Quân khu 9: Xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh
Xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ (DQTV) vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ luôn được các địa phương trên địa bàn Quân khu 9 xem trọng và thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Từ đó, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chặt chẽ từ khâu tuyển chọn
Theo chia sẻ của Trung tá Tạ Minh Trí, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang, để tuyển chọn thanh niên tham gia nghĩa vụ DQTV, ngay từ đầu năm, cơ quan quân sự các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc về Luật DQTV, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DQTV một cách đồng bộ, sâu rộng và Hướng dẫn số 1016 của Bộ tư lệnh Quân khu 9 về quy trình thực hiện các bước tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, gắn với công tác tuyển chọn thanh niên tham gia nghĩa vụ DQTV.
Theo đó, Ban CHQS cấp xã, phường, thị trấn sẽ phối hợp với công an cùng cấp rà soát, lập danh sách công dân đủ 17 tuổi, nhất là các đối tượng chuyển đi, chuyển đến, thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra, phúc tra, quản lý; trong đó đảm bảo về tuổi đời, tiêu chuẩn chính trị, sức khỏe và trình độ học vấn được đặt lên hàng đầu.
Tìm hiểu thực tế một số địa phương trên địa bàn Quân khu 9 chúng tôi được biết, cơ quan quân sự, công an, giáo dục, y tế cùng cán bộ ấp, khóm, khu vực, khu phố sẽ phối hợp cung cấp, cập nhật thông tin về hoàn cảnh gia đình, công việc đang làm để nắm bắt được tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của thanh niên. Thường xuyên rà soát, đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi theo quy định cũng như thực hiện tốt việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ và kết nạp chiến sĩ DQTV, chuyển ra đối với số cán bộ, chiến sĩ hết tuổi. Đảng ủy Quân sự các tỉnh, thành phố còn phối hợp với các ban, ngành chức năng thực hiện tốt việc tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của chi bộ cấp xã, nhờ đó mà đến nay 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn Quân khu 9 có chi bộ quân sự. Các chi bộ quân sự đã khẳng định vai trò hạt nhân ở cơ sở, giúp cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quân sự, quốc phòng.
Xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh
Những ngày này dù thời tiết nắng gắt, nhưng hàng trăm chiến sĩ DQTV năm thứ nhất ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) vẫn bám thao trường, hăng say ôn luyện các tư thế ngắm súng. Mỗi đợt tập trung huấn luyện từng chiến sĩ đều thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm cao, ai cũng mong muốn đạt được kết quả tốt.
Thực hiện Đề án số 307/ĐA0UBND ngày 9-1-2022 của UBND tỉnh Tiền Giang về tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV giai đoạn 2021-2026, ngoài việc tổ chức huấn luyện tập trung tại Trung đoàn 924 và Tiểu đoàn 514, Bộ CHQS tỉnh còn chỉ đạo cho các Ban CHQS huyện, thị, thành phố huấn luyện lực lượng DQTV ngay tại đơn vị. Để công tác huấn luyện đạt chất lượng, hiệu quả, các đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị thao trường, bãi tập, hội thi, hội thao…
“Sau gần 3 năm thực hiện Luật DQTV và các văn bản về DQTV đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan, tổ chức địa phương xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh và rộng khắp, thường xuyên được củng cố, kiện toàn về số lượng và chất lượng hoạt động ngày càng hiệu quả; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”, Trung tá Tạ Minh Trí, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang cho biết thêm.
Nhằm đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, theo thông tin từ Bộ CHQS tỉnh An Giang, ngay từ khi Luật DQTV năm 2019 có hiệu lực thi hành, tỉnh đã tổ chức quán triệt Luật DQTV, các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn của Bộ, Quân khu 9 về công tác DQTV; ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác DQTV trên địa bàn...
“Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm bảo đảm ngân sách cho lực lượng DQTV theo Nghị định 72/2020/NĐ-CP ngày 30-6-2020 của Chính phủ. Theo đó, bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng Dân quân thường trực, chi trả phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên, quân trang, tiền ăn và ngày công lao động đúng, đủ theo Luật DQTV quy định”, Đại tá Thạch Thanh Tú, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh An Giang chia sẻ.
Theo lãnh đạo, chỉ huy Quân khu 9, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung kết quả công tác xây dựng lực lượng DQTV từ khi triển khai Luật DQTV năm 2019 và các văn bản hướng dẫn, đến nay các địa phương đã tạo được chuyển biến mới, cơ bản và toàn diện hơn. Quán triệt sâu sắc các quan điểm chủ trương về đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác DQTV; đồng thời nâng cao chất lượng trách nhiệm cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị cơ sở và huy động toàn dân chăm lo xây dựng lực lượng DQTV nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
“Thực tế những năm qua, lực lượng DQTV các địa phương đã thực hiện tốt những yêu cầu cơ bản, đó là: Hoàn thành chức năng, nhiệm vụ trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương; là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở địa phương, cơ sở; là lực lượng quan trọng trong xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ ở địa phương”, Đại tá Trịnh Hoài Văn, Trưởng phòng Dân quân Tự vệ, Bộ Tham mưu Quân khu 9 khẳng định.