Quân khu 7: Lấy hiệu quả từ cơ sở để củng cố, phát triển, nhân rộng

Sau nhiều năm triển khai thí điểm các mô hình công tác quốc phòng địa phương (QPĐP), dân quân tự vệ (DQTV), Quân khu 7 đã cho ra những 'đáp số' thuyết phục.

Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị toàn quân tham quan, tổng kết các mô hình thí điểm. Nhiều bài học kinh nghiệm quý được rút ra từ thực tiễn. Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7 xung quanh vấn đề này...

Các mô hình ra đời từ thực tiễn cơ sở

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, từ ý tưởng nào Quân khu 7 triển khai xây dựng các mô hình về công tác QPĐP, DQTV?

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng: Ý tưởng trước hết là xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ đặt ra từ thực tiễn ở cơ sở. Quân khu 7 là địa bàn chiến lược trọng điểm ở phía Nam và cả nước, đặc điểm địa hình hỗn hợp, có cao nguyên, biên giới, đồng bằng, đô thị và biển, đảo. Đặc điểm dân cư đa dạng, đa dân tộc, đa tôn giáo. Tốc độ đô thị hóa nhanh, là vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp khoảng 45% nguồn thu ngân sách quốc gia. Hiện địa bàn Quân khu có 130 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX); 63 cụm công nghiệp với hơn 171.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Đây cũng là khu vực các thế lực thù địch tập trung chống phá quyết liệt bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt. Những thách thức phi truyền thống như ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, tệ nạn xã hội... diễn biến ngày càng phức tạp.

Lực lượng Dân quân thường trực Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh huấn luyện xử lý các tình huống chiến đấu. Ảnh: TRUNG TRỰC

Lực lượng Dân quân thường trực Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh huấn luyện xử lý các tình huống chiến đấu. Ảnh: TRUNG TRỰC

Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải củng cố vững chắc công tác quân sự, QPĐP ngay từ cơ sở. Quân khu 7 đã nghiên cứu, đề xuất ý tưởng và được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhất trí, giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức thí điểm các mô hình. Quân khu 7 đã quy hoạch, triển khai xây dựng những mô hình thí điểm dựa trên 4 khu vực địa bàn: Địa bàn biên giới; địa bàn đồng bào dân tộc, tôn giáo; địa bàn KCN, KCX và địa bàn biển, đảo... Sau nhiều năm triển khai thực hiện, các mô hình đã chứng minh hướng đi đúng, đạt hiệu quả thiết thực.

PV: Đồng chí nói cụ thể hơn về các mô hình đã triển khai?

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng: Trên cơ sở đặc thù của 4 khu vực địa bàn nói trên, Quân khu 7 đã triển khai các mô hình phù hợp với đặc thù, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra từ thực tiễn. Địa bàn biên giới là mô hình “Xây dựng chốt chiến đấu của dân quân thường trực biên giới đất liền”. Xuất phát từ thực trạng khoảng cách giữa các đồn, trạm biên phòng trên tuyến biên giới khá xa, nên việc tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở các chốt đã có từ trước, Bộ tư lệnh Quân khu 7 và Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng thống nhất báo cáo và được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cho phép; Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7 và thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy đã trao đổi, thống nhất triển khai xây dựng chốt chiến đấu dân quân thường trực xen kẽ giữa các đồn, trạm biên phòng. Toàn tuyến biên giới thuộc địa bàn Quân khu 7 được triển khai xây dựng chốt dân quân, trung bình mỗi xã biên giới có 1-2 chốt.

Từ mô hình này, Quân khu 7 đã triển khai xây dựng mô hình “Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và đồn, trạm biên phòng”. Đến nay đã quy hoạch được 53 điểm dân cư với hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, dịch vụ đời sống... tương đối đồng bộ, bố trí dân đến định cư, từng bước ổn định cuộc sống.

Ở địa bàn dân tộc, tôn giáo, Quân khu triển khai mô hình “Lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu gắn kết thân thiện, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc, tôn giáo”. Địa bàn Quân khu 7 có hơn 1,4 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung nhiều nhất ở Bình Phước, Lâm Đồng và hơn 10 triệu tín đồ của 15 tôn giáo, tập trung nhiều nhất ở Đồng Nai, Tây Ninh.

Triển khai mô hình này, những năm qua, Quân khu 7 đã xây tặng 1.156 căn nhà “Tình nghĩa quân dân”, tổng trị giá 92,48 tỷ đồng; 109 công trình văn hóa, thể dục-thể thao, trị giá hơn 36 tỷ đồng... Cùng với đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền, những công trình này là chất liệu gắn kết, thắt chặt mối quan hệ quân dân.

Mô hình “Xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện ngay từ cơ sở” được triển khai ở tất cả địa phương với 4 nội dung chủ yếu: Xây dựng chi bộ quân sự cấp xã; xây dựng trụ sở làm việc của ban CHQS cấp xã đạt chuẩn; xây dựng hình ảnh đẹp DQTV; dân quân giúp đỡ, vận động và nắm tình hình trong nhân dân.

