Quản lý bán hàng đa cấp

Sở Công Thương vừa có văn bản gửi các địa phương về việc phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện, TP quan tâm chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc, UBND xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đến người dân trên địa bàn. Thông báo các hành vi, thủ đoạn vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để người dân biết và cảnh giác, phòng ngừa…

Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 15 doanh nghiệp được xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Điều đó có nghĩa hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp được Nhà nước cấp phép, nếu hợp pháp.

Đa cấp hợp pháp, chính đáng ở đây được hiểu là hoạt động bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng mà không thông qua đại lý bán lẻ. Hoạt động của doanh nghiệp cơ bản là bán hàng, tiêu thụ hàng hóa, đào tạo nhà phân phối chứ không tập trung tuyển dụng hay thu hút đầu tư…

Hình thức kinh doanh đa cấp nếu đúng thực chất thì khá ưu việt bởi trước tiên doanh nghiệp phải có sản phẩm tốt và khi đã có sản phẩm tốt, bán trực tiếp sẽ tiết kiệm chi phí quảng cáo, khuyến mại hay mặt bằng, lưu kho, vận chuyển… Số tiền này dùng để trả cho nhà phân phối và nâng cấp cải tiến sản phẩm để tiếp tục phục vụ người tiêu dùng.

Vậy nhưng tại sao đa số người dân đều “dị ứng” với đa cấp, nói đến bán hàng đa cấp là nghi ngờ sản phẩm, thậm chí lừa đảo…Thực tế có doanh nghiệp, nhóm người đã biến tướng hoạt động đa cấp để lừa đảo, huy động vốn, thay đổi mục đích kinh doanh.

Các công ty đa cấp kiểu này thường tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ về các dự án, mô hình kinh doanh hoàn hảo với những chính sách, lợi nhuận khổng lồ, có một không hai để người tham dự hám lợi, bỏ vốn, tranh thủ “chớp thời cơ” kinh doanh. Sau khi thu được vốn, một vài lần trả lãi đầy đủ, công ty đa cấp sẽ lặn mất tăm.

Hoặc một hình thức biến tướng nữa là tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm, bán hàng với những công dụng, công năng vượt trội của sản phẩm, thậm chí sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ và đương nhiên, giá thành càng không xứng với chất lượng, càng nhiều người mua càng tốt khiến cho nhiều người “dở khóc dở cười”, “tiền mất tật mang”…

Vẫn khẳng định kinh doanh đa cấp được pháp luật Việt Nam công nhận là hợp pháp và các công ty, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chỉ hoạt động khi được cấp phép. Vậy nên với việc một lần nữa Sở Công Thương có văn bản chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh, là dịp để mỗi người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức cẩn trọng, kiểm tra kỹ tính pháp lý của các doanh nghiệp đa cấp khi mua hàng hay đầu tư kinh doanh.

Đặc biệt, cần tránh xa các hoạt động bán hàng đa cấp không phép hoặc lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để thực hiện các hoạt động lừa đảo, gây phức tạp về an ninh trật tự, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Bảo Châu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/408942/quan-ly-ban-hang-da-cap.html