Quản lý chặt hóa đơn điện tử, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1123/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Phương Anh

Còn tình trạng chưa triệt để sử dụng hóa đơn điện tử

Theo công điện, ngày 13/6/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, trong đó quy định việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) áp dụng kể từ ngày 1/7/2022. Thời gian qua, cơ quan thuế đã tích cực xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống HĐĐT trên phạm vi cả nước để phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

"Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, doanh nghiệp chưa triệt để sử dụng HĐĐT, còn hiện tượng phát hành, sử dụng, mua bán HĐĐT bất hợp pháp nhằm trục lợi, vi phạm pháp luật… Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan tăng cường công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sử dụng HĐĐT, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng HĐĐT; nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai ngay các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giám sát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng HĐĐT; đặc biệt là trong việc lập HĐĐT tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.

Bộ Công an được giao chủ trì việc kết nối dữ liệu dân cư với các cơ quan thuế và các cơ quan quản lý thuế, các địa phương để phối hợp phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không thực hiện HĐĐT; tích cực, chủ động cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Ngoài ra, Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt đầy đủ, kịp thời các quan điểm, nhận thức về trách nhiệm thực hiện chuyển đổi số tại địa phương, trong đó xác định việc áp dụng HĐĐT là một trong các giải pháp bắt buộc rất quan trọng để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, nhất là đối với các HĐĐT về điện, xăng dầu…

Chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo sát sao các sở, ngành phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng cơ quan thuế tại địa phương trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, quản lý, sử dụng HĐĐT; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý thuế và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp có quy định sử dụng HĐĐT mà không thực hiện.

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn

Cơ sở pháp lý áp dụng hóa đơn điện tử bán lẻ bán xăng dầu

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng HĐĐT như sau: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ quy định: Thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Thông tin về công tác vận hành và sử dụng HĐĐT, Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế đến ngày 31/10/2023, số lượng HĐĐT cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 5,6 tỷ hóa đơn. Trong đó có hơn 1,62 tỷ hóa đơn có mã của cơ quan thuế và hơn 3,98 tỷ hóa đơn không mã. Đến nay, hệ thống HĐĐT được vận hành ổn định 24/7 phục vụ tốt mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thông tin liên quan đến việc triển khai HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, Tổng cục Thuế cho biết, ngày 1/7/2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã chính thức thực hiện giải pháp phát hành HĐĐT ngay sau từng lần bán hàng tại hệ thống cửa hàng xăng dầu của tập đoàn trên toàn quốc. Theo đó, đã có 2.700 cây xăng của Petrolimex đã áp dụng việc xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng.

Để mở rộng triển khai HĐĐT đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác, Tổng cục Thuế đã có công văn số 1423/CT-QLT1 gửi Tổng công ty Dầu Việt Nam và Công văn số 1424/CT-QLT1 gửi Tổng công ty Xăng dầu Quân đội để yêu cầu báo cáo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện giải pháp phát hành HĐĐT ngay sau từng lần bán hàng và đề xuất giải pháp, kiến nghị để triển khai. Cùng với đó, Tổng cục Thuế cũng đã tổ chức cuộc họp giữa nhà cung cấp giải pháp (Tập đoàn Viettel) và các doanh nghiệp xăng dầu (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội) để trao đổi, đề xuất các phương án triển khai khả thi.

Tiếp đó, để đảm bảo thực hiện việc chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng hóa đơn, đồng thời ngăn chặn hành vi bán hàng không xuất hóa đơn, ngày 13/11/2023, Tổng cục Thuế đã có văn bản (Công văn số 5080/TCT-DNL) chỉ đạo cơ quan thuế các cấp khẩn trương nắm bắt thực trạng triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại địa phương.

