Quản lý chặt hoạt động của các tiệm cầm đồ

Dịch vụ cầm đồ là dịch vụ kinh doanh hợp pháp, có đăng ký kinh doanh và phải có giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện an ninh trật tự để cho vay cầm đồ. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có những cơ sở cầm đồ lợi dụng điều này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Phát hiện nhiều cơ sở vi phạm

Các cơ sở dịch vụ cầm đồ hiện nay cũng là một trong những nơi cung cấp dịch vụ tài chính cho những người không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng. Đây có thể là những người dân lao động tự do, không chứng minh được thu nhập, có nhu cầu vay gấp, vay ngắn. Tuy nhiên, có một số cơ sở cầm đồ đã lợi dụng điều này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cầm đồ với mức lãi suất vượt quy định của Nhà nước. Khi người dân chậm góp tiền, mất khả năng chi trả, băng nhóm tín dụng đen gọi điện đe dọa cả người vay và người thân của họ để ép trả nợ. Hiện nay, tổng số cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh ta là 633 cơ sở. Trong quý IV/2023, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội các địa phương đã trực tiếp tiến hành kiểm tra 120 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Qua đó đã phát hiện 10 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật và quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 34 triệu đồng. Đáng chú ý, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã phát hiện 4 vụ/4 đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự và quyết định xử phạt hành chính 55 triệu đồng, buộc nộp 9.421.698 đồng tiền thu lợi bất hợp pháp. Công an huyện Phú Quý đã phát hiện 1vụ/1 đối tượng có hành vi cho vay tiền vượt quá lãi suất quy định của pháp luật, đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra xử lý. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và ra quyết định xử phạt 6 cơ sở cầm đồ vi phạm các quy định của pháp luật.

Lực lượng công an kiểm tra hoạt động của tiệm cầm đồ trên địa bàn huyện Hàm Tân (ảnh CA).

Lực lượng công an kiểm tra hoạt động của tiệm cầm đồ trên địa bàn huyện Hàm Tân (ảnh CA).

Từ những vụ việc trên cho thấy tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen, núp bóng các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ vẫn còn những diễn biến phức tạp, việc xử lý hoạt động tín dụng đen còn gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra, xử lý do hoạt động này rất tinh vi, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, trá hình, núp bóng các cơ sở kinh doanh, nhất là cơ sở kinh doanh cầm đồ. Hiện nay, nhiều người dân nhận thức chưa đầy đủ dễ bị đối tượng lừa đảo thực hiện, thủ tục quy định cho vay vốn của các tổ chức tín dụng còn rườm rà, phức tạp; thủ đoạn cho vay tín dụng rất nhanh, thủ tục ngắn gọn, có nhiều đối tượng cho vay không cần thế chấp, chỉ cần CMND, sổ hộ khẩu...

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh

Từ những vụ việc trên cho thấy tình hình tội phạm tín dụng đen, núp bóng các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ vẫn còn những diễn biến phức tạp. Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, các ngành chức năng cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Các ngành chức năng và địa phương cần tiến hành rà soát, lên danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ (cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ đã được, chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT), công ty hỗ trợ tài chính và các tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn về hoạt động tín dụng đen, cần có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ tại địa phương trong thời gian qua có những diễn biến phức tạp, cơ sở tham gia hoạt động tín dụng đen cho vay nặng lãi, gây hậu quả xấu đối với tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Bên cạnh đó, công an các địa phương sẽ chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ thủ tục hành chính ngay từ khâu cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; quán triệt, nâng cao kiến thức nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Tăng cường bám địa bàn nắm tình hình, cung cấp thông tin, phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ có liên quan trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Nâng cao chất lượng các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, trong đó tập trung công tác điều tra cơ bản địa bàn lĩnh vực ngành, nghề đầu tư kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn. Tập trung vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có biểu hiện kinh doanh tài chính, cho vay nặng lãi. Tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm hoặc phức tạp về ANTT.

Hướng dẫn lực lượng công an xã, phường, thị trấn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân về cho vay trong giao dịch dân sự, thông báo những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi, lừa đảo thông qua huy động vốn của người dân với lãi suất cao bất thường và hậu quả nguy hiểm của hoạt động tín dụng đen để nhân dân nâng cao cảnh giác không tham gia, tiếp tay cho các loại đối tượng này. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", đồng thời tổ chức cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/quan-ly-chat-hoat-dong-cua-cac-tiem-cam-do-120243.html