Quán karaoke bị cháy ở Bình Dương có lối thoát hiểm không đạt chuẩn
Nhà thiết kế thi công quán karaoke cho rằng mặt sàn khoảng 1.500 m2 gồm 3 tầng với 29 phòng hát mà chỉ có 2 đường thoát hiểm là không hợp lý và không đạt chuẩn.
"Tôi vào 2 phút là phải bỏ ra, chịu không nổi. Nguồn nhiệt nóng, toàn bộ là mút xốp rồi cao su, gỗ cháy âm ỉ từ trên trần, vách cách âm… tạo nên nguồn nhiệt âm ỉ", đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, chia sẻ với Zing về quá trình tiếp cận hiện trường vụ cháy quán karaoke An Phú (TP Thuận An, Bình Dương).
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương báo cáo nguyên nhân ban đầu của vụ hỏa hoạn có thể do chập điện sinh lửa bén vào vách cách âm của quán và lan rộng.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Anh Thắng, giám đốc một công ty có kinh nghiệm 15 năm thiết kế thi công nội thất phòng hát karaoke, lý giải vách cách âm nằm trong tường nên khó phát hiện cháy sớm và gần như không thể dập tắt bằng công cụ sẵn có như bình cứu hỏa.
“Hạng mục cách âm chiếm phần lớn trong một công trình quán karaoke. Nguyên tắc là không được đưa bất kỳ vật liệu dễ cháy để làm vách cách âm”, ông Thắng nói.
Vật liệu dễ cháy
Theo mô tả của công an về đệm mút, xốp rồi cao su cháy âm ỉ từ vách cách âm ở quán karaoke, ông Thắng cho biết đây đều là vật liệu dễ cháy và thực chất chúng không cách âm hiệu quả.
Để tăng hiệu quả cách âm thì chủ đầu tư có thể dùng nhiều lớp ép vào nhau, tuy nhiên nếu ép không chặt thì sẽ dẫn khí oxy vào rất dễ dẫn cháy.
Theo nhà thi công phòng karaoke, tiêu chuẩn cách âm là phải dùng vật liệu chống cháy đồng thời cách âm được như bông thủy tinh, rockwool (gồm tôn, giấy bạc chuyên dụng) hoặc phun PU Foam; cấu tạo chất trong những vật liệu này có thể triệt tiêu oxy tránh dẫn cháy. Đồng thời để ngăn oxy dẫn cháy thì các lớp vật liệu cách âm phải được nén kín tránh không khí lọt vào.
"Tất nhiên những vật liệu tôi liệt kê có giá thành đắt hơn nhiều so với mút, xốp, cao su... Song, nếu quán karaoke nào cũng đồng bộ sử dụng nguyên vật liệu đủ chất lượng thì nếu có sự cố cũng hạn chế hơn nhiều", ông Nguyễn Anh Thắng khẳng định.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm phòng hát karaoke toàn quốc, vị giám đốc này nêu lên thực trạng không ít chủ đầu tư, chủ quán karaoke để "tiết kiệm" chi phí đã chọn vật liệu "rẻ tiền" hơn để thi công.
Hiện nay các quán karaoke lạm dụng quá nhiều đèn LED trong màn hình, trang trí, biển quảng cáo, đây là một thiết bị điện có thể phát sinh cháy nổ.
Ông Nguyễn Anh Thắng
Nói thêm về yếu tố kỹ thuật, ông Thắng đề cập đến hệ thống dây điện phải có tiết diện phù hợp để tránh quá tải điện gây chập dẫn đến cháy. Để hạn chế dẫn cháy, nhà thi công phải dùng ống gen chống cháy là vật liệu quan trọng để bọc các đường dây điện. Chuyên gia lý giải cơ chế hoạt động của loại ống này là sẽ tự bó hẹp sát đường dây khi phát sinh nhiệt do chập cháy, ngăn không khí tràn vào dễ lan cháy.
