Quận Hoàn Kiếm đồng loạt triển khai phương án thu gom rác thải tại nguồn
Tối 1/7, đồng loạt các phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) triển khai phương án thí điểm mô hình 'Quản lý, phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn năm 2024'.
Theo đánh giá, công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong thời gian qua trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo; MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân tích cực tham gia. Qua đó nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về bảo vệ môi trường nói chung được nâng lên; hoạt động thu gom, vận chuyển đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải được tiếp tục quan tâm và có giải pháp khắc phục.
Căn cứ Phương án số 981/PA-UBND ngày 30/5/2024 của UBND quận Hoàn Kiếm về thí điểm mô hình “Quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm năm 2024”, UBND quận đã xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể, và đồng loạt ra quân tại 18/18 phường trong tối ngày đầu tiên của tháng 7/2024.
Mục tiêu của phương án nhằm hướng tới rác thải trên địa bàn quận phải được phân loại theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; công tác thu gom, vận chuyển bảo đảm triệt để ngay trong ngày, hạn chế tối đa việc ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra; bảo đảm quận Hoàn Kiếm luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Năm 2024 và những năm tiếp theo, phấn đấu 100% hộ gia đình, cá nhân, các cơ quan, tổ chức thực hiện việc phân loại rác thải theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; lượng chất thải thu hồi để tái chế, tái sử dụng hoặc chế biến chất thải hữu cơ đáp ứng yêu cầu của TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, bảo đảm 100% lượng rác thải phát sinh trong ngày trên địa bàn quận Hoàn Kiếm phải kịp thời được vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định.
Anh Trần Quang Hưng (phường Hàng Trống) cho biết, rác thải sinh hoạt hữu cơ như rau, củ quả, thức ăn thừa… được thu gom với các loại rác vô cơ khác như túi nilon, gạch đá, sành, sứ, thủy tinh, sắt vụn và các loại chất thải nguy hại sẽ là nguy cơ gây những vấn đề môi trường lớn hơn nhiều khi thu gom riêng rẽ chúng.
Vì vậy, để giảm phát thải khí từ các bãi rác chúng ta cần phải phân loại và để riêng các loại rác có thể tái chế, tái sử dụng, rác thải nguy hại, rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ khác, tránh thu gom các tất cả các loại rác thải với nhau để tránh một phần sự phát sinh khí thải hoặc sinh ra một chất ô nhiễm mới.
Ghi nhận thực tế ở các điểm thu gom rác thải tối 1/7 tại phường Phan Chu Trinh, Hàng Trống, Cửa Nam, Lý Thái Tổ, Hàng Mã... người dân được nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm cùng với cán bộ tổ dân phố hướng dẫn cụ thể cách phân loại rác thải; hiểu rõ tính chất, đặc điểm của từng loại rác cụ thể.
Tại điểm phân loại rác thải tại nguồn 27 Lê Thánh Tông (phường Phan Chu Trinh) em Nguyễn Trần Ngọc Anh đánh giá, việc phân loại rác thải tại nguồn có ý nghĩa lớn với công tác bảo vệ môi trường, trước hết là giúp làm giảm sự vất vả của các cô, các chú công nhân và vận hành của nhà máy rác.
Trước đây em và gia đình chưa chú trọng đến việc phân loại rác, thường bỏ chung vào 1 túi. Hôm nay được các cô chú hướng dẫn, nêu rõ ích lợi của việc phân loại rác, cùng với thông tin tại những điểm phân loại rác khá chi tiết và cụ thể sẽ giúp người dân ý thức và phân loại rác thải ngay trước khi vứt bỏ.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thắng - Tổ trưởng Tổ dân phố số 3 phường Phan Chu Trinh thông tin thêm, bà con Nhân dân trên địa bàn phường rất ủng hộ chủ trương thu gom rác thải tại nguồn, đây là phương án phù hợp với xu thế phát triển hiện nay giúp quận Hoàn Kiếm có được môi trường xanh, sạch, văn minh.
"Hôm nay là ngày đầu tiên thực hiện, tôi thấy có sự chuẩn bị, bố trí phù hợp. Các loại rác khác nhau được hướng dẫn để vào những thùng tách biệt. Các cô công nhân vệ sinh môi trường cũng nhiệt tình hướng dẫn người dân phân loại rác thải." - bà Nguyễn Thị Xuân Thắng chia sẻ thêm.