Quản lý các mỏ cát tại Hà Nội: Thành phố quyết tâm nhưng không ít địa phương vẫn có dấu hiệu buông lỏng!
Nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản...
Đấu giá nhiều mỏ cát trong năm 2023
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5275/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023. Cụ thể, sẽ đấu giá đối với 5 điểm mỏ cát (6 mỏ cát) đã có kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng và chất lượng khoáng sản.
Trong đó, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát (3 mỏ cát) đợt 1 gồm: Mỏ Liên Mạc (Thượng Cát), phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm; mỏ Tây Đằng - Minh Châu, thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, xã Chu Minh, huyện Ba Vì; mỏ Châu Sơn, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì. Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 2 điểm mỏ cát (3 mỏ cát) gồm: Mỏ Cổ Đô 1, Cổ Đô 2 xã Cổ Đô, xã Phú Cường và mỏ Thanh Chiểu, xã Phú Cường, huyện Ba Vì.
Thời gian tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát (3 mỏ cát) đợt 1, từ quý I/2023 đến hết quý II/2023. Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 2 điểm mỏ cát (3 mỏ cát) gồm: Mỏ Cổ Đô 1, Cổ Đô 2 xã Cổ Đô, xã Phú Cường và mỏ Thanh Chiểu, xã Phú Cường, huyện Ba Vì từ quý III/2023 đến hết quý IV/2023. Nếu năm 2023 chưa thực hiện đấu giá hết các khu vực mỏ đã được phê duyệt tại kế hoạch này, thì khu vực mỏ còn lại sẽ được chuyển sang đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thời gian tiếp theo.
Mục đích của việc UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn TP; Phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn TP, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt, góp phần hạn chế tối đa hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường và gây mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn TP hiện nay.
Việc khai thác cát trái phép chưa được ngăn chặn triệt để
Trước đó, ngày 5/9/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển tiêu thụ khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn TP.
Văn bản trên của Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho thấy thực tế, ngoài những mặt tích cực thì công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản (cát, sỏi) ở một số địa bàn còn chưa hiệu quả, chặt chẽ, việc khai thác trái phép chưa được ngăn chặn triệt để.
Tình trạng bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi hoạt động chưa đủ thủ tục hoặc chưa được cấp phép theo quy định, kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp... Một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên chủ yếu do công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức.
Để làm rõ điều này, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế tại huyện Ba Vì. Theo danh sách của UBND TP Hà Nội, đây là địa phương có nhiều mỏ đấu giá nhất, gồm: mỏ Tây Đằng - Minh Châu, thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, xã Chu Minh, huyện Ba Vì; Mỏ Châu Sơn, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì; Mỏ Cổ Đô 1, Cổ Đô 2, xã Cổ Đô, xã Phú Cường và mỏ Thanh Chiểu, xã Phú Cường.
Tại thị trấn Tây Đằng, nơi có mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu, trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Thăng, Phó chủ tịch UBND thị trấn Tây Đằng khẳng định, mỏ cát vẫn được quản lý tốt, không có tình trạng xe quá khổ, quá tải đi trên mặt đường đê để vào mỏ vận chuyển cát.
Thế nhưng, thực tế tại mỏ này hoàn toàn khác với khẳng định của vị lãnh đạo thị trấn. Sát cổng ra, vào của mỏ là mặt đường đê hiện diện hai trụ bê tông được dựng lên với mục đích chỉ cho phép xe có tải trọng từ 12 tấn trở xuống đi trên mặt đường đê. Nhưng nhiều năm nay, ngay sát vị trí trụ này đã bị ai đó cho phương tiện đổ thêm đất, mở rộng mặt đê. Phần thêm này dư sức cho các xe ô tô có tải trọng trên 12 tấn đi qua. Chúng tôi từng ghi nhận hình ảnh xe tải trọng lớn ra, vào lấy cát tại mỏ Tây Đằng cũng như cảnh xe máy xúc của mỏ ung dung san gạt phần mở rộng này.
Cách hai trụ bê tông vài mét là biển hạn chế tải trọng dành cho xe 12 tấn trở xuống nhưng mặt biển báo đã bị ai đó xịt sơn đen gần như phủ kín hết số 12. Cả một đoạn đường đê dài hơn cây số bị xe tải băm nát.
Liền với Thị trấn Tây Đằng là xã Chu Minh, nơi tập trung nhiều mỏ cát, trong đó có một phần mỏ Tây Đằng.
Theo tài liệu chúng tôi có được, ngoài một phần mỏ Tây Đằng, trên địa bàn xã còn có bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng của hộ ông Đỗ Công Thiện. Tiếp đó là bến bãi của Công ty TNHH Đăng Hà.
Đối với bến bãi đứng tên ông Đỗ Công Thiện, xóm Vòng Dưới, thôn Chu Quyến, tại biên bản do UBND xã Chu Minh lập thời điểm tháng 4/2022 cho thấy tổng diện tích bãi là 5.783 m2. Vi phạm của chủ bãi gồm: tập kết máy móc, vật liệu xây dựng trái phép trên hành lang kè, trên phần diện tích đất nông nghiệp; sử dụng xe quá tải trọng và gây rơi vãi vật liệu xây dựng.
Đối với bến bãi của Công ty TNHH Đăng Hà, thôn Chu Quyển 1, do ông Đỗ Công Hải đại diện vi phạm khi tập kết máy móc, vật liệu xây dựng trái phép trên hành lang kè.
Làm việc với PV, bà Nguyễn Thị Việt Hoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND và ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND xã Chu Minh cho biết, vi phạm của các hộ trên đã được UBND xã xử lý. Các hộ cũng kí cam kết không tái phạm. Riêng bến bãi của Công ty TNHH Đăng Hà, UBND xã yêu cầu công ty phải chấm dứt hoạt động tập kết, tự giải tỏa, di chuyển toàn bộ máy móc và khối lượng vật liệu xây dựng đang tập kết trái phép trên hành lang kè, không sử dụng xe quá tải trọng và gây rơi vãi vật liệu xây dựng vật liệu xây dựng trong quá trình giải tỏa. Nếu công ty tiếp tục vi phạm, UBND xã sẽ thực hiện thủ tục xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cần siết chặt quản lý
Ngày 2/3/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố.
Tháng 9/2022, HĐND TP Hà Nội lập đoàn giám sát, từ đó cho thấy Hà Nội có 201 bãi tập kết (trong đó có 77 bãi có thủ tục hoạt động hoặc phù hợp tiêu chí và 124 bãi chưa đủ thủ tục hoạt động hoặc không phù hợp tiêu chí).
Như vậy, số lượng các bến bãi chưa đủ thủ tục hoạt động còn rất lớn và ít có cải thiện so với khảo sát năm 2020 (có 246 bãi chứa, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên các tuyến sông thuộc TP, trong đó 209 bãi đang hoạt động, 37 bãi dừng hoạt động).
Trong bối cảnh này, việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023 là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cho dù TP có quyết tâm bao nhiêu nhưng các địa phương, nơi có các mỏ cát, khoáng sản vẫn buông lỏng quản lý, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng không ít doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, việc khai thác trái phép chưa được ngăn chặn triệt để. Tình trạng bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi hoạt động chưa đủ thủ tục hoặc chưa được cấp phép theo quy định, kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp sẽ còn tiếp tục diễn ra... Điều này từng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cảnh báo trong Chỉ thị số 15/CT-UBND, ngày 5/9/2022.