Quan hệ VN - Israel: Từ lịch sử chung đến tương lai phía trước
Đại sứ Nadav Eshcar nói rằng Việt Nam và Israel có một chương sử chung ít người biết, giờ hai nước cùng là những câu chuyện thành công và chia sẻ cơ hội hợp tác.
Ngày 14/5/1948, “người cha khai quốc” David Ben Gurion, khi đó là Chủ tịch Cục Sự vụ Do Thái, đã tuyên bố thành lập Nhà nước Israel. Đó là nhà nước đầu tiên của người Do Thái trong 2.000 năm, được thành lập 8 tiếng trước khi sự bảo hộ của người Anh tại Palestine kết thúc. Ngày Độc lập Israel được tính theo lịch Hebrew, vào năm nay, Ngày Độc lập rơi trúng ngày 9/5.
Đại sứ Israel tại Việt Nam, ông Nadav Eshcar có bài viết dành cho Zing.vn nhân dịp này.
Nhà nước Israel hiện đại được thành lập vào ngày 14/5 của 71 năm trước.
Giống với Việt Nam hiện đại, Israel ra đời sau một cuộc đấu tranh với các thế lực hùng mạnh. Chỉ hai năm trước khi tuyên bố Israel độc lập vào năm 1948, David Ben Gurion, “người cha khai quốc” và sau này là thủ tướng đầu tiên của chúng tôi, trong thời gian đấu tranh giành độc lập đã tới Paris theo một sứ mệnh chính trị. Như một định mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ở cùng khách sạn vào thời điểm đó.
Trong hai tuần ở Paris, hai nhà lãnh đạo gặp mặt hàng ngày và thảo luận với đầy sự đồng cảm về những thách thức của họ - của những thanh niên Việt Nam trước người Pháp và của người Israel đang cố gắng thoát khỏi sự cai trị thực dân Anh. Hai người nhận thấy điểm chung lớn trong cuộc đấu tranh của hai dân tộc và những thách thức đáng sợ họ phải đối mặt.
Đỉnh cao của sự đoàn kết này là khi Hồ Chí Minh đề xuất cho Ben Gurion thiết lập một chính phủ Israel lưu vong ở Hà Nội. Ben Gurion cảm ơn Hồ Chí Minh vì đề xuất rộng lượng này. Ông cảm thấy ngay lập tức cần thành lập một nhà nước Israel độc lập và có chủ quyền nên đã từ chối.
Chương lịch sử chung này của hai nước lại không được biết đến rộng rãi. Với tôi, nó tượng trưng cho sự gần gũi về văn hóa, xã hội và tinh thần giữa dân tộc Israel và Việt Nam, bất chấp khoảng cách lớn về địa lý giữa hai nước.
Trong 71 năm lịch sử, Israel phải chiến đấu để tồn tại và bảo vệ bản sắc của mình. Từ chỗ sống sót trong điều kiện sa mạc khắc nghiệt, đương đầu với chiến tranh, bệnh dịch và nghèo đói, Israel đặt mình thành công vào nền khoa học hiện đại, thiết lập các trường đại học tốp đầu thế giới, tạo ra một nền công nghiệp kỹ thuật tinh vi và một ngành nông nghiệp vô cùng tiên tiến. Thiết bị quốc phòng do Israel sản xuất được coi là bậc nhất thế giới trong lĩnh vực an ninh mạng.
Tất cả điều này có được là do Israel đã tạo ra thành công một xã hội sáng tạo cao độ. Tới nay, có trên 5.000 công ty khởi nghiệp với công nghệ tiên tiến đang hoạt động ở Israel và bảo đảm chất lượng công nghệ cao của đất nước trong nhiều lĩnh vực.
Một trong những nhân tố cho phép và thúc đẩy điều đó là hệ sinh thái độc nhất vô nhị gồm sự phối hợp giữa giới học viện, giới công nghiệp và chính phủ. Chính phủ tạo nhiều động lực cho các học viện và học giả để nghiên cứu và phát triển các giải pháp phục vụ cho ngành công nghiệp, để nghiên cứu của họ được thực tiễn. Chính phủ cũng đang khuyến khích giới công nghiệp tạo ra nhiều vấn đề và thách thức cho giới học viện, nhờ đó khiến các bộ óc khoa học hàng đầu phát triển ngành công nghiệp.
Nhiều người Việt Nam đang rất quan tâm tới mô hình kinh tế Israel. Do sự tương đồng giữa phẩm chất của người Israel và Việt Nam, họ nhận ra tiềm năng to lớn của Việt Nam thực hiện mô hình khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp như ở Israel.
Chính phủ Việt Nam khuyến khích sự độc lập kinh tế dựa trên công nghệ, trên cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Điều này sẽ giảm sự phụ thuộc vào các nước khác, chủ yếu là những người khổng lồ kinh tế. Như thế, rõ ràng Việt Nam rất có lợi ích trong việc hợp tác với Israel và áp dụng một số mặt của mô hình kinh tế sáng tạo của Israel.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rõ điều đó và thúc đẩy các chương trình hợp tác trong lĩnh vực này, cũng như Hiệp định Thương mại tự do giữa hai nước, điều sẽ cho phép nền kinh tế Việt Nam tiếp cận tốt hơn công nghệ Israel.
Mặt khác, Israel cũng có lợi ích rõ ràng trong việc thúc đẩy và củng cố quan hệ với Việt Nam. Việt Nam là một đất nước có địa vị quốc tế ngày càng cao, và đang trở thành một bên tham gia có ý nghĩa nhiều hơn trên trường quốc tế. Không có sự khác biệt lớn nào giữa hai nước, và nền kinh tế của hai nước bổ trợ lẫn nhau thay vì cạnh tranh nhau.
Gần đây, tôi đã gặp Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ông rất quan tâm tới việc thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước trong giáo dục. Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh với tôi rằng Việt Nam rất quan tâm tới mô hình giáo dục công nghệ của Israel dựa trên trọng tâm là các môn học STEM, tức là kết hợp học tập chuyên sâu về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán (thay vì các môn riêng lẻ).
Tôi đã chia sẻ với ông về một dự án, trong đó học sinh trung học hai nước học cùng nhau để tạo ra các con robot, phát triển sự sáng tạo, cải thiện kĩ năng và các khái niệm kỹ thuật của họ. Tôi đã đề nghị bộ trưởng xem xét khả năng Bộ Giáo dục khuyến khích sinh viên Việt Nam sang học tại các trường đại học của Israel. Ở đó, họ không chỉ được học các môn khoa học, mà còn đem về Việt Nam tinh thần sáng tạo và đổi mới, điều chúng tôi rất tự hào. Chủ đề này chắc chắn sẽ được xem xét một cách tích cực.
Ngày nay, Israel và Việt Nam chắc chắn là hai nước đại diện cho những câu chuyện thành công. Tuy thế, cả hai còn phải đối phó với những thách thức phức tạp về kinh tế, chính trị và xã hội. Israel đang đương đầu với một hiện thực khắc nghiệt về an ninh, nhiều khi phủ bóng lên những thành công. Israel mến mộ thành công công của Việt Nam khi đã đem lại hòa bình sau nhiều năm chiến tranh và khao khát học hỏi cách thức đạt được điều đó.
Chúng ta còn nhiều điều học được từ nhau. Chúng ta có nhu cầu cũng như khả năng cùng nhau tiến đến một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả, và tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được điều đó.