Quân khu 4 huy động lực lượng ứng phó lũ lụt tại tỉnh Nghệ An
Sáng 23-7, khu vực phía Tây tỉnh Nghệ An đã tạnh mưa, trời hửng nắng, tuy nhiên, do lưu lượng nước từ thượng nguồn vẫn tiếp tục đổ về, thủy điện Bản Vẽ xả lũ, khiến nước ở hạ lưu vẫn tiếp tục dâng cao, chưa có dấu hiệu rút.

Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo các đơn vị ứng phó với lũ lụt tại xã Con Cuông (Nghệ An).
Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 đã đến xã Con Cuông (Nghệ An) nắm tình hình và chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác ứng phó. LLVT Quân khu 4 đang tích cực bám sát địa bàn, huy động lực lượng giúp dân ứng phó lũ lụt.
Trước đó, tối 22-7, trước nguy cơ lũ lớn đổ về, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành thông báo khẩn về việc Thủy điện Bản Vẽ-công trình thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ tiến hành điều tiết hồ chứa với lưu lượng xả rất lớn.
Theo báo cáo, vào lúc 21 giờ ngày 22-7, lưu lượng nước đổ về thượng lưu hồ Thủy điện Bản Vẽ đạt mức 9.543m³/s, gần chạm ngưỡng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500m³/s, tương đương tần suất lũ 0,02%. Trước áp lực lũ về quá nhanh, hồ Bản Vẽ đã buộc phải xả lũ với lưu lượng ban đầu là 1.727m³/s và tiếp tục tăng nhanh trong đêm. Việc xả lũ với lưu lượng lớn khiến mực nước sông Nậm Nơn và các nhánh sông phụ dâng nhanh, gây ngập sâu, chia cắt hàng loạt địa bàn hạ du thuộc các xã Mường Xén, Tương Dương, Con Cuông, Nhôn Mai, Mỹ Lý, Châu Bình, Châu Hồng...
Trước tình hình khẩn cấp, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo các đơn vị chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương bám sát địa bàn, ứng trực 24/24. Trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo ứng phó lũ lụt tại xã Con Cuông (Nghệ An), Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu các đơn vị khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng địa phương đảm bảo an toàn giao thông, tập trung khắc phục sạt lở, thông tuyến, đặc biệt là trên tuyến Quốc lộ 7. Ngay sau khi giao thông được khơi thông, các đơn vị phải sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống phát sinh; chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị đến các khu vực trọng điểm, xung yếu. Mục tiêu là hỗ trợ kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn và giúp đỡ người dân đang bị chia cắt, cô lập do nước lũ.
Trung tướng Hà Thọ Bình nhấn mạnh: Sau khi các tuyến đường được khắc phục, phải huy động tối đa lực lượng và phương tiện cơ động như xuồng, ca nô… để tiếp cận, hỗ trợ người dân vùng lũ. Việc nắm chắc tình hình, xác định đúng khu vực cần ưu tiên hỗ trợ, triển khai hiệu quả lực lượng là yêu cầu hàng đầu. Trong đó, ưu tiên cấp thiết là cung cấp lương thực, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết, bảo đảm không để người dân vùng lũ bị thiếu đói, khát hoặc rơi vào tình thế nguy hiểm.

Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan Quân khu 4 và Bộ CHQS tỉnh Nghệ An bàn phương án ứng phó lũ lụt tại xã Con Cuông.

Lực lượng dân quân xã Nhôn Mai (Nghệ An) sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Thượng tá Nguyễn Trọng Đức, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện nay, tại hướng Tây Nghệ An, đặc biệt là khu vực Ban chỉ huy Phòng thủ khu vực (PTKV) 4-Tương Dương, toàn bộ dân cư của nhiều xã, bản đã bị chia cắt hoàn toàn, hệ thống giao thông bị cô lập. Chúng tôi đã chỉ đạo sử dụng toàn bộ lực lượng tại chỗ gồm 80 cán bộ, chiến sĩ; 2 ca nô chuyên dụng và 90 dân quân cơ động từ các xã để khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả ban đầu, di dời người dân đến nơi an toàn”.
Nước lên quá nhanh khiến người dân các bản làng không kịp trở tay. Nhiều hộ chỉ kịp bồng bế nhau chạy lên vùng cao thoát thân trong đêm tối, để lại phía sau toàn bộ tài sản, nhà cửa. Đặc biệt, tại các xã Con Cuông, Mường Xén, Nhôn Mai và Mỹ Lý, nước ngập sâu đã khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập. Trước tình hình đó, các lực lượng vũ trang tại chỗ gồm bộ đội thường trực, dân quân tự vệ và các lực lượng cứu hộ địa phương đã triển khai lực lượng khẩn cấp để di dời người dân, tài sản, đồng thời hỗ trợ các địa phương sơ tán những hộ dân ở vùng trũng thấp, ven sông suối đến nơi an toàn.



Nước lũ dâng cao tại địa bàn xã Tương Dương.
Song song với công tác cứu hộ dân thường, LLVT trên địa bàn cũng tích cực hỗ trợ các cơ quan, đơn vị di dời tài sản quan trọng, như hồ sơ tài liệu, trang thiết bị tại các trung tâm hành chính công, ngân hàng, trường học, trạm y tế... nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do nước lũ gây ra.
Thượng tá Lô Thanh Như, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy PTKV 4-Tương Dương cho biết thêm: “Đêm 22-7, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cứu hộ, cứu nạn ở ba hướng chính các xã Mường Xén, Tương Dương và Con Cuông. Dù một số xã sau sáp nhập vẫn chưa kiện toàn tổ chức dân quân chính thức, nhưng gần 300 dân quân tại chỗ của 27 xã cũ đều đồng lòng tham gia hỗ trợ sơ tán người dân, vận chuyển tài sản, dựng lán trại tạm thời tại các điểm cao”.

Lực lượng dân quân xã Châu Hồng tiếp tục giúp dân khắc phục sạt lở do mưa lũ.

Tại xã Châu Bình, tỉnh Nghệ An, nước lũ ngập lụt chia cắt tại cầu Kẻ Khoang, Ban chỉ huy PTKV 3-Quỳ Châu đã cử lực lượng, phương tiện xuồng máy giúp nhân dân qua lại an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy PTKV 3-Quỳ Châu giúp dân vận chuyển, di dời tài sản.
Đến trưa 23-7, lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương bám sát thực địa, khoanh vùng nguy cơ và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Sau khi nước rút, giao thông được khôi phục, sẽ tổ chức tổng lực kiểm tra thiệt hại, điều động thêm lực lượng, phương tiện giúp người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.