Quản lý chặt chẽ, hiệu quả

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, chiều nay, 13.12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021.

Tổng nhu cầu bổ sung là 14.713,362 tỷ đồng

Theo Tờ trình về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày, trong tổng số 1.431,387 tỷ đồng đã được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 50/TTr-CP ngày 15.2.2022, sau khi giảm trừ: khoản chi đã đưa vào quyết toán năm 2020 là 599,280 tỷ đồng, khoản hoàn trả nhà tài trợ do không thực hiện hết là 1,830 tỷ đồng, còn lại là 830,277 tỷ đồng. Qua rà soát, một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo phát sinh một số khoản viện trợ khác từ năm 2019 trở về trước (không nằm trong khoản viện trợ 830,277 tỷ đồng) đã đủ điều kiện quyết toán nhưng thiếu dự toán là 115,521 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn viện trợ thực nhận năm 2019 trở về trước, đã chi tiêu và có nhu cầu bổ sung dự toán năm 2021 là 391,805 tỷ đồng. Các khoản viện trợ phát sinh từ năm 2019 trở về trước không có viện trợ Covid-19 do dịch bệnh phát sinh từ đầu năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nêu rõ, tổng nhu cầu bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 nguồn vốn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) là 14.713,362 tỷ đồng. Bao gồm: số viện trợ cho phòng chống dịch Covid-19 là 11.360,435 tỷ đồng; số viện trợ khác là 2.961,122 tỷ đồng.

Báo cáo thẩm tra việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, tại Văn bản số 787/TB-TTKQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận: Chính phủ thống nhất số liệu với Kiểm toán Nhà nước, hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội quyết định bổ sung dự toán thu, chi, phân bổ chi tiết cho bộ, ngành, địa phương chậm nhất tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV.

Tuy nhiên, đến ngày 30.9.2022 Bộ Tài chính mới có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước, đến ngày 30.11.2022, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là quá muộn so với quy định. Do đó, đề nghị rút kinh nghiệm, thực hiện nghiêm Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về khoản phát sinh trong năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, trong năm 2020, 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, ngân sách gặp nhiều khó khăn, nguồn lực này là rất đáng trân trọng, thể hiện tình cảm của nhân dân và bạn bè quốc tế. Chính phủ đã rà soát số liệu, tách riêng phần viện trợ cho phòng chống dịch Covid-19, thuyết minh rõ các khoản viện trợ bằng tiền và khoản viện trợ nhận bằng hiện vật, tổng hợp các khoản viện trợ của năm 2021, thống nhất với Kiểm toán Nhà nước theo đúng Thông báo số 787/TB-TTTKQH. Do vậy, nhất trí bổ sung 14.321,557 tỷ đồng vào dự toán nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (chi thường xuyên) năm 2021.

Có ý kiến cho rằng, số liệu bổ sung 14.321,557 tỷ đồng vào dự toán nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (chi thường xuyên) năm 2021 tại Tờ trình số 465/TTr-CP của Chính phủ mới chỉ là tổng hợp nhu cầu, chưa được rà soát theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do vậy, đề nghị cần rà soát trước khi bổ sung dự toán.

Bảo đảm ngắn gọn, tiết kiệm thời gian

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát xem còn nội dung nào liên quan đến tài chính, ngân sách trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 18. Ngoài ra, đối với các nội dung liên quan đến tài chính có nội dung không quá phức tạp, nên gom lại thành một Tờ trình và một Báo cáo thẩm tra, khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thì nêu rõ từng nội dung, bảo đảm thuận lợi cho quá trình chuẩn bị hồ sơ, Tờ trình, cũng như hoạt động điều hành bảo đảm ngắn gọn, tiết kiệm thời gian.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương trình Quốc hội thảo luận, xem xét quyết định việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (chi thường xuyên) năm 2021, đưa nội dung này vào Nghị quyết về một số nội dung liên quan đến ngân sách của Kỳ họp bất thường lần thứ hai.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương thống nhất toàn bộ số liệu với Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt lưu ý các khoản viện trợ phát sinh năm 2019 trở về trước chưa có ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu trình Quốc hội. Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc tuân thủ thời gian trình các nội dung theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghiên cứu hoàn thiện hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài để quản lý chặt chẽ hiệu quả, không để xảy ra lãng phí, vừa tuân thủ các quy định của pháp luật, vừa bảo đảm tính khả thi trong thực tế thực hiện.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/quan-ly-chat-che-hieu-qua-i311232/