Quản lý chặt hơn doanh nghiệp đưa người lao động đi nước ngoài làm việc
Bên lề kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV chiều 21/5, phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với các đại biểu xung quanh những nội dung dự án Luật sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu quan điểm: Có nhiều lao động của Việt Nam mong muốn ra nước ngoài làm việc. Nhưng đã đi ra nước ngoài làm việc thì phải có tổ chức, vì có tổ chức thì nhà nước mới có điều kiện nắm thông tin và bảo hộ công dân của mình. Đây là trách nhiệm của nhà nước và cũng là quyền của bất kỳ quốc gia nào. Chính vì thế, làm sao để luật này trở thành rường cột để đưa người lao động đi nước ngoài, đảm bảo độ an toàn, đảm bảo tính hiệu quả thực hiện chủ trương của nhà nước, thực hiện mục tiêu giải quyết công ăn việc làm, giải quyết vấn đề thu nhập, hợp tác quốc tế và tận dụng tay nghề, kinh nghiệm quản lý, tác phong lao động của người lao động khi trở về đất nước.
Thực tế đã có những bất cập liên quan đến việc tổ chức đưa lao động đi nước ngoài, ví dụ như vấn đề bỏ trốn ở Hàn Quốc, Nhật Bản, tình trạng môi giới trong nước lừa đảo, thậm chí có trường hợp địa phương ngăn cản quá trình tuyển dụng lao động... Bản thân Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Chính phủ đã có những chấn chỉnh, xử lý, nhiều doanh nghiệp bị rút giấy phép, xử lý hành chính... Vì vậy phải làm sao để luật này ra đời, khắc phục những bất cập đã xảy ra khi đưa vào thực hiện luật hiện hành.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ về dự án Luật sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
Còn theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng), việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng là tạo nguồn thu nhập của bản thân người lao động và đóng góp cho lượng kiều hối của Việt Nam.
“Cơ bản ban soạn thảo đã nỗ lực, có rút kinh nghiệm quản lý trước đây, nhưng tôi cho rằng cần phải xác nhận việc đưa người lao động đi nước ngoài là loại kinh doanh có điều kiện chứ không phải cứ đưa đi rồi đem con bỏ chợ, làm chuyện phi pháp. Điều đó tuyệt nhiên không được. Do đó, phải có hình phạt, xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp sai phạm”, đại biểu Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh.
Về vấn đề quản lý công ty môi giới, đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho rằng, cần có quy định ký quỹ hoặc khi công ty môi giới thành lập, thì cần quy định đây là kinh doanh có điều kiện, phải đặt ra những điều kiện chuẩn và kiểm soát doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu hay không. Đồng thời, thực hiện đúng quy trình, thanh tra, kiểm tra, giám sát và khi phát hiện thì xử lý với hình phạt thật nghiêm.
Chiều 21/5, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đọc tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự thảo lần này tập trung sửa đổi, bổ sung 6 nhóm vấn đề chính, trong đó có nhiều nội dung về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đặc biệt, trong dự án Luật này có quy định: Người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về, phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú chậm nhất 30 ngày kể từ ngày về nước, để kịp thời cập nhật thông tin và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm.
Dự thảo Luật sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng đưa ra nhiều quy định mới nhằm nâng cao các điều kiện về vốn chủ sở hữu, ký quỹ, người đại diện theo pháp luật…
Theo đó, bổ sung quy định doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn chủ sỡ hữu không thấp hơn 5 tỉ đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.
Doanh nghiệp cũng phải duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt quá trình hoạt động.
Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định, thời hạn giấy phép là 5 năm, được gia hạn giấy phép nhiều lần, mỗi lần 5 năm.