Quản lý chặt các dự án chuyển đổi đất rừng

ĐBP - Luật Ðất đai năm 2013 quy định các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng do HÐND tỉnh chấp thuận; điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích để thực hiện các dự án đầu tư phải có nghị quyết của HÐND tỉnh đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa và dưới 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Trong giai đoạn từ 2014 - 2020, toàn tỉnh đã chấp thuận 1.459 dự án với tổng diện tích hơn 11.266ha và chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 345,3ha đất rừng phòng hộ vào các mục đích khác để thực hiện 527 dự án. Các dự án đã được HÐND tỉnh xem xét, chấp thuận phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Dự án Ðường Mường Luân - Co Kham - Na Hát - Páo Sinh, xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông) là một trong những dự án xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Ảnh: Quốc Huy

Ðể kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Ðặc biệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện và hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên. Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân; cùng với đó xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư.

Ðến nay, toàn tỉnh đã triển khai 477 dự án với tổng diện tích thực hiện gần 4.000ha. Nhiều dự án sau khi được hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, Dự án Nâng cấp đường Tà Lèng - Mường Phăng được phê duyệt đầu tư từ năm 2017 do UBND tỉnh làm chủ đầu tư (Ban thực hiện Dự án du lịch tỉnh được ủy quyền đại diện chủ đầu tư). Dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi khoảng 8,55ha rừng sang mục đích khác. Sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng kết nối hệ thống giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và hỗ trợ phát triển du lịch; khai thác thế mạnh đặc thù của khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hiện nay còn 437 dự án chưa thực hiện với tổng diện tích hơn 2.222ha và 338 dự án quá 3 năm chưa triển khai thực hiện với diện tích hơn 930ha. Trước tình hình trên, để bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương, chủ đầu tư căn cứ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và khả năng bố trí vốn, tổ chức rà soát các dự án đã được chấp thuận nhưng chưa triển khai thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đưa ra khỏi danh mục. Kết quả có 20 dự án đề nghị hủy bỏ theo quy định với tổng diện tích gần 188ha. Lý do là các dự án này không nằm trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt. Ðối với các dự án còn lại, tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát danh mục các dự án cần thu hồi đất và các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ đã được chấp thuận; trường hợp các dự án không thể triển khai, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền hủy bỏ theo quy định.

Vừa qua HÐND tỉnh khóa XIV đã chấp thuận 48 dự án cần thu hồi đất và sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ năm 2019 vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội với diện tích hơn 720ha. Trong đó, chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 30,35ha đất rừng phòng hộ và 76,78ha đất trồng lúa vào các mục đích khác để thực hiện 44 dự án theo quy định. Ðiển hình là dự án Thủy lợi Nậm Pố, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tháng 10/2019 (thời gian thực hiện từ 2019 - 2021). Tuy nhiên, dự án vướng vào 1,59ha rừng sản xuất và rừng ngoài quy hoạch (trạng thái rừng tự nhiên lá rộng thường xanh nghèo kiệt; trữ lượng trung bình 13m3/ha). Ðể quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi đất rừng thực hiện dự án này, hội đồng thẩm định đã thẩm tra tính hiệu quả, cũng như sự phù hợp quy hoạch của dự án. Theo đó, xác định việc đầu tư dự án là cần thiết và cấp bách để phục vụ khai hoang, tăng vụ cho người dân xã Nà Hỳ. Do vậy, dự án đảm bảo tiêu chí xác định dự án cấp thiết được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác. Dự án đã được HÐND tỉnh chấp thuận thông qua thu hồi đất năm 2019, không nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; không ảnh hưởng đến các quy hoạch quốc phòng - an ninh, quy chế quản lý biên giới.

Quốc Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/183365/quan-ly-chat-cac-du-an-chuyen-doi-dat-rung