'Quân khu 4 - Tiền tuyến kiên cường, hậu phương vững chắc'
Đó là chủ đề Hội thảo khoa học do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Quân khu 4 tổ chức sáng 3-4, tại TP Vinh (Nghệ An). Hội thảo nhằm làm sâu sắc hơn vai trò của quân và dân Quân khu 4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, phát huy giá trị bài học lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là hoạt động thiết thực trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đoàn chủ tịch hội thảo gồm các đồng chí: Trung tướng Trần Võ Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4; Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND). Dự hội thảo có Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cùng các đồng chí tướng lĩnh, anh hùng LLVT nhân dân và nhân chứng lịch sử; đại biểu lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 4; lãnh đạo Quân khu 4 và các quân chủng, quân đoàn, binh chủng, binh đoàn; đại biểu các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong và ngoài Quân đội; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đông đảo cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4, thế hệ trẻ trên địa bàn.
Vị trí chiến lược, sứ mệnh lịch sử của Quân khu 4
Nhắc đến Khu 4, trong mỗi chúng ta dễ hình dung về một dải đất hẹp, khắc nghiệt mà nên thơ, với một bên là Trường Sơn uy nghiêm, một bên là biển xanh, cát trắng. Cùng với đó là những con người nhỏ bé kiên cường, đời đời vươn lên trong nắng gió, vượt qua gian lao thử thách, kiên gan, bền chí, quật cường, mưu trí, sáng tạo, không tiếc máu xương gìn giữ quê hương, đất nước. Nhắc đến Khu 4 trong thời đại Hồ Chí Minh là nhắc đến một vùng "địa linh nhân kiệt", nơi ươm mầm của nhiều phong trào cách mạng, nơi kẻ thù quyết tâm hủy diệt từng nhành cây, ngọn cỏ và cũng là nơi chúng ta quyết tâm thể hiện tinh thần, ý chí của toàn dân tộc: Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Gợi mở những vấn đề thảo luận tại hội thảo, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ đề nghị các tham luận và ý kiến phát biểu tập trung làm rõ vai trò chiến lược của Quân khu 4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; phân tích vị trí địa lý, chính trị, quân sự của Quân khu 4-địa bàn trọng yếu, vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương; làm rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với Quân khu 4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; rút ra những bài học kinh nghiệm, vận dụng trong giai đoạn hiện nay về tổ chức lực lượng, chỉ huy tác chiến, xây dựng LLVT Quân khu 4 trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: TUẤN HUY
Là vùng đất giữ vị trí chiến lược hết sức quan trọng, cầu nối giữa hai miền Nam-Bắc, phía Tây tiếp giáp với nước bạn Lào, phía Đông giáp Biển Đông, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân khu 4 đã trở thành tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Tầm nhìn sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh được thấy rõ qua tham luận của GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương và PGS, TS Cao Văn Trọng, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương, với chủ đề “Xây dựng hậu phương Quân khu 4-Tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
Cùng với xây dựng hậu phương Quân khu 4, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương kịp thời đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng tạo, phát huy sức mạnh thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn Quân khu 4. Quan điểm này được thể hiện qua các tham luận của Trung tướng, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng; Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Văn Phai, Phó giám đốc Học viện Chính trị; Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam... Các tham luận đều thống nhất khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân Quân khu 4 đã phát huy truyền thống cách mạng, kiên trì bám trụ, vừa chiến đấu, vừa sản xuất, vừa chi viện tối đa cho tiền tuyến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, toàn Quân khu đã huy động hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm, hàng chục vạn lượt thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; hàng vạn con em ưu tú đã lên đường chiến đấu và rất nhiều người con của quê hương đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Quân khu 4, Trung tướng Trần Võ Dũng phân tích trong tham luận của mình: Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng bộ Quân khu 4 luôn quán triệt sâu sắc và chấp hành triệt để đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, nhiệm vụ cách mạng; đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của địch và xác định nhiệm vụ cho LLVT Quân khu cũng như từng địa phương, đơn vị sát với yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng. Trước yêu cầu lịch sử đòi hỏi “một quân khu đầu cầu, 3 mặt đều có thể bị địch khiêu khích”, Quân khu ủy đã tổ chức hội nghị mở rộng, triển khai 5 nhiệm vụ công tác lớn: Tăng cường phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu trong các đơn vị chủ lực và lực lượng hậu bị, chủ động đối phó với mọi tình huống; chấn chỉnh biên chế, tăng cường huấn luyện chiến đấu cho lực lượng thường trực phù hợp yêu cầu sẵn sàng chiến đấu của Quân khu; đẩy mạnh huấn luyện kỹ thuật, nâng cao chất lượng hậu bị, sẵn sàng kế hoạch động viên thời chiến; tăng cường công tác bảo đảm vật chất phục vụ yêu cầu phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu; phát huy vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng.
Các tham luận gửi về hội thảo đã làm rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong xây dựng LLVT Quân khu 4 vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh nhân dân. Trước sự đánh phá khốc liệt của đế quốc Mỹ, LLVT Quân khu 4 đã tổ chức phòng thủ vững chắc, bảo vệ hậu phương miền Bắc; đồng thời tích cực đánh địch, bảo đảm cho tuyến chi viện chiến lược được thông suốt. Các đơn vị phòng không, pháo binh, bộ binh, dân quân tự vệ của Quân khu 4 đã lập nên nhiều chiến công vang dội, bắn rơi hàng nghìn máy bay địch, bảo vệ an toàn các tuyến đường huyết mạch chi viện cho các chiến trường.
