Quận Hoàn Kiếm: Tại sao chưa cưỡng chế công trình vi phạm?
Trong đơn gửi Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1961, hộ khẩu thường trú tại số nhà 70, phố Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) nêu: Tại số nhà 70 phố Lý Thường Kiệt, có 2 công trình lấn chiếm đất chung, xây dựng không phép. Dù tháng 12/2018, UBND quận Hoàn Kiếm đã có 2 quyết định (số 3585 và 3583) với nội dung: 'Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả' với 2 trường hợp trên nhưng 7 tháng trôi qua, ngành chức năng vẫn chưa thực hiện.
Đất đai mua bán lòng vòng
Theo đơn của bà Hồng, quyết định cưỡng chế của UBND quận Hoàn Kiếm có nhiều điểm làm sai lệch bản chất sự việc như: Bà Biển không có quyền sử dụng đất ở và nhà tại số 70 phố Lý Thường Kiệt, vì vậy bất kỳ việc xây dựng nào trong khu nhà cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Dù bà Biển không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng lại có hộ khẩu thường trú tại số nhà 70. Quyết định số 3583 (cưỡng chế với bà Châm) không rõ ràng…
Theo quan sát của chúng tôi, phía sau biệt thự số 70 phố Lý Thường Kiệt đang tồn tại một dãy bếp cũ và mấy căn nhà kiểu “hộp diêm” với diện tích rất hẹp, nhưng được xây dựng cao từ 3 đến 4 tầng. Hiện nay tại những căn nhà nói trên vẫn đang có người sinh hoạt bình thường.
Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo Phạm Sơn Hà cho biết: Trước đây, dãy nhà phía sau biệt thự (số 70 phố Lý Thường Kiệt) được sở hữu bởi ông Thanh, bà Châm, bà Bích và ông Lộc. Các hộ nói trên đã có biên bản phân chia nhau phần phụ dãy nhà gồm bể nước, bếp và nhà vệ sinh. Sau đó ông Thanh bán lại cho bà Nguyễn Thị Hồng, bà Châm bán lại cho bà Lại Thị Hằng, bà Bích bán lại cho Công ty Đầu tư xây dựng nhà Hà Nội (sau đó Công ty Đầu tư xây dựng nhà Hà Nội chuyển nhượng lại cho bà Phạm Thị Biển). Trong khi mua bán (giữa bà Hồng và ông Thanh) đã không làm rõ diện tích bể nước (phần ông Thanh được chia) nên ông Thanh đã xây một gian bếp (lợp fibroximăng) khoảng 7,3m2 và bán tiếp cho ông Hoàng Văn Bạo.
Khiếu kiện kéo dài…
Ông Phạm Sơn Hà cũng cho biết, khi gia đình bà Hồng xây nhà đã lấn ra khoảng không và gộp luôn diện tích căn bếp (ông Thanh đã bán cho ông Bạo), nên đã phát sinh khiếu kiện. Ông Bạo cũng nhiều lần khiếu kiện đòi lại và vụ việc cho đến nay vẫn chưa có hồi kết. Sau đó, UBND TP đã có quyết định đưa diện tích 7,3m2 ra khỏi sổ đỏ, nhưng bà Hồng không chấp hành. Tháng 8/2017, chính quyền đã cưỡng chế với phần xây dựng lấn chiếm của bà Hồng.
Gia đình bà Hằng và bà Hồng đã xảy ra xô xát. Bà Hằng gây thương tích cho bà Hồng và bị tòa tuyên án 2 năm tù. Sau đó bà Hồng lại kiện bà Hằng xây dựng lấn chiếm đất công, nhưng thực chất bà Hằng chỉ là người nhận chuyển nhượng nhà, người vi phạm là bà Châm (chị gái bà Hằng) và hành vi vi phạm là xây quá phép (giấy phép 2 tầng, xây 4 tầng) trên diện tích 22m2 (trong đó đất được cấp sổ đỏ là 13,7m2, số còn lại là diện tích vệ sinh và bếp được phân chia từ trước).
Về phía bà Phạm Thị Biển, sau khi nhận chuyển nhượng từ Công ty Đầu tư xây dựng nhà, năm 2012 gia đình bà Biển cũng đã xây dựng một ngôi nhà (3 tầng, 1 tum) không phép. "Như vậy, hiện tại ở số 70 phố Lý Thường Kiệt đang tồn tại 2 ngôi nhà xây dựng sai phép và không phép" - ông Phạm Sơn Hà cho biết tiếp.
Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành quyết định cưỡng chế, khắc phục hậu quả từ 2018, nhưng đến nay quyết định trên chưa được thực thi, ông Phạm Sơn Hà lý giải: Do bà Hồng không đồng ý với một số nội dung trong quyết định, vì vậy UBND quận đang xem xét để điều chỉnh. Và nếu có cưỡng chế cũng phải có sự chuẩn bị về máy móc, trang thiết bị và con người.
Để giữ nghiêm kỷ cương về xây dựng, tránh khiếu kiện kéo dài, đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Trần Hưng Đạo và các ngành chức năng sớm có biện pháp cưỡng chế các công trình vi phạm tại số nhà 70, phố Lý Thường Kiệt