Quản lý bệnh án điện tử bằng trí tuệ nhân tạo
Thông qua bệnh án điện tử giúp quá trình khám chữa bệnh, nghiên cứu y học được thực hiện có hệ thống và lưu thông tin tốt hơn.
Thông qua bệnh án điện tử giúp quá trình khám chữa bệnh, nghiên cứu y học được thực hiện có hệ thống và lưu thông tin tốt hơn. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ có chức năng bổ trợ cho việc chăm sóc sức khỏe người dân mà còn giúp giảm áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ.
Số hóa dữ liệu người bệnh
GS.TSKH Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) và cộng sự đã thực hiện hành công dự án “Khai thác bệnh án điện tử với AI”. Đây là dự án được thực hiện tại Đại học Quốc gia TPHCM.
Dự án này tập trung việc sử dụng AI để phát triển các công cụ thu thập, truy xuất dữ liệu, khai thác bệnh án bệnh nhân; phân tích dữ liệu y học, xử lý văn bản lâm sàng, chuyển bệnh án điện tử thành dữ liệu chung dưới dạng số và văn bản... qua đó hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ trong việc quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, với khoảng 135 bệnh viện hạng 1 trở lên. Nhằm đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn, từ năm 2019 đến nay, Bộ Y tế đã và đang đẩy mạnh phát triển y tế thông minh.
Từ tháng 3/2019, ứng dụng bệnh án điện tử đã được bắt buộc triển khai tại các cơ sở khám chữa bệnh. Giai đoạn 2024 - 2028, tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước phải triển khai bệnh án điện tử - phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị, lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án giấy quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay mới có 37/135 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, đạt 20% chỉ tiêu mà Bộ Y tế đề ra.
GS.TSKH Hồ Tú Bảo cho hay, AI là thành phần cốt lõi để phát triển công cụ cơ bản cho phép khai thác các tính năng của bệnh án điện tử. Thông qua bệnh án điện tử giúp quá trình khám chữa bệnh, nghiên cứu y học được thực hiện có hệ thống và lưu thông tin tốt hơn.
Theo đó, dự án được hoạt động nhằm mục tiêu hướng đến ứng dụng AI để xây dựng hạ tầng số; trong đó, mọi công dân đều có thể quản lý hồ sơ sức khỏe của mình như tài sản riêng.
Bên cạnh đó, thông qua việc kết nối bệnh án điện tử giữa các bệnh viện còn tạo cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Đây là việc làm hết sức quan trọng và ý nghĩa trong công tác thực hiện chuyển đổi số ngành Y tế tại Việt Nam.
Bệnh án điện tử gồm 2 loại dữ liệu, một là ghi chép lâm sàng (văn bản), hai là dữ liệu cận lâm sàng (số do máy móc đưa lại như dữ liệu hình ảnh, xét nghiệm). Bệnh án điện tử (EMR) do từng bệnh viện tạo ra và lưu giữ theo chuẩn quy định. Hồ sơ sức khỏe điện tử (HER) chia sẻ và trao đổi EMR giữa các bệnh viện để tạo cơ sở dữ liệu hồ sơ khám sức khỏe điện tử.
Sẽ tạo ra cuộc tiến hóa trong y học
Bệnh án điện tử là tài nguyên của ngành Y trong thời chuyển đổi số. Một số công nghệ nền về AI để khai thác bệnh án điện tử ở Việt Nam như dùng nhận dạng tiếng nói để tạo bệnh án điện tử, nghiên cứu về sử dụng thuốc ở Việt Nam, gợi ý phác đồ điều trị cho bệnh nhân. “Việc ứng dụng AI để khai thác dữ liệu bệnh án điện tử sẽ tạo ra một cuộc tiến hóa trong ngành y”, GS.TS Hồ Tú Bảo nhận định.
Để triển khai các nội dung của bệnh án điện tử, một nhóm các nhà khoa học có nhiều đóng góp cho phát triển lĩnh vực chuyên môn và ứng dụng thực tiễn về máy học, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trên thế giới được mời về Việt Nam, thực hiện nghiên cứu, hỗ trợ nhóm các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia TPHCM.
Đó là GS Nguyễn Hùng Sơn (Đại học Varsava, Ba Lan), GS Nguyễn Xuân Long (Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ), GS Phùng Quốc Định (Đại học Monash, Australia), TS Bùi Hải Hưng (chuyên gia từ Hoa Kỳ, hiện là Giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo của Vingroup)…
Dựa trên các thành tựu mới nhất của AI, đặc biệt là khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn và học máy, các nhà khoa học đã phát triển, ứng dụng các phương pháp nhằm khai thác hiệu quả bệnh án điện tử, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người Việt Nam, phục vụ nghiên cứu y học ở trong nước.
Hoạt động của Tiểu dự án đã được ứng dụng tại một số bệnh viện đi đầu trong áp dụng bệnh án điện tử: Bệnh viện Vân Đồn (Quảng Ninh), Bệnh viện Thống nhất, Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược TPHCM và Bệnh viện Thủ Đức (TPHCM).
Ngoài kết quả trực tiếp liên quan đến phát triển, đề xuất ứng dụng các phương pháp học máy tiên tiến, phù hợp với điều kiện, con người Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu y học, các nhà khoa học còn tích cực triển khai nhiều hoạt động truyền bá, phổ biến tri thức mới nhất về AI, khoa học dữ liệu và học máy. Đó là việc tổ chức các khóa học ngắn cho cán bộ khoa học trẻ thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện và doanh nghiệp trong nước.
Kết quả triển khai tiểu dự án cho thấy hiệu quả của việc kết nối mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước về AI, qua đó, góp phần lan tỏa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu mới về AI tới mọi lĩnh vực đời sống.
Chuyển đổi số ngành Y là chuyển từ các bệnh án trên giấy sang dạng bệnh án điện tử và sử dụng nguồn dữ liệu khổng lồ của các bệnh án điện tử để nâng chất lượng khám chữa bệnh, nghiên cứu y học.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quan-ly-benh-an-dien-tu-bang-tri-tue-nhan-tao-post662416.html