Quản lý 800.000 tỷ đồng ngân quỹ ra sao?
Hơn 800.000 tỷ đồng ngân quỹ nhà nước đang 'nằm' ở Kho bạc Nhà nước (KBNN). Trong thời gian ngân quỹ nhàn rỗi, KBNN áp dụng một số giải pháp để số tiền ngân quỹ sinh lời. Cùng với đó, KBNN góp phần đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công.
Ngày 12/1, tại họp báo kết quả công tác trọng tâm năm 2023, đại diện Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, đến nay, số tiền ngân quỹ khoảng 800.000 tỷ đồng. Số tiền này gồm nguồn cải cách tiền lương, chi chuyển nguồn, tồn quỹ ngân sách trung ương, địa phương, quỹ tài chính… Để đảm bảo hiệu quả quản lý ngân quỹ, cuối ngày làm việc, toàn bộ số dư được tập trung từ địa phương, bộ ngành chuyển về trung ương và gửi toàn bộ tại Ngân hàng Nhà nước.
Bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, trách nhiệm của KBNN quản lý dòng tiền và đảm bảo thanh toán ngân sách nhà nước tại mọi thời điểm. Trước đây, tồn dư ngân quỹ chỉ gửi tiết kiệm ngân hàng không kỳ hạn. Theo thông lệ chung về quản lý ngân quỹ thế giới, KBNN trình cấp thẩm quyền giải pháp nâng cao hiệu quả dòng tiền quản lý. Theo đó, tồn dư ngân quỹ ưu tiên số 1 cho chi ngân sách trung ương, ngân sách địa phương. Số tiền còn lại, KBNN gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại nhà nước theo phương thức đấu giá lãi suất, đầu tư như mua lại trái phiếu Chính phủ trong thời gian ngắn.
“Năm 2023, thông qua hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước, KBNN đã nộp vào ngân sách hơn 6.800 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 tới nay, hoạt động này đã giúp KBNN nộp ngân sách nhà nước khoảng 23.000 tỷ đồng”, bà Huệ cho biết.
Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Quản lý Ngân quỹ (KBNN) cho biết, số tiền nộp vào ngân sách nhà nước từ hoạt động ngân quỹ nhà nước năm 2023 tăng gấp 5 lần năm 2022 nhờ việc lãi suất ngân hàng cao, góp phần tạo nguồn thu nghiệp vụ lớn.
Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công chậm, tồn ngân quỹ nhà nước cao, KBNN chủ động đề xuất giải pháp huy động vốn chi phí hợp lý, duy trì thị trường trái phiếu hoạt động thường xuyên, ổn định. Năm 2023, KBNN đã huy động được 298.476 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn trung bình 12,5 năm, lãi suất phát hành trung bình 3,2%/năm.
Trong 2 năm 2023-2024, khối lượng trả nợ của ngân sách trung ương khoảng 600.000 tỷ đồng. Vì vậy, năm 2024, KBNN sẽ trình cơ quan chức năng phương án huy động vốn đề đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, hiện nay thu chi ngân sách đã đạt gần 100% không dùng tiền mặt, năm 2023, số thu chi ngân sách bằng tiền mặt tại hệ thống KBNN chỉ còn gần 0,07% so với tổng thu.
Đến cuối 2023, KBNN thanh toán 568 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, tăng hơn 120.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Để kịp thanh toán vốn đầu tư công, có thời điểm, hệ thống KBNN toàn quốc xử lý tới 600 - 700 nghìn hồ sơ giải ngân vốn đầu tư công mỗi ngày, tăng gấp 2 lần ngày thường.
Ông Trần Mạnh Hà - Vụ trưởng Vụ kiểm soát chi cho biết, để đẩy nhanh vốn đầu tư công, KBNN đã yêu cầu thành viên chấp hành đúng quy định về phương thức gửi, thời gian xử lý hồ sơ, không được yêu cầu khách hàng giao dịch bổ sung, hoàn thiện hồ sơ quá 1 lần...
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quan-ly-800000-ty-dong-ngan-quy-ra-sao-post1603932.tpo