Đến nay, 100% địa phương đã có chi bộ quân sự cấp xã và trụ sở ban CHQS xã. Địa bàn KCN, KCX được triển khai xây dựng lực lượng dân quân thường trực trong KCN, tự vệ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng... Địa bàn biển, đảo có mô hình “Hải đội dân quân thường trực” được triển khai tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sắp tới sẽ triển khai tại TP Hồ Chí Minh và Bình Thuận...

Vận dụng sáng tạo, không áp dụng máy móc

PV: Thực tế hoạt động của các mô hình này đặt ra những vấn đề gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng: Hiệu quả của các mô hình đã được chứng minh sinh động từ thực tiễn ở cơ sở. Ở tầm vĩ mô có thể thấy việc củng cố vững chắc công tác QPĐP, DQTV ngay từ cơ sở sẽ tạo thế trận chủ động, tiềm lực tại chỗ để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các vấn đề, tình huống về quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, việc gần dân, bám dân, nắm dân, tạo chỗ dựa vững chắc cho dân trong mọi hoàn cảnh; huy động hiệu quả sức dân cho các chương trình hành động cách mạng, phục vụ sự nghiệp chung.

Dưới góc nhìn cụ thể, càng thấy rõ hơn tính hiệu quả của các mô hình thông qua những nhiệm vụ, chương trình công tác, tình huống nảy sinh. Chẳng hạn, trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 năm 2021 với tinh thần “Chống dịch cứu dân”, LLVT ở cơ sở đã làm rất tốt vai trò bám dân, nắm dân, giúp đỡ dân, hỗ trợ các lực lượng chống dịch. Một số vụ công nhân nghỉ việc tập thể ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, để tránh công nhân bị kích động, lôi kéo bởi các phần tử xấu, lực lượng DQTV tại chỗ đã phối hợp với tổ chức công đoàn nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động, xử lý các mâu thuẫn hiệu quả. Hay các tình huống thiên tai, lũ lụt, như các vụ sạt lở đất ở Lâm Đồng mới đây chẳng hạn, lực lượng dân quân thường trực của địa phương được huy động nhanh chóng để phối hợp cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả.

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng. Ảnh: TÙNG SƠN

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng. Ảnh: TÙNG SƠN

Trên địa bàn tuyến biên giới, các mô hình chốt dân quân, điểm dân cư đã và đang tạo cơ sở, tiềm lực ban đầu để chúng ta mở rộng, phát triển thành các khu dân cư trong tương lai gần, xóa các “vùng trắng” về dân cư ở biên giới. Trên hướng biển, đảo, sự có mặt của hải đội dân quân giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, vừa khai thác hải sản, vừa tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc... Thực tế hoạt động cho thấy, các mô hình cần tiếp tục được củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả. Các mô hình ra đời từ đòi hỏi nhiệm vụ ở cơ sở. Chúng ta phải lấy hiệu quả từ cơ sở làm căn cứ, thước đo để tiếp tục củng cố, phát triển mô hình. Đó là phương pháp biện chứng.

PV: Qua trao đổi với một số đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, thành phố, chúng tôi ghi nhận ý kiến rằng, để làm được như Quân khu 7 đòi hỏi phải có tiềm lực kinh tế. Trong lúc ở nhiều địa phương, vấn đề này còn nhiều khó khăn?

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng: Ngay cả địa bàn Quân khu 7 cũng có nhiều địa phương khó khăn về kinh tế. Để giải quyết vấn đề này, Quân khu 7 đã triển khai mô hình “Địa phương, đơn vị phía sau hỗ trợ cho địa phương, đơn vị phía trước” và được các địa phương đồng thuận, ủng hộ. Các tỉnh biên giới: Bình Phước, Tây Ninh, Long An còn nhiều khó khăn, đã được TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu... hỗ trợ gần 200 tỷ đồng. Cùng với đó, Quân khu đã huy động có hiệu quả sự ủng hộ của các doanh nghiệp được 54,5 tỷ đồng để các tỉnh biên giới xây dựng 63/65 chốt dân quân, 51 điểm dân cư với 397 căn nhà liền kề...

Qua thực tiễn triển khai các mô hình, chúng tôi thấy, sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định thành công. Sự vận dụng ở đây là phương pháp, cách làm, áp dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ ở từng khu vực, từng địa bàn, chứ không phải áp dụng một cách máy móc.

Từ những “đáp số” của các mô hình thí điểm, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã kiến nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo công tác nghiên cứu để luật hóa một số nội dung về công tác QPĐP, DQTV. Khi có các quy định của pháp luật về vấn đề này, việc triển khai các mô hình, kế hoạch, chương trình... sẽ thuận lợi hơn nhiều.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PHAN TÙNG SƠN (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quan-khu-7-lay-hieu-qua-tu-co-so-de-cung-co-phat-trien-nhan-rong-737589