Quản lý an toàn thực phẩm dịp cuối năm: Tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc
Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao nên dễ xảy ra tình trạng thực phẩm 'bẩn', kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tuồn ra thị trường. Để bảo đảm an toàn vệ sinh, Hà Nội đã và đang tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh nông, lâm, thủy sản...
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội kiểm tra nguồn gốc thực phẩm tại huyện Đông Anh.
Nhiều thực phẩm không bảo đảm vệ sinh
Hiện trên địa bàn huyện Phú Xuyên có 158 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông, lâm sản; gần 6.000 hộ trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ; 164 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và 125 cơ sở ấp nở trứng gia cầm. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Phùng Thị Thanh Chúc, hầu hết các hộ sản xuất - kinh doanh thực phẩm xen kẽ trong khu dân cư, buôn bán thời vụ. Cùng với đó, công tác xử lý vi phạm hành chính ở cấp xã, thị trấn còn có tư tưởng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Điều này đã khiến cho tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất phức tạp và khó kiểm soát.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung, để quản lý chất lượng nông sản cung cấp ra thị trường trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, huyện đã đẩy mạnh kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất giò, chả; cung cấp thịt, rau, củ quả trên địa bàn huyện... Kết quả cho thấy, nhiều đơn vị quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa đầy đủ cơ sở vật chất. "Do một số tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh nông sản, thực phẩm nhận thức yếu kém, thậm chí cố tình vi phạm... nên việc sản phẩm đưa ra thị trường mất vệ sinh an toàn thực phẩm khó kiểm soát", bà Dung cho biết.
Nhận định về vấn đề này, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin, từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Sở đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Kết quả kiểm tra 255 cơ sở cho thấy có 85 cơ sở vi phạm (chiếm 33%) bị xử phạt với số tiền hơn 914 triệu đồng. Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm còn hạn chế, chưa đồng bộ; hợp đồng cung cấp thực phẩm giữa sản xuất và kinh doanh chưa chặt chẽ, rất khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở cơ sở chủ yếu dựa vào nhân viên thú y, bảo vệ thực vật tại các xã, phường, thị trấn, trong khi đó, lực lượng này thường xuyên thay đổi, chuyên môn chưa phù hợp, dẫn đến công tác tham mưu cho chính quyền địa phương chưa hiệu quả. Người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêu dùng thực phẩm an toàn nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, thói quen tiêu dùng chưa thay đổi nên chưa thúc đẩy mạnh việc đầu tư vào sản xuất - kinh doanh thực phẩm an toàn...
Kiên quyết xử lý các vi phạm
Để công tác quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn nữa, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng vật tư nông nghiệp; tiếp tục hướng dẫn nông dân nhận biết các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép; tuyệt đối không sử dụng chất tăng trưởng và chất cấm; hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết và biện pháp lựa chọn thực phẩm an toàn. Các đơn vị của huyện tăng cường công tác kiểm tra những cơ sở sản xuất - kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Khi phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định.
Ở góc độ tiêu dùng, bà Bùi Thị Lệ Thủy, phường Văn Quán (quận Hà Đông) bày tỏ mong muốn, các ngành chức năng giám sát chặt chất lượng nông sản ở chợ đầu mối, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm phục vụ thị trường Tết, như: Giò, chả, bánh chưng, rau, củ quả... Đối với những cơ sở vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và không mua sản phẩm.
Còn theo Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, từ nay đến cuối năm, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm việc tự công bố thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng; phát hiện, truy xuất nguồn gốc, yêu cầu, hướng dẫn khắc phục triệt để các mẫu vi phạm theo quy định. Cùng với đó, Sở tổ chức thẩm định, xếp loại cơ sở theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25-12-2018 quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT.