. Trước đại dịch COVID-19, có khoảng 10 triệu lượt người Israel đi du lịch nước ngoài và sau đại dịch, khách du lịch Israel đến các thị trường đã phục hồi mạnh mẽ với khoảng 8,5 triệu lượt người Israel du lịch nước ngoài trong năm 2022. Người dân Israel có thói quen đi du lịch vào các kỳ nghỉ lễ lớn, đặc biệt có thiện cảm và ngày càng quan tâm đến Việt Nam như một điểm đến mới, hấp dẫn hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng nhận định nhu cầu du lịch của thị trường Trung Đông được dự báo tăng nhanh trong thời gian tới, dự kiến đạt 165 tỷ USD vào năm 2025 với các thị trường gửi khách hàng đầu là Saudi Arabia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.
Như vậy, quan hệ hợp tác giữa hai nước dường như không có vướng mắc, trở ngại gì đáng kể, có chăng chỉ là những tiềm năng chưa được khai phá hết.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đối với thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Israel là Israel là một đất nước thường có nhiều biến động về an ninh, chính trị, là địa bàn nhạy cảm với các xung đột và bất ổn có ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực, có thể gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp khi có ý định đầu tư sang thị trường này, buộc các doanh nghiệp luôn phải chủ động có đối sách kịp thời về các giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu và bảo đảm lợi ích kinh doanh.
Trong môi trường nhiều biến động như vậy, cơ quan đại diện ngoại giao có nhiệm vụ tạo dựng một môi trường thực sự hòa bình và ổn định để phát triển đất nước, đặc biệt là về kinh tế. Do đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel luôn đặt phương châm không ngừng quán triệt triển khai nhất quán đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, xây dựng hình ảnh Việt Nam là một người bạn tốt, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, áp dụng tinh thần không chọn bên mà chọn lẽ phải, chọn lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc làm bệ phóng để đẩy công tác ngoại giao kinh tế tiến về phía trước với một gia tốc của chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Công tác chính trị đối ngoại và ngoại giao tại địa bàn đang phản ánh tập trung và toàn diện triết lý “ngoại giao cây tre” luôn cứng cáp, rắn rỏi và mềm dẻo trước bão giông cũng như thách thức của thời cuộc.
Với phương châm như vậy, trong ngắn hạn, Đại sứ và toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán nỗ lực tập trung vào chuỗi các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tận dụng cơ hội này để tiếp tục quảng bá hình ảnh tích cực về đất nước và con người Việt Nam tại Israel. Một hình ảnh Việt Nam thân thiện sẽ là nền tảng bền vững nhất để quan hệ chính trị và kinh tế song phương tiếp tục phát triển lên tầm cao mới. Đại sứ quán cũng đang nỗ lực chuẩn bị cho chuyến thăm Israel sắp tới của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và thúc đẩy những chuyến thăm các cấp khác nhau khác giữa hai bên trong nửa cuối năm nay và năm tới để góp phần đưa quan hệ và hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ hơn cả về chất và lượng.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp và địa phương trong các hoạt động ngoại giao kinh tế tại địa bàn; nỗ lực xúc tiến để tạo ra những đột phá mới trong đơn giản hóa về thủ tục xuất nhập cảnh và các tuyến đường di chuyển giữa hai nước, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của các nhà đầu tư, doanh nhân và khách du lịch. Toàn thể cơ quan đại diện và cá nhân tôi cũng sẽ nỗ lực duy trì đà hiệu quả trong các hoạt động của một “sứ giả” về văn hóa, ẩm thực, du lịch Việt Nam tại Israel, tạo ra những hiệu ứng tích cực có sức lan tỏa lớn hơn tại địa bàn, qua đó góp phần thúc đẩy và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch giữa Việt Nam và Israel.
Về hợp tác khoa học công nghệ, tôi coi đây là ưu tiên trọng tâm trong hợp tác song phương và là một trong các trụ cột trong hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến các xu thế kinh tế mới nổi và tương thích với chiến lược phát triển của Việt Nam, bao gồm phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các lĩnh vực khác; hướng đến trong 30 năm tiếp theo của quan hệ song phương, khái niệm về một mối quan hệ đối tác chiến lược trong một lĩnh vực công nghệ cụ thể giữa hai nước có thể sớm được định hình và phát triển. Dự kiến, kỳ họp lần thứ ba của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ và các lĩnh vực khác giữa hai bên, diễn ra tại Hà Nội trong năm nay, sẽ mang đến những tín hiệu tích cực về một mối quan hệ đối tác hợp tác như vậy.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!