Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Tuy đạt được những kết quả nổi bật, nhưng sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 114/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước (HCN) đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Võ Đoàn cho rằng, Nghị định 114 là hành lang pháp lý để lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc quản lý an toàn đập, HCN, giúp các đơn vị quản lý, khai thác và vận hành công trình thủy lợi nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo công trình vận hành an toàn và hiệu quả. Vì vậy, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 114, hầu hết các đơn vị quản lý đập, HCN chấp hành nghiêm túc việc đăng ký an toàn đập ngay sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó có 76 HCN đã được công bố quy trình vận hành.
Hồ chứa nước Hố Sổ (Nghĩa Hành). Ảnh: M.HOA
Công tác lắp đặt thiết bị phục vụ thông báo, cảnh báo cũng như nâng cao hiệu quả, hiệu lực cảnh báo cũng được ngành nông nghiệp và các đơn vị quản lý, vận hành công trình chú trọng thực hiện. Theo đó, 19/20 HCN lớn có tràn tự do được lắp đặt trạm đo mưa lưu vực và quan trắc mực nước thượng lưu, tràn xả lũ. Đối với 5 HCN có cửa van điều tiết lũ, đơn vị quản lý cũng đã hoàn thành việc lắp đặt trạm đo mưa tự động lưu vực, quan trắc mực nước thượng lưu và hạ lưu đập.
Tuy nhiên, số lượng công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện còn đang sử dụng rất nhiều, gồm: 125 HCN các loại , 530 đập ngăn nước, 3 cống ngăn mặn, 138 trạm bơm và gần 4.300km kênh các loại. Tuy nhiên, Nghị định 114 chưa quy định về trách nhiệm, trình tự, thủ tục và nội dung thẩm định phương án bảo vệ đập, HCN; chưa có hướng dẫn chi tiết các tình huống khẩn cấp, mực nước tương ứng với các cấp báo động của từng loại HCN... Điều này không chỉ khiến công tác quản lý khó khăn, mà còn xảy ra tình trạng chồng chéo, bất nhất trong quá trình quản lý, vận hành giữa các cơ quan, đơn vị và tổ chức. Dù phần lớn công trình thủy lợi thuộc phân cấp quản lý của UBND cấp huyện, nhưng ngoài Bình Sơn, Sơn Tịnh, Minh Long, các địa phương còn lại chưa bố trí kinh phí thực hiện một số nhiệm vụ quản lý an toàn đập, HCN theo Nghị định 114, đặc biệt là chưa lập và công bố quy trình vận hành các hồ chứa.
Trong khi đó, nhiều công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi quản lý, vận hành và khai thác cũng trong tình trạng... đợi kinh phí! Ngoài đập Thạch Nham, hiện có 18 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, nhưng chưa được kiểm định an toàn đập, HCN; 2 HCN lớn (trừ 20 HCN do Sở NN&PTNT đang thực hiện) cũng chưa xây dựng phương án ứng phó với tình huống thiên tai khẩn cấp... và hàng loạt HCN chưa được rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành định kỳ 5 năm.
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi Hà Thế Vinh cho biết, việc kiểm định an toàn đập, HCN nhằm đánh giá cụ thể kết cấu, mức độ hư hỏng của công trình. Trên cơ sở đó, đơn vị sẽ xây dựng phương án quản lý và vận hành, cũng như kịch bản xử lý và khắc phục tương ứng với các sự cố rủi ro, nhằm đảm bảo an toàn công trình cũng như tính mạng, tài sản người dân trong khu vực. Tuy nhiên, vì thiếu kinh phí, nên nhiều công trình thủy lợi do đơn vị quản lý, vận hành đã đến hạn, thậm chí quá hạn, vẫn chưa được kiểm định an toàn đập, HCN.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 18 HCN đang xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn đập, HCN. Trong đó, 10/18 HCN đã được UBND tỉnh đề xuất với Bộ NN&PTNT đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, để bố trí kinh phí (185 tỷ đồng) đầu tư, sửa chữa. Còn 8 HCN hiện vẫn chưa có nguồn kinh phí đầu tư.