Quản lý, bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Ba Bể gắn với công tác phát triển du lịch

Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể được giao quản lý toàn bộ diện tích 10.048ha, trong đó có hơn 7.731ha là rừng đặc dụng và thực hiện triển khai các hoạt động đầu tư phát triển vùng đệm có diện tích 25.309ha để tránh sự tác động xâm hại tới vùng lõi trên địa bàn 09 xã thuộc các huyện Ba Bể và Chợ Đồn.

Tạo sinh kế để mỗi người dân là trở thành một người giữ rừng.

Tạo sinh kế để mỗi người dân là trở thành một người giữ rừng.

Vườn Quốc gia Ba Bể có hệ động thực vật rất phong phú và đa dạng về số lượng và chủng loại. Theo số liệu điều tra khoa học, Vườn Quốc gia Ba Bể được xếp vào loại A về đa dạng sinh học. Tại đây có 650 loài thực vật thuộc 138 họ, 300 chi; 412 loài động vật gồm 27 bộ, 85 họ, trong đó có 87 loài cá và 46 loài lưỡng cư bò sát; 332 loài bướm. Nhiều loài động thực vật ở Vườn Quốc gia Ba Bể thuộc vào loại đặc biệt quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.

Thực vật có đinh, nghiến, gụ, lát chun... Động vật có cá cóc, vạc hoa, voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, cá anh vũ, cá chép “Kính,” cá dầm xanh, cá chiên, cá lăng… Đặc biệt có 20 loài bướm ở Ba Bể mới tìm thấy lần đầu cho khu hệ bướm Việt Nam; 3 loài đặc hữu: trúc dây, tảo đỏ, voọc mũi hếch được Hiệp hội Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (IUCN) xếp đa dạng sinh học loại A.

Vườn Quốc gia Ba Bể không chỉ là trung tâm đa dạng sinh học loại A mà còn là vùng danh thắng nổi tiếng của Việt Nam. Gắn liền với hồ Ba Bể có nhiều thắng cảnh độc đáo, hùng vĩ thiên nhiên như Động Nả Phoòng, Ao Tiên, thác Đầu Đẳng, động Puông, động Tiên.

Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể Triệu Thế Khôi chia sẻ: Lãnh đạo và đội ngũ cán bộ viên chức đơn vị luôn ý thức công tác quản lý bảo vệ rừng là ưu tiên hàng đầu. Lực lượng kiểm lâm luôn bám sát cơ sở, mỗi người dân là một tuyên truyền viên, tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên và cảnh quan thiên nhiên Vườn Quốc gia Ba Bể tại các xã vùng lõi, vùng đệm. Vận động người dân tại các xã vùng lõi, vùng đệm ký cam kết tham gia bảo vệ rừng, không vi phạm Luật Lâm nghiệp và các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng tại 44 thôn.

Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch.

Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch.

Tăng cường công tác tuần tra, truy quét thời gian trước, trong và sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5. Các ngày nghỉ lễ thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng phối hợp kiểm tra, giám sát các nhóm/tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng thực hiện tuần tra quản lý bảo vệ rừng theo hợp đồng đã ký kết. Quản lý cưa xăng và các phương tiện độ chế trên địa bàn theo quy định.

BQL Vườn đã tuyên truyền, vận động và thực hiện vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch sinh thái. Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề cương, Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Ba Bể. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, khảo sát các tuyến, điểm du lịch.

Nhờ làm tốt công giữ rừng gắn với phát triển du lịch, người dân vùng hồ hiểu được lợi ích của rừng, rừng cho họ nhiều cơ hội phát triển kinh tế, bảo vệ rừng được hỗ trợ kinh phí. Du lịch Ba Bể đang rất phát triển, đặc biệt là dịch vụ lưu trú, ẩm thực, thương mại. Những hộ dân không tham gia vào lĩnh vực dịch vụ thì sản xuất các sản phẩm nông sản bán cho khách du lịch. Hộ có điều kiện thì kinh doanh vận tải du lịch bằng thuyền... Các dịch vụ đã tạo được việc làm cho lao động nông thôn. Ngoài ra nhiều người làm nghề đưa khách đi khám phá cảnh quan, làm hướng dẫn viên; nhiều thôn đã thành lập các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính mang lại thu nhập khá./.

Trần Tuyến

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202208/quan-ly-bao-ve-rung-vuon-quoc-gia-ba-be-gan-voi-cong-tac-phat-trien-du-lich-6983736/