Quần lót đã có từ thời cổ đại, thậm chí được chôn cất cùng vua
Người Ai Cập, La Mã và Hy Lạp cổ đã biết cách sản xuất đồ lót để che chắn bộ phận trọng yếu. Loại vật dụng này còn được chôn chất trong lăng mộ cùng pharaoh.
Người Ai Cập cổ đại có schenti, người La Mã dùng subligaculum, còn đàn ông thời Trung cổ sử dụng braies và chausses trước khi codpiece ra đời vào thời Phục hưng.
Dù ra đời trong thời đại nào, hình dáng ra sao, những sản phẩm này vẫn được dùng với mục đích là che đi bộ phận riêng tư của đàn ông.
Mãi đến sau này, quần boxer, quần brief và quần boxer-brief mới ra đời. Nhìn chung, lịch sử của đồ lót là sự kết hợp giữa tính thực tế, sự thay đổi và thời trang, theo National Geographic.
Những dạng đồ lót sơ khai
Hình thức đồ lót ra đời sớm nhất là khố. Vào thời tiền sử, đàn ông hay phụ nữ đều mặc khố. Loại trang phục này được làm từ những tấm vải dài phủ trước và sau bộ phận riêng tư, quanh eo buộc thêm sợi dây để cố định.
Người Ai Cập cổ đại sau đó tạo ra những mẫu quần lót làm từ vải lanh, hình tam giác và có dây buộc. Loại quần lót này gọi là schenti, nhìn qua sẽ trông giống một chiếc váy, nhưng thực ra nó có nhiều độ dài khác nhau.
Thời đó, schenti được dành cho các pharaoh và sau này những người thuộc tầng lớp thấp hơn cũng được mặc. Vua Tutankhamun khi qua đời đã được chôn cất cùng với 145 chiếc schenti.
Ở Hy Lạp thời cổ đại, khỏa thân vẫn là điều được chấp nhận và khá phổ biến. Dù vậy, mọi người vẫn mặt đồ lót giống như người Ai Cập. Đồ lót của người Hy Lạp thời đó được gọi là perizoma.
Trong khi đó, người La Mã cổ đại mặc đồ lót bên trong lớp áo tunic, áo toga hoặc áo choàng. Đồ lót của người La Mã ra đời vào giữa thế kỷ 2 Công Nguyên, được mô phỏng theo sản phẩm của người Etruscans cổ đại. Loại đồ lót này có thể trông giống khố hoặc quần đùi.
Tương tự, trong thời Trung cổ, người Celt và các bộ lạc Germanic mặc một loại quần lót thùng thình gọi là braies. Các nhà nghiên cứu chưa rõ liệu nữ giới có mặc braies hay không, tần suất mắc như thế nào, nhưng họ rút ra một điều là đàn ông đã sử dụng thắt lưng hoặc dây để cố định braies. Một số người còn mặc quần legging hoặc quần ống ôm. Đến thế kỷ 15, hai loại quần này trở thành một.
Quần lót, quần đùi và những cải tiến khác về đồ lót
Đến thế kỷ 19, quần bó ống (pantaloon) nổi lên như một hiện tượng và được nam giới, nữ giới ưa chuộng vì chúng giúp người mặt hấp thụ bụi bẩn, mồ hôi nên trang phục bên ngoài sẽ luôn được sạch sẽ.
Khoảng thời gian này cũng đánh dấu sự ra đời của loại đồ lót một mảnh dành cho nam và nữ. Sản phẩm này cũng là tiền thân của quần lót dài và onesies (một loại áo liền quần).
Cuối cùng, những loại đồ lót này đã nhường chỗ cho kiểu đồ lót phức tạp hơn, không chỉ để che mà còn có thể bảo vệ vùng kín của đàn ông. Codpiece - loại phụ kiện thời Trung cổ - được làm từ vật liệu cứng hơn, có hoa văn, đệm bông và hình dáng rất lớn để thể hiện sự nam tính.
Khi đó, đàn ông mặc áo blouse và áo sơ mi bên ngoài, trong khi phụ nữ mặc áo nịt ngực, tất chân và đeo nịt tất. Phong cách ăn mặc này rất hữu ích trong thời đại công nghiệp hóa vì nhiều đàn ông và phụ nữ làm việc trong các nhà máy.
Còn khi đạp xe, đàn ông lại mặc loại quần lót dành riêng cho hoạt động này gọi là quần jockstrap. Những chiếc quần đầu tiên được đặt tên theo dây đeo của vận động viên đua xe đạp và lần đầu được giới thiệu vào năm 1874.
Đến đầu thế kỷ 20, nhờ Jacob Golomb, những chiếc quần đùi co giãn được dùng trong môn đấm bốc lại trở thành đồ lót. Loại quần lót này vẫn được dùng đến ngày nay và được mọi người gọi là boxer.
Quần boxer ban đầu không phổ biến lắm. Đến năm 1928, Arthur Kneibler (cha đẻ của quần lót brief) được công ty đồ lót Cooper thuê về làm việc. Tại đây, ông cho ra đời quần lót brief - loại quần lót bó sát cơ thể, lấy cảm hứng từ quần jockstrap. Đến năm 1935, ông Kneibler cho ra mắt loại quần lót mới là short jockey và ngay lập tức gây sốt rộng rãi.
Đồ lót trở thành thứ không thể thiếu
Trong những năm 1950 và 1960, đồ lót trở thành món đồ thời trang không thể thiếu. Thay vì chỉ may từ vải màu trắng, đồ lót thời đó trở nên nhiều màu sắc hơn, hoa văn cũng đặc sắc hơn.
Đồng thời, sự phát triển của các loại vải như vải rayon và vải dracon cũng tạo ra loạt phong cách mới cho nam giới và nữ giới.
Kết quả là những quảng cáo đồ lót trở nên phổ biến hơn. Nhờ đó, quần bikini, quần lót lọt khe nhanh chóng đi kèm với quần lót Tighty-Whities trong loạt chiến dịch tiếp thị.
Đến những năm 1980 và 1990, thế giới bị chia rẽ với câu hỏi quần boxer hay quần brief.
Quần boxer ngày càng phổ biến sau Thế chiến 2, khi những người đàn ông phục vụ trong quân đội đều sử dụng những chiếc quần boxer tiêu chuẩn.
Nhưng một thế kỷ trôi qua, mọi người bắt đầu đặt câu hỏi về việc liệu loại quần này có mang lại lợi ích cho sức khỏe hay không. Dư luận thậm chí còn thảo luận về việc người nổi tiếng chọn quần lót thế nào. Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng trở thành trung tâm của những cuộc thảo luận như vậy.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, một loại quần mới xuất hiện gọi là quần lót boxer-brief - sự kết hợp giữa quần boxer và quần brief.
Nhà thiết kế John Varvatos của Calvin Klein được cho là người đã phát minh ra quần lót boxer-brief vào đầu những năm 1990, mặc dù ông có thể không phải là người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng này.
Phát minh này nhanh chóng thành công sau chiến dịch quảng cáo của Calvin Klein năm 1992 với sự góp mặt của rapper, diễn viên Mark Robert Michael Wahlberg.
Trong chiến dịch này, Mark không mặc gì ngoài chiếc quần đùi quần đùi màu trắng của Calvin Klein. Những hình ảnh quảng cáo nhạy cảm do nhiếp ảnh gia Herb Ritz thực hiện đã gây ra tranh cãi khá lớn, nhưng ngược lại cũng giúp Calvin Klein trở thành một cái tên quen thuộc trong lĩnh vực đồ lót.