Quản lý chặt chẽ vốn nhà nước trong đầu tư xây dựng

Nhằm khắc phục những hạn chế của Nghị định 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2015/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung pháp lý về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Nghị định số 32/2015/NĐ-CP góp phần hoàn thiện khung pháp lý về quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Tăng hiệu quả trong đầu tư

Hiện nay, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng của một số dự án chưa xác định đúng cũng như thiếu các biện pháp kiểm soát phù hợp, dẫn tới việc điều chỉnh dự án là khá phổ biến. Việc xác định giá gói thầu thiếu chính xác, không phù hợp trong đấu thầu dẫn tới tiến độ thực hiện dự án kéo dài, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư. Chính vì vậy, Nghị định quy định cụ thể tổng mức đầu tư xây dựng là toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng của dự án được xác định phù hợp với thiết kế cơ sở và các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Nội dung tổng mức đầu tư xây dựng gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có), chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng cho khối lượng phát sinh và trượt giá. Cách xác định sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng của dự án được ước tính trên cơ sở quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ theo phương án thiết kế sơ bộ của dự án và suất vốn đầu tư hoặc dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, quy mô, tính chất dự án đã hoặc đang thực hiện có điều chỉnh, bổ sung những chi phí cần thiết khác.

Đối với dự toán xây dựng công trình được quy định là toàn bộ chi phí cần thiết để xây dựng công trình được xác định ở giai đoạn thực hiện dự án phù hợp với thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các yêu cầu công việc phải thực hiện của công trình. Nội dung dự toán xây dựng công trình gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng. Việc xác định dự toán xây dựng công trình được thực hiện trên cơ sở khối lượng tính toán từ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, chỉ dẫn kỹ thuật, các yêu cầu công việc phải thực hiện của công trình và định mức xây dựng, giá xây dựng của công trình. Đối với dự án có nhiều công trình xây dựng, chủ đầu tư có thể xác định tổng dự toán xây dựng công trình để quản lý chi phí. Tổng dự toán xây dựng công trình được xác định bằng cách cộng các dự toán xây dựng công trình và các chi phí khác có liên quan của dự án.

Quy định rõ chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước

Để quản lý nhà nước hiệu quả, Nghị định quy định rõ chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, Bộ Xây dựng là cơ quan chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng và có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết về nội dung, phương pháp xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng gồm sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng, đo bóc khối lượng xây dựng công trình, giá ca máy và thiết bị thi công, điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự toán xây dựng, xác định đơn giá nhân công xây dựng, quy đổi vốn đầu tư xây dựng và kiểm soát chi phí trong đầu tư xây dựng. Ngoài ra, Bộ Xây dựng công bố định mức xây dựng, định mức các hao phí tính giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng, định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, giá xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng quốc gia và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khác. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Quy định mức thu phí và hướng dẫn việc quản lý sử dụng phí thẩm định dự án đầu tư, thiết kế, dự toán xây dựng và các phí khác (nếu có). Thanh tra, kiểm tra việc thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách.

Các Bộ, UBND cấp tỉnh căn cứ phương pháp lập định mức dự toán xây dựng do Bộ Xây dựng hướng dẫn, tổ chức xây dựng và công bố các định mức dự toán xây dựng cho các công việc chuyên ngành, đặc thù của Bộ, địa phương sau khi thống nhất với Bộ Xây dựng. UBND cấp tỉnh hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; công bố giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng và đơn giá xây dựng công trình phù hợp với mặt bằng giá thị trường tại địa phương và kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tiến Tài, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết: Sau khi Luật Xây dựng có hiệu lực, vai trò, trách nhiệm của những cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng được quy định rất cụ thể. Do vậy, việc ban hành Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng sẽ tạo thuận lợi trong quản lý đối với các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là vấn đề kiểm soát vốn nhà nước trong các dự án công trình.

Thành Luân

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/quan-ly-chat-che-von-nha-nuoc-trong-dau-tu-xay-dung.html