Đồng thời, Tổng cục Thuế chỉ đạo cục thuế các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn triển khai ngay các giải pháp thực hiện được việc phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng theo quy định. Trong đó, Tổng cục Thuế nhấn mạnh phải giám sát chặt chẽ việc phát hành hóa đơn, sử dụng hóa đơn nói chung và hóa đơn đối với xăng dầu nói riêng, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ không đúng quy định.

ÔNG ĐÀO HẢI NAM - TỔNG GIÁM ĐỐC PETROLIMEX:

Tăng tuân thủ pháp luật trong kinh doanh xăng dầu

Việc Petrolimex triển khai phát hành HĐĐT ngay sau từng lần bán hàng, không chỉ là hành động tiên phong, vấn đề tuân thủ yêu cầu quản lý của nhà nước, mà còn khẳng định quan điểm nhất quán của ban lãnh đạo Petrolimex định hướng tới hệ thống quản trị kinh doanh minh bạch, công khai, tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Petroliemex tin tưởng rằng, việc triển khai thành công sẽ là bước đột phá tạo sự minh bạch, bình đẳng, góp phần xây dựng một thị trường xăng dầu lành mạnh bền vững; mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm dịch vụ chất lượng cao.

Từ ngày 1/9/2023, Petrolimex bổ sung “số biển số xe” trên HĐĐT. Với việc HĐĐT được khởi tạo thông qua tạo log tự động kết nối đến các phần mềm quản lý và e-Invoice, khi nhân viên Petrolimex nhập đúng, đủ thông tin “số biển số xe” đã mua xăng dầu, khách hàng sẽ nhận được HĐĐT sau thời điểm kết thúc từng lần bán hàng tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex.

Petrolimex đang tiếp tục cải tiến, nâng cấp, hiện đại hóa, cung cấp các dịch vụ, công cụ tốt nhất cho khách hàng nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, khối lượng công việc…, trong việc sử dụng dữ liệu HĐĐT của Petrolimex phát hành với hệ thống phần mềm của các khách hàng Petrolimex.

Khách hàng nhận hóa đơn điện tử, đối chiếu, quản lý các giao dịch mua xăng dầu thông qua 4 hình thức gồm: địa chỉ email; tài khoản nhận hóa đơn của khách hàng; tra cứu trực tiếp trên website của Petrolimex tại địa chỉ https://hoadon.petrolimex.com.vn; và hệ thống HĐĐT của Tổng cục Thuế tại địa chỉ: https://hoadondientu.gdt.gov.vn.

ÔNG VÕ THÀNH ĐÀNG - TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP ĐƯỜNG QUẢNG NGÃI:

Xuất hóa đơn sau bán hàng đảm bảo quyền lợi cho khách hàng

Việc cơ quan thuế triển khai HĐĐT cho doanh nghiệp đã giúp thị trường cạnh tranh minh bạch, công bằng và mở ra các cơ hội mới cho doanh nghiệp trong phát triển các hoạt động về thương mại điện tử.

Từ 1/7/2022, hầu hết doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên toàn quốc đã chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT, trong đó có cả doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc phát hành HĐĐT ngay sau từng lần bán hàng đặc biệt là bán xăng dầu sẽ góp phần minh bạch hóa, công khai các hoạt động kê khai thuế; tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong tra cứu hóa đơn, tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Đặc biệt, việc phát hành HĐĐT ngay sau từng lần bán khẳng định tính chuyên nghiệp của trong tổ chức điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo tính minh bạch, chính xác, an toàn và hiệu quả.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, HĐĐT là một yêu cầu bình thường, kể cả đối với các hàng hóa khác chứ không riêng gì xăng dầu. Việc áp dụng HĐĐT, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là cần thiết và phù hợp để ngăn chặn xăng dầu lậu, kém chất lượng, giúp cho thị trường lành mạnh hơn và doanh nghiệp cũng có công cụ quản lý hàng hóa hiệu quả hơn.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quan-ly-chat-hoa-don-dien-tu-tao-moi-truong-kinh-doanh-binh-dang-140058.html