Quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh
Tỉnh ta có 514 km đường giáp ranh với các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa và hơn 274 km đường biên giới giáp với nước CHDCND Lào. Đây là những khu vực có diện tích rừng tự nhiên lớn, trữ lượng, chất lượng rừng cao, tính đa dạng sinh học phong phú, lưu giữ nhiều nguồn gen động, thực vật quý, hiếm. Những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm chỉ đạo lực lượng chức năng và chính quyền các huyện khu vực giáp ranh tăng cường phối hợp, tập trung quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo thống kê của lực lượng kiểm lâm, ở những khu vực giáp ranh còn nhiều loài động, thực vật cần đặc biệt ưu tiên bảo vệ, như: gấu, mèo rừng, gà lôi tía, hoẵng, vượn má trắng, vượn đen tuyền… và các loài thực vật, như: nghiến, pơ mu, thông, giổi, sa mu, tam thất hoang, thất diệp nhất chi hoa cùng một số loài dược liệu quý hiếm khác. Tuy nhiên, đây lại là những khu vực có địa hình phức tạp, hiểm trở, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và huy động lực lượng khi có tình huống cháy rừng xảy ra.
Ông Lương Ngọc Hoan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm gần đây, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở những vùng giáp ranh đang từng bước được cải thiện và nâng lên. Các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, chủ trương, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ đời sống và sản xuất, xây dựng nông thôn mới, chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai kịp thời, đã tạo thêm sinh kế, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Do tính chất quan trọng của vùng giáp ranh cần được ưu tiên bảo vệ, từ năm 2012 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ký quy chế phối hợp về bảo vệ rừng với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh giáp ranh. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, lực lượng chức năng, chính quyền các xã và chủ rừng vùng giáp ranh đẩy mạnh tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR.
Triển khai quy chế phối hợp, Hạt kiểm lâm các huyện giáp ranh thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn xử lý các vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Phối hợp với chính quyền các huyện, các cơ quan chức năng, chủ rừng giải quyết tranh chấp ranh giới, tuyên truyền, vận động nhân dân các bản giáp ranh ký cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng, không xâm canh, xâm cư, không khai thác lâm sản trái phép, không phá rừng làm nương, săn bắn động vật hoang dã và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Công tác tuần tra, kiểm soát được tăng cường, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng cơ bản được kiểm soát.
Huyện Phù Yên có 38 km đường giáp ranh với tỉnh Yên Bái, 35 km giáp ranh với tỉnh Phú Thọ và gần 15 km giáp với tỉnh Hòa Bình. Hạt Kiểm lâm huyện Phù Yên đã thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tân Sơn, Vườn quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ; huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái tổ chức tuần tra, kiểm tra, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng cho nhân dân.
Ông Phạm Văn Hóa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Yên, thông tin: Tính riêng năm 2022, lực lượng kiểm lâm các huyện giáp ranh đã tổ chức 28 cuộc tuyên truyền tại các bản, với 1.680 lượt người tham gia. Đồng thời, hướng dẫn ban quản lý các bản xây dựng nội quy, quy ước bảo vệ rừng, ký cam kết với các hộ về bảo vệ, PCCCR, không xâm canh, xâm cư, thực hiện sản xuất nương rẫy theo đúng mốc giới quy định.
Còn Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái tổ chức 40 cuộc họp bản, quán triệt, phổ biến và ký cam kết bảo vệ, PCCCR với 2.700 hộ thuộc 40 bản vùng đệm Khu bảo tồn.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, chia sẻ: Đơn vị đã tăng cường phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, triển khai các phương án bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và PCCCR tại khu vực giáp ranh. Đặc biệt là phối hợp thực hiện Dự án bảo tồn vượn đen tuyền tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La.
Ông Lương Ngọc Hoan, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết thêm: Cùng với tiếp tục triển khai chương trình dự án phát triển lâm nghiệp bền vững, Chi cục chỉ đạo Hạt kiểm lâm các huyện giáp ranh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo xây dựng các mô hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tạo thêm sinh kế từ nghề rừng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, từng bước tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự các vùng giáp ranh.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/quan-ly-bao-ve-rung-khu-vuc-giap-ranh-T1OgWau4R.html