Quản lý chặt hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Chảy

Thời gian qua, Báo Phú Thọ đã nhận được ý kiến phản ánh và kiến nghị của người dân xã Phú Lâm, huyện Đoan Hùng cho rằng việc khai thác cát sỏi trên sông Chảy đã gây sạt lở đất canh tác và bờ, vở sông, làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân. Phóng viên Báo Phú Thọ đã tìm hiểu thực tế vấn đề này.

Vị trí sạt lở bãi soi ở đâùbờ kè dưới chân đê, gần khu vực Đình Bằng Tường, xã Phú Lâm, huyện Đoan Hùng.

Mỏ cát, sỏi lòng sông Chảy thuộc các xã Hùng Xuyên, Phú Lâm, huyện Đoan Hùng được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt trữ lượng khoáng sản còn lại tại Quyết định số 767/QĐ-UBND ngày 10/4/2017; phê duyệt vào khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tại Quyết định số 1916/QĐ-UBND ngày 31/7/2019.

Trên địa bàn xã Phú Lâm có hai doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông Chảy gồm Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phúc Thịnh. Trong đó, Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Hưng Thịnh được UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ cát, sỏi lòng sông Chảy thuộc các xã Hùng Xuyên, Phú Lâm, huyện Đoan Hùng tại Quyết định số 1315/QĐ-UBND ngày 7/6/2017; phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường tại Quyết định số 1362/QĐ-UBND ngày 9/6/2017; cho phép khai thác khoáng sản mỏ cát, sỏi lòng sông Chảy thuộc các xã Hùng Xuyên, Phú Lâm, huyện Đoan Hùng tại Giấy phép số 103/GP-UBND ngày 30/12/2019; cho phép trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản mỏ cát, sỏi lòng sông Chảy thuộc các xã Hùng Xuyên, Phú Lâm, huyện Đoan Hùng tại Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 25/01/2021; cho thuê đất diện tích 26,34 ha mặt nước để thực hiện khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông Chảy tại Quyết định số 2497/QĐ-UBND ngày 22/9/2022.

Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phúc Thịnh, được UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ cát, sỏi lòng sông Chảy thuộc các xã Chí Đám, Vân Du, Hùng Quan (nay là xã Hùng Xuyên), Phong Phú, Phương Trung (nay là xã Phú Lâm), thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng theo Quyết định số 1316/QĐ-UBND ngày 7/6/2017; gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản mỏ cát, sỏi lòng sông Chảy theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 104/GP-UBND ngày 30/12/2019, trong đó diện tích gia hạn tiếp tục được khai thác là 19,51ha; diện tích được trả lại là 33,24ha. Lý do trả lại nhằm đảm bảo an toàn bờ, vở sông; công suất khai thác 45.000 m3/năm; thời hạn khai thác 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép.

Lòng sông Chảy đoạn qua xã Phú Lâm, nơi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phúc Thịnh được cấp phép khai thác mỏ cát, sỏi.

Theo nội dung các giấy phép được cấp, trong quá trình khai thác khoáng sản, các đơn vị được cấp phép tiến hành hoạt động khai thác theo đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất quy định; thực hiện khai thác mỏ theo đúng thiết kế đã được duyệt và ranh giới đất được thuê; chỉ khai thác từ 6h đến 18h; thực hiện các biện pháp phòng chống, khắc phục các sự cố về môi trường, sạt lở tầng tuyến khai thác, sạt lở bờ vở sông, công trình thủy lợi, hành lang an toàn đê điều, đê kè và luồng giao thông đường thủy và các sự cố khác xảy ra do khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản gây ra...

Thời gian qua, UBND xã Phú Lâm nhận được phản ánh và đơn kiến nghị của người dân về việc Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phúc Thịnh khai thác cát, sỏi ngoài phạm vi cấp phép, gây sạt lở đất nông nghiệp của nhân dân, gây bức xúc trong nhân dân. Ông Phạm Văn Toản ở khu 2, xã Phú Lâm cho biết: “Theo tôi, việc sạt lở bờ vở sông do nhiều nguyên nhân như: Tình trạng khai thác cát sỏi; có nhiều đoạn bờ, vở sông chưa được kè, bờ sông địa chất yếu, nhất là khu vực đầu bờ kè dưới Đình Bằng Tường, giữa lòng sông có một số đá to làm ảnh hưởng đến dòng chảy và đoạn gần nghĩa trang Soi Xép... nên đã gây sạt lở trong nhiều năm qua. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế, có biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình kè, đê giao thông, đất canh tác của người dân”. Trước tình hình khai thác cát, sỏi của các công ty và tình trạng sạt lở bãi soi, bờ, vở sông làm ảnh hưởng đến đất canh tác và đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân, xã Phú Lâm đã kịp thời vào cuộc, kiểm tra, xác minh tình hình thực tế, thành lập các tổ giám sát việc khai thác cát, sỏi tại địa phận các khu dân cư và báo cáo cơ quan cấp trên.

