Quản lý, bảo vệ môi trường theo nguyên tắc phát triển bền vững

Triển khai Luật Thủ đô 2024, Hà Nội xác định quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch…

Luật Thủ đô 2024

Quang cảnh Hồ Gươm. Ảnh: Vũ Minh Quân

Quang cảnh Hồ Gươm. Ảnh: Vũ Minh Quân

Xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" nêu rõ: “thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; hoàn thành cải tạo môi trường sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch; các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch”. Trước đó, Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” cũng đề ra các giải pháp bảo vệ môi trường.

Dù vậy, Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai. Nguyên nhân do thực hiện Thông tư số 51/2014/TT-BTNMT ngày 5/9/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) quy định quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trên địa bàn TP với 5 quy chuẩn Thủ đô Hà Nội ở mức cao và nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn quốc gia nhưng chưa có quy chuẩn khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định, các khu dân cư tập trung ở đô thị bao gồm khu vực nội thành, nội thị của các đô thị đặc biệt (trong đó có Thủ đô Hà Nội) là vùng bảo vệ nghiêm ngặt và khu vực vùng đệm của vùng bảo vệ nghiêm ngặt là vùng hạn chế phát thải. Song những yêu cầu, điều kiện nêu trên chưa có các biện pháp nhằm khuyến khích triển khai.

Khắc phục những bất cập, Luật Thủ đô 2024 đã thể hiện rõ tinh thần tạo ra những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phân cấp, ủy quyền cho TP chủ động, linh hoạt trong công tác điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô. Luật quy định quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch… Đồng thời, vẫn bảo đảm sự giám sát từ T.Ư thông qua việc báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ.

Trước những tin tưởng, gửi gắm, kỳ vọng của Quốc hội, Chính phủ, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết nhằm quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện khoản 3 Điều 17 Luật Thủ đô 2024).

Quy định trình tự, thủ tục xác định phân vùng môi trường

Theo đó, Nghị quyết số 34/2024/NQ-HĐND quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô; trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn TP Hà Nội.

Nghị quyết này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn TP Hà Nội.

Về trình tự, thủ tục thực hiện điều chỉnh phân vùng môi trường cần thực hiện rà soát phân vùng môi trường; tổ chức lập điều chỉnh phân vùng môi trường; thẩm định điều chỉnh phân vùng môi trường; phê duyệt điều chỉnh phân vùng môi trường; rà soát phân vùng môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức rà soát, lập báo cáo rà soát phân vùng môi trường; báo cáo UBND TP xem xét, ban hành quyết định giao cơ quan tổ chức lập điều chỉnh phân vùng môi trường. Hồ sơ báo cáo rà soát điều chỉnh phân vùng môi trường gồm: thuyết minh trong đó làm rõ các nội dung nêu tại khoản 2 điều này; các bản vẽ in màu tỷ lệ thích hợp; các văn bản pháp lý có liên quan.

Cơ quan được giao tổ chức lập điều chỉnh phân vùng môi trường có trách nhiệm: lập báo cáo về nội dung và kế hoạch chi tiết điều chỉnh phân vùng môi trường; báo cáo phải có số liệu điều tra, đánh giá các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương, xác định các mục tiêu bảo vệ môi trường của các khu vực điều chỉnh phân vùng, xác định phương án vị trí, quy mô ranh giới các vùng điều chỉnh....; tổ chức xin ý kiến các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư trong khu vực dự kiến điều chỉnh phân vùng môi trường chịu ảnh hưởng trực tiếp về việc điều chinh phân vùng môi trường; Tổng hợp, giải trình, tiếp thu các ý kiến đóng góp bằng văn bản đồng thời hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh phân vùng môi trường.

Sau đó, gửi hồ sơ đề nghị thẩm định lên Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) gồm: văn bản đề nghị thẩm định điều chỉnh phân vùng môi trường. b) Báo cáo nội dung điều chỉnh phân vùng môi trường; các văn bản pháp lý và tài liệu liên quan; văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư về các nội dung điều chỉnh phân vùng; các sơ đồ, bản đồ thể hiện các nội dung điều chỉnh phân vùng.

Nhận được hồ sơ của cơ quan được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) quyết định thành lập hội đồng thẩm định gồm ít nhất 07 thành viên từ các Sở, ngành liên quan và các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, quy hoạch...; thẩm định việc đáp ứng các yêu cầu về căn cứ điều chỉnh, điều kiện điều chính và các nội dung điều chỉnh phân vùng môi trường theo quy định pháp luật về quy hoạch, môi trường, đảm bảo tính pháp lý, tính khả thi và phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành; lấy ý kiến của các cơ quan quản lý chuyên ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu cần thiết).

Việc lấy ý kiến phải đảm bảo thời gian, hình thức theo quy định pháp luật hiện hành; có văn bản thông báo kết quả thẩm định gửi cơ quan được giao tổ chức lập điều chỉnh phân vùng môi trường để hoàn chỉnh nội dung điều chỉnh phân vùng môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tổng hợp kết quả thẩm định bằng văn bản, báo cáo UBND TP xem xét, phê duyệt; chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND TP về kết quả thẩm định điều chỉnh phân vùng môi trường của mình.

Thời gian thẩm định không quá 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định (không bao gồm thời gian lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan và thời gian hoàn chỉnh nội dung báo cáo điều chỉnh của cơ quan tổ chức lập điều chỉnh phân vùng môi trường).

Chia sẻ về việc điều chỉnh phân vùng môi trường và điều chỉnh cục bộ quy hoạch, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, để việc điều chỉnh phân vùng môi trường và điều chỉnh cục bộ quy hoạch nêu trên đạt hiệu quả cao, việc ban hành quy định trình tự, thủ tục được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ tăng cường, bổ sung nhiều biện pháp nhằm khuyến khích đầu tư đối với lĩnh vực, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ có mức độ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô; hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện gây ô nhiễm di chuyển trong một số khu vực của Hà Nội; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông có mức độ phát thải thấp (như đường sắt đô thị, xe điện, xe sử dụng năng lượng sạch, có mức độ phát thải thấp…).

Để dần mở rộng vùng phát thải thấp, các chuyên gia cho rằng Hà Nội cần thí điểm tại một số khu vực, lựa chọn những địa phương phù hợp làm hạt nhân ban đầu, chú ý khả năng kết nối các khu vực bằng phương tiện giao thông xanh, ví dụ như xe điện, xe đạp công cộng... Theo Nghị quyết trên của HĐND TP, quận Hoàn Kiếm, Ba Đình đã được xác định sẽ triển khai thi điểm việc này trong giai đoạn 2025-2030.

Các cơ chế được quy định trong Luật Thủ đô kết hợp với các quy định về bảo vệ môi trường, phân vùng môi trường sẽ tạo điều kiện để Thủ đô thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường. Cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, các chương trình ưu tiên hành động như rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí; giảm phát thải từ các nguồn chính từ giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó, phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm" cho các đơn vị liên quan - PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

An Bình

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/quan-ly-bao-ve-moi-truong-theo-nguyen-tac-phat-trien-ben-vung-417409.html