Quản lý chặt an toàn thực phẩm
Dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm và thủy sản trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực.
Quản lý chặt an toàn thực phẩm
Năm 2020 khi mọi hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản đều gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các yếu tố khác, sâu bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATTP. Dù vậy, lĩnh vực ATTP luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, trong đó phải kể đến vai trò của các cơ quan chuyên môn Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng (QLCL) nông lâm và thủy sản cùng chính quyền các cấp đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét. Bà Ngô Minh Uyên Thảo – Chi cục trưởng Chi cục QLCL nông lâm và thủy sản tỉnh cho biết: “Đã có 118 văn bản được ban hành kịp thời bám sát với nhiệm vụ trọng tâm đã giúp cho công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh được chặt chẽ và có hiệu quả. Một số văn bản ban hành sát với nhiệm vụ phát sinh mới đã có hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19”.
Nhận thức, ý thức chấp hành của các doanh nghiệp, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản, thủy sản thời gian qua được nâng lên, số đông đều tự giác chấp hành các quy định. Về phía người tiêu dùng ngày càng tỏ rõ sự hiểu biết, cơ bản dần hình thành thói quen “chất quan trọng hơn lượng”. Trong năm qua đã thanh kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP của ngành nông nghiệp là 835 cơ sở; 10.289 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đều ký cam kết sản xuất sản phẩm an toàn. Trong số 40 cơ sở nông sản, thủy sản được thanh tra, 10 cơ sở vi phạm đã bị xử phạt với số tiền 162,36 triệu đồng; đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với 2 cơ sở và tiêu hủy 152 kg tang vật dung dịch hỗn hợp keo, sáp nến, hỗn hợp keo ong, khô gà, cà phê bột... Công tác giám sát chất lượng ATTP nông, lâm và thủy sản được tập trung giám sát trên các sản phẩm có nguy cơ cao như rau, thịt, nguyên liệu thủy sản, thủy sản chế biến… Chi cục đã thực hiện lấy 458 mẫu giám sát chất lượng, ATTP nông sản, thủy sản; trong đó có 20 mẫu không đạt yêu cầu, chiếm 4,37% (giảm 3,91% so cùng kỳ năm 2019).
Khẩu hiệu “sạch từ trang trại đến bàn ăn” tiếp tục lan tỏa rộng khắp, bằng chứng là chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn ngày càng được nhân rộng, khi có thêm 22 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với sản lượng 28.362,7 tấn sản phẩm nông, lâm, thủy sản kết nối thành công trong năm 2020. Cấp 29 giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 29 cơ sở với 117 sản phẩm. Sản xuất nông, lâm và thủy sản của tỉnh dần chuyển sang chuỗi giá trị, các đơn vị chủ động công tác chế biến, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nâng giá trị sản phẩm. Hiện toàn tỉnh có 128 ha nuôi trồng thủy sản, 11.470 ha trồng rau, quả, 60 ha lúa, 0,1 ha trồng nấm, 3 trang trại chăn nuôi chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Năm 2020, UBND tỉnh ban hành chương trình quản lý chất lượng, ATTP nông sản thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là tiền đề để triển khai công tác quản lý chất lượng, ATTP trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Uyên Thư
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/quan-ly-chat-an-toan-thuc-pham-134505.html