Theo biên bản làm việc ngày 9/6/2022 giữa UBND xã Phú Lâm và đại diện Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phúc Thịnh, công dân phản ánh tàu cuốc của Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Hưng Thịnh vào giáp ven bờ thuộc khu dân cư Duỗn Trung và khu vực bến Hòa Năm khai thác cát sỏi trái phép, ngoài phạm vi cấp phép; tàu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phúc Thịnh vào khai thác thuộc khu Bằng Tường, Tây Mỗ 1, 2, 3, Cẩn Độ. Tại buổi làm việc, UBND xã yêu cầu hai công ty khai thác đúng phạm vi cấp phép mỏ, nghiêm cấm khai thác ngoài phạm vi cấp phép. Đại diện hai công ty đã nghiêm túc tiếp thu và rút kinh nghiệm trong việc khai thác, cam kết khai thác cát, sỏi đúng phạm vi cấp phép.

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Đoan Hùng về việc tăng cường công tác quản lý bến thủy nội địa hàng hóa trên địa bàn, ngày 30/8/2022, UBND xã đã có văn bản số 85/CV-UBND, trong đó ghi rõ: “Sau khi kiểm tra 19 bến bãi đang hợp đồng khai thác cát sỏi với Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phúc Thịnh, tại thời điểm kiểm tra các bến đang hoạt động tập kết, khai thác cát sỏi. Chủ bến không xuất trình được giấy phép hoạt động mở bến thủy nội địa, việc tự ý tập kết cát sỏi trên đất nông nghiệp là trái quy định pháp luật. UBND xã đề nghị Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phúc Thịnh chấm dứt hợp đồng khai thác cát sỏi giữa chủ bến và công ty. Công ty có trách nhiệm cùng chủ bến thanh thải toàn bộ cát sỏi trên bến và phương tiện khai thác cát sỏi trả loại phần đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất...”. Cùng ngày, UBND xã Phú Lâm có văn bản số 196/BC-UBND báo cáo UBND huyện Đoan Hùng, trong đó ghi: “Sau khi nhận được ý kiến của khu Tây Mỗ 2, xã đã cùng Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phúc Thịnh, trưởng khu Tây Mỗ và hai hộ đại diện khu dân cư kiểm tra vị trí cấp phép mỏ. Tại thời điểm kiểm tra đã cắm mốc vị trí cấp phép mỏ theo bản đồ mỏ và giấy phép số 104 ngày 30/12/2019... Việc khai thác của Công ty là đúng vị trí mỏ, tuy nhiên nhân dân không đồng ý Công ty khai thác tại vị trí này vì phía thượng nguồn khu vực mỏ là nghĩa trang của khu Tây Mỗ 1, 2, 3. Nhân dân cho rằng nếu tiếp tục khai thác cát sỏi sẽ dẫn đến việc sạt lở soi, sạt lở nghĩa trang Soi Xép”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phúc Thịnh cho biết: Doanh nghiệp tiếp thu ý kiến của nhân dân và sẵn sàng đề xuất xin trả lại không khai thác khu vực gần nghĩa trang Soi Xép và các vị trí tiềm ẩn, có nguy cơ sạt lở cao nhằm đảm bảo an toàn bờ, vở sông và nghĩa trang của nhân dân...

Tàu khai thác cát, sỏi trên sông Chảy của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phúc Thịnh.

Ông Trịnh Văn Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lâm cho biết: “Trên địa bàn xã có hai Công ty được UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông Chảy. Trong quá trình khai thác, có một số lần hai Công ty này khai thác ngoài phạm vi cho phép làm ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác của bà con, gây bức xúc trong nhân dân. Nhận được phản ánh của công dân, xã đã kịp thời tuyên truyền nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời tiến hành làm việc, lập biên bản và yêu cầu công ty về khai thác tại vị trí được cấp phép. Đến thời điểm này, các Công ty đã trở về khai thác theo đúng vị trí được cấp phép. Tình hình đời sống nhân dân, ANTT địa phương đã ổn định...”. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Luân - Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Đoan Hùng thông tin thêm: “Đối với vị trí sạt lở bãi soi, dưới chân đê gần khu vực Đình Bằng Tường, đây là vị trí mà giữa lòng sông Chảy có một số tảng đá to, ảnh hưởng đến dòng chảy, dù không khai thác cát sỏi thì nhiều năm nay cũng bị sạt lở, mỗi năm một ít. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình và đã báo cáo với huyện để có đề xuất, xây dựng phương án xử lý trong thời gian tới...”.

Đến ngày 30/12/2022, giấy phép khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông Chảy của Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phúc Thịnh sẽ hết hạn. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp gia hạn giấy phép khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông Chảy của hai doanh nghiệp, ngày 24/11/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kiểm tra thực địa hiện trạng và xem xét các vấn đề liên quan đến mỏ. Thành phần tham dự gồm đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, UBND huyện Đoan Hùng, UBND các xã Hùng Xuyên, Phú Lâm, Vân Du và đại diện hai doanh nghiệp được cấp phép khai thác. Theo biên bản làm việc, đại diện UBND các xã Hùng Xuyên, Phú Lâm, Vân Du cho biết, trong quá trình hoạt động, hai Công ty đã phối hợp tốt với các địa phương; đến nay, tại xã Vân Du có hai điểm sạt lở đã đưa ra khỏi khu vực khai thác; có một điểm sạt lở dài 50 m ở xã Hùng Xuyên; ở địa bàn xã Phú Lâm, luôn có lực lượng công an xã theo dõi việc khai thác cát, sỏi của Công ty.

Báo Phú Thọ sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/quan-ly-chat-hoat-dong-khai-thac-cat-soi-tren-song-chay/189166.htm