Ông Nguyễn Anh Thắng khuyến cáo các thiết bị điện sử dụng sau khoảng 2-4 năm cần được kiểm tra, bảo trì, sửa chữa. Với tần suất hoạt động điện tải lớn và liên tục ở nhiều quán karaoke, việc xảy ra sự cố cháy do điện là dễ hiểu, chưa nói đến chủ quán tiết kiệm sử dụng thiết bị điện chất lượng thấp.
“Cách đây 6-7 năm trở về trước, số vụ cháy quán karaoke hầu như không đáng kể và xảy ra liên tục như năm nay. Khi ấy các quán karaoke thường thiết kế đơn giản hơn, ít bảng biển hiệu đèn đóm lung linh như bây giờ”, ông Thắng nói thêm.
"Không lối thoát"
Theo ghi nhận của Zing, quán karaoke An Phú có ít nhất 2 lối thoát hiểm, một là đi lên sân thượng, hai là xuống mặt đất. Tuy nhiên, có nhiều chi tiết được xây dựng một cách không bình thường.
Toàn bộ sân thượng của quán có dấu hiệu cơi nới, lợp kín bằng tôn. Quán có rất ít cửa sổ, đặc biệt một số cửa sổ bị bịt kín bằng tường gạch xây phía trong. Một bên hông của tòa nhà không có cửa sổ và cầu thang thoát hiểm. Lực lượng PCCC phải đục tường để tiếp cận hiện trường bên trong.
"Vì bị bịt kín phía nóc tòa nhà nên khi phun nước vào khói cứ bay theo đường thoát lên cuộn vào, rồi lên trên, không dập tàn được ngay. Chỉ khi huy động tối đa lực lượng đục tường thông khói ra, dỡ mái nhà, bớt nhiệt thì mới dùng nước phun từ dưới lên, khói tỏa 2 bên và tiếp cận giải cứu được nạn nhân", Giám đốc Công an Bình Dương kể lại.
Về góc độ của nhà thi công, ông Thắng cho rằng chủ đầu tư quán karaoke An Phú đã tắc trách khi không bố trí lối thoát hiểm phù hợp với quy mô quán. Với mặt sàn khoảng 1.500 m2 gồm tầng trệt, 2 lầu và sân thượng với 29 phòng hát, mà chỉ có 2 đường thoát hiểm, không hợp lý và không đạt chuẩn.
Lối thoát hiểm tốt nhất nên ở trung tâm tòa nhà.
Ông Nguyễn Anh Thắng
Với công trình tập trung đông người, tòa nhà phải có buồng thang thoát hiểm riêng, thông thoáng để khi xảy ra cháy thì có không khí cho người thoát hiểm đồng thời thoát khói nhanh; phải có bơm tăng áp chữa cháy. Quán karaoke An Phú đều không có.
"Nhiều quán karaoke thiết kế lối thoát hiểm ở một bên hoặc phía sau tòa nhà, nếu nhiều phòng hát, những người ở phòng xa cầu thang hơn sẽ khó tìm và chạy đến lối thoát hiểm. Thang thoát hiểm tốt nhất nên ở trung tâm tòa nhà", nhà thi công nhận định.
Mặt khác, về việc tòa nhà ít cửa sổ, chuyên gia cho biết đây là đặc điểm chung của nhiều quán karaoke hiện nay. Khi bịt kín thành một khối sẽ giảm chi phí thi công vật liệu cách âm và một số công đoạn kỹ thuật khác.
Trong buổi họp báo sáng 8/9, Đại tá Võ Thanh Điệp, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết về công tác PCCC, cơ sở karaoke này được TP Thuận An quản lý và nghiệm thu theo đúng quy định.
Vụ cháy quán karaoke An Phú (tỉnh Bình Dương) ngày 7/9 đã khiến 32 người tử vong. Ngày 1/8, hỏa hoạn ở quán karaoke ISIS (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát đã hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy. Cuối năm 2016, cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Hà Nội) khiến 13 người thiệt mạng. Ngoài ra còn hàng loạt vụ cháy quán karaoke lớn nhỏ khác trên toàn quốc xảy ra trong những năm qua.
Thực tế cho thấy quán karaoke hiện nay là loại công trình có nguy cơ hỏa hoạn cao, tiềm ẩn thiệt hại về người và tài sản lớn.