“Cánh cửa thép” giữa hai miền
Trong không khí sôi nổi của hội thảo, trò chuyện cùng thế hệ trẻ, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Thọ Truật, nguyên phóng viên Báo QĐND xúc động nhớ lại những năm tháng hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Ông được mệnh danh là "xạ thủ số 1" của Tiểu đoàn Súng máy cao xạ 12,7mm thuộc Tỉnh đội Nghệ An, chiến đấu tại Mặt trận Tây Nam Trị Thiên-Huế trong đội hình Sư đoàn 324, với thành tích trực tiếp bắn rơi 37 máy bay địch. Đặc biệt, trong trận đánh trên đỉnh dãy Cô Pung (tháng 7-1970), ông cùng đồng đội đã tiêu diệt 24 máy bay địch. Trước câu hỏi tò mò của bạn trẻ: “Bác làm như thế nào để bắn hạ được nhiều máy bay địch như vậy?”, Đại tá Đặng Thọ Truật nhẹ nhàng: “Để đánh thắng địch, phải mưu trí, sáng tạo, nhưng quan trọng nhất là người chiến sĩ phải gan dạ, dũng cảm, không chùn bước trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù”. Chia sẻ của người anh hùng kinh qua trận mạc đã khơi dậy lòng biết ơn, tự hào dân tộc, truyền ngọn lửa ý chí và tinh thần bất khuất đến thế hệ trẻ.
Tại hội thảo, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Hữu Bào, nguyên chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 chia sẻ kỷ niệm về trận đánh cùng đơn vị chốt giữ cao điểm 595, tiêu diệt 205 tên địch. Riêng đồng chí Trần Hữu Bào tiêu diệt 78 tên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chặn đường tiếp tế và hạn chế máy bay vận tải của địch xuống sân bay Tà Cơn. Anh hùng Đặng Thọ Truật và Anh hùng Trần Hữu Bào là những chiến sĩ dũng cảm trên chiến trường và cũng là những nhân chứng lịch sử sống động, đại diện cho lòng yêu nước, phẩm chất kiên trung, gan dạ, quả cảm của những người con của Khu 4.
Tham luận của Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin, nguyên Tổng biên tập Báo QĐND, nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4 chia sẻ câu chuyện sinh động của quân và dân tỉnh Quảng Bình trong những ngày kháng chiến chống Mỹ. Tham luận của các đồng chí: Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Huế; Nguyễn Duy Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Đại tá, PGS, TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự (nay là Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam); Đại tá Đinh Bạt Văn, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Nghệ An... đã phân tích và thống nhất nhận định Quân khu 4 là một mặt trận nóng bỏng, gánh trên vai cả nhiệm vụ tiền tuyến và hậu phương. Quân và dân các địa phương Quân khu 4 là “cánh cửa thép”, đã kiên cường đánh trả nhiều cuộc tập kích phá hoại của địch, bảo vệ vững chắc hậu phương và làm tròn nghĩa vụ huy động sức người, sức của chi viện cho các chiến trường.
Hội thảo cũng làm rõ những bài học nghệ thuật quân sự đặc sắc trong chiến tranh nhân dân. Đó là nghệ thuật kết hợp tiến công và phòng ngự, tạo thế trận liên hoàn giữa quân chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích. Những trận đánh tại Vĩnh Linh, Đường 9-Nam Lào, Khe Sanh, Thành cổ Quảng Trị, cùng các trận địa phòng không bảo vệ các tuyến đường chiến lược đã khẳng định vai trò to lớn của Quân khu 4 trong thế trận chung của cả nước. Ngay trong điều kiện bị địch đánh phá ác liệt, Quân khu 4 vẫn giữ vững thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, tổ chức lực lượng phòng không 3 thứ quân, thực hiện chiến thuật “bám thắt lưng địch mà đánh”, vừa chiến đấu bảo vệ địa bàn, vừa chủ động tiến công tiêu diệt địch, làm thất bại các âm mưu chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Vận dụng bài học trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tham luận của các đồng chí: Thiếu tướng Lê Hồng Nhân, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4; Thiếu tướng Trịnh Văn Hùng, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4... đã làm rõ sự kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong thời kỳ mới. Trong đó, Quân khu 4 cần được nghiên cứu, điều chỉnh hợp lý, đáp ứng nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, hòa nhập với sự phát triển chung của đất nước.
Các tham luận gửi về hội thảo cũng chỉ ra rằng, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học-công nghệ và những thách thức an ninh phi truyền thống, Quân khu 4 cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tác chiến điện tử, xây dựng LLVT thích ứng với chiến tranh hiện đại. Tham luận của Thiếu tướng Đỗ Đình Thanh, Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp nêu những kinh nghiệm trong tác chiến phòng thủ hiện nay; tham luận của Thiếu tướng Tống Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam chỉ ra những bài học về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 hiện nay; Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam luận giải những kinh nghiệm bảo đảm giao thông trên địa bàn Quân khu 4 trong kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc hiện nay...
Từ những bài học rút ra, hội thảo nhấn mạnh trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc phát huy truyền thống anh hùng của quân và dân Quân khu 4, xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Tham luận của các đồng chí lãnh đạo 6 tỉnh trên địa bàn đã rút ra những bài học về phát huy sức mạnh toàn dân; xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến, phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí quật cường của quân và dân Khu 4. Những giá trị lịch sử, truyền thống ấy là tài sản quý báu, mang ý nghĩa sâu sắc cho hiện tại và tương lai.
Kết luận hội thảo, Trung tướng Trần Võ Dũng nhấn mạnh: Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra về vai trò của Quân khu 4 đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; cung cấp thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, bài học quý báu và những định hướng chiến lược để tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của quân, dân Quân khu